Úc triển khai tàu sân bay đối phó Trung Quốc

28 Tháng mười một, 2014 | Tin nước Úc

 


 


 








Trực thăng MH60R ‘Romeo’ Seahawk bay ngang tàu sân bay trực thăng kiêm tàu đổ bộ HMAS Canberra ở Sydney, Úc ngày 14.11. Photo Courtesy: LSIS Yuri Ramsey/Navy Daily

 


Vào ngày 28.11, tàu sân bay trực thăng HMAS Canberra của Úc đã chính thức đưa vào hoạt động.


 


Với sự tham dự của Toàn quyền Úc và Thủ tướng Úc Tony Abbott, buổi lễ triển khai hoạt động tàu sân bay trực thăng HMAS Canberra, chiếc đầu tiên trong dự án đóng 2 chiếc (chiếc thứ nhì là HMAS Adelaide) đã được tổ chức sáng 28.11 tại Sydney.


 


Tàu sân bay trực thăng HMAS Canberra, kiêm tàu đổ bộ, là con tàu lớn nhất từ trước đến nay của hải quân Úc. Tàu có khả năng chở đến 1,000 lính, cùng 4 tàu đổ bộ, 110 xe chiến đấu, 12 xe tăng hạng nặng, và 18 trực thăng. Tàu có chiều dài 230 m, ngang rộng nhất 32 m, lượng giãn nước gần 30,000 tấn.


 


Mục đích của tàu sân bay Úc là cùng gia nhập nhóm nước có tàu sân bay ở châu Á gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản để tham gia phục vụ cho các mục đích đổ bộ, chỉ huy tác chiến, cứu hộ thảm họa…


 


Do Úc là một trong các nước tham gia dự án phát triển tiêm kích tàng hình F-35 nên tàu sân bay trực thăng Canberra có thể bố trí loại máy bay này, do phần mũi tàu có hếch lên cho máy bay chiến đấu cất cánh (hãng Navantia, Tây Ban Nha thiết kế phần này).


 


Cuộc chạy đua tàu sân bay ở châu Á – Thái Bình Dương bắt nguồn từ sự gia tăng hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc.


 


Bắc Kinh cũng đã có kế hoạch đóng 3 tàu sân bay, để triển khai máy bay J-15 chế tạo từ mẫu Su-33 của Nga. Loại tiêm kích tàng hình J-31 cũng đang được nghiên cứu phát triển. Khi các máy bay này được triển khai rầm rộ sẽ đặt tàu chiến và máy bay Mỹ ở châu Á vào tình thế thách thức lớn sau hàng chục năm thống trị ở khu vực.


 


Trước đó Nhật Bản đã triển khai đối phó với mối đe dọa này từ năm 2013 với tàu sân bay trực thăng lớp Izumo, mà Nhật gọi là tàu khu trục kiêm chở trực thăng. Tàu này nhỏ hơn tàu Liêu Ninh gấp 2 lần về lượng giãn nước (dài 250m, lượng giãn nước khoảng 20,000 tấn, chở được 14 trực thăng), nhưng hai chiếc Izumo theo kế hoạch sẽ được cải biến để có thể bố trí các máy bay tiêm kích hiện đại F-35B.


 


Như vậy Canberra và Izumo đều là tàu sân bay gần như đích thực (thay vì chỉ thuần chở trực thăng) và là đối thủ đáng gờm với tàu Liêu Ninh, chưa kể Izumo và Canberra đều là tàu mới so với Liêu Ninh là tàu tân trang từ vỏ tàu cũ hàng chục năm.


 


Hiện tại Úc đang hợp tác với Nhật đóng các tàu ngầm lớp Soryu của Nhật thay thế lớp tàu Collins đã cũ. Việt Nam mua 6 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga. Indonesia cũng quyết định đặt Hàn Quốc đóng tàu ngầm. Còn Nhật Bản cam kết cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam và Phi Luật Tân.


 


Tổng hợp