White flight: học sinh da trắng ở Úc bắt đầu bỏ trường công vì vấn đề chủng tộc?

20 Tháng 3, 2008 | Tin nước Úc

Dân biểu Laurie Ferguson hiện là thư ký quốc hội về Đa văn Sự vụ, một chức vụ tương đương với thứ trưởng trong Bộ Di trú. Ông Ferguson nói: “Người ta sợ có một thứ văn hóa duy nhất trong một số ngoại ô. Họ tin rằng có một sự ưu thế của một vài nền văn hóa nào đó trong các trường học và như vậy sẽ làm giảm giá trị của nền giáo dục”.


 


Dân biểu đơn vị Reid của miền tây Sydney nói tiếp: “Vì vậy họ đem con cái họ ra khỏi các trường công và gởi chúng vào vào trường đạo hay các trường tư đắt tiền. Việc này sẽ khiến có sự tập trung nhiều hơn của các cộng đồng sắc tộc bị gạt ra bên lề trong một số trường công và tạo thêm hình ảnh xấu đối với các trường này”.


 


Cụm từ White Flight (người da trắng bỏ chạy)  được sáng chế tại Mỹ vào thập niên 1960 khi các trường học ở Mỹ không còn cấm các học sinh da màu được học chung với các học sinh da trắng, khiến những người Mỹ da trắng có tiền đem con cái từ các trường công có nhiều sắc tộc hỗn hợp sang theo học ở các trường tư.


 


Dân biểu Ferguson nói ý niệm về sự bỏ chạy khỏi trường công của người da trắng đã bắt đầu  trở thành một thử thách lớn lao đối với nước Úc, đặc biệt là ở các vùng miền tây Sydney và một số nơi ở Melbourne.


 


Một cuộc thăm dò kín đáo của Hội đồng các Hiệu trưởng Trung học ở Sydney  trong năm 2006 đưa ra sự lo ngại là việc bỏ chạy của học sinh da trắng sẽ làm hỏng nền giáo dục công lập và đe dọa sự  kết hợp của xã hội Úc. Bản nghiên  cứu cho thấy học sinh gốc Anh và Âu Châu đã giảm 1/3 trong các vùng tây tiểu bang New South Wales, 42% ở bắc Sydney và 37% ở New England.


 


Tại Melbourne cũng có hiện tượng “White Flight” nhưng phần lớn những học sinh da trắng rời bỏ trường công  là các học sinh thuộc tầng lớp trung lưu, muốn rời các trường học mà học cho rằng thuộc giới có lợi tức thấp, chứ không hẳn là vì trong đó có nhiều di dân da màu tập trung.


 


Dân biểu Ferguson nói phải có biện pháp gì đó để các trẻ con của những di dân như từ Phi Châu –những đứa bé phải sống trong các trại tị nạn và không được đi học— tránh sống tập trung trong một số ngoại ô hay quy tụ học trong một số trường.


 


Ông Ferguson cho rằng mặc dù không ai có thể bị cưỡng bách sống ở nơi nào mà họ không muốn, nhưng cũng nên  đa diện hóa hay tản mát hóa các khu chung cư,  nhà cho thuê của chính phủ dành cho các di dân theo diện nhân đạo và người tị nạn. Nói cách khác là tránh cho những người này khi đến định cư sống tập trung ở một  nơi nhất định nào đó.


 


Thật ra, ý kiến và quan tâm này của Dân biểu Ferguson chẳng mới mẻ  gì và rất khó thực hiện. Các đợt di dân hay tị nạn từ Ý, Hy Lạp, Nam Tư, Li Băng và sau này từ Việt Nam, Cam Bốt, Hoa Lục  cũng đã sống tập trung ở một số vùng nào đó. Bây giờ lại đến lượt những  đợt di dân và tị nạn từ các nước Phi Châu.


 


Bàn về trường hợp  lời  phát biểu của cựu Tổng trưởng Di trú Kevin Andrews trước  đây cho rằng các di dân người Sudan đã không thể hội nhập với xã mới hay gặp khó khăn khi hòa nhập, ông Ferguson cho rằng với lối nói nhưng vậy có nghĩa Chính phủ Howard sẽ ngưng việc nhận người tị nạn Phi Châu.


 


Ông Ferguson nói với tư cách là thư ký quốc hội về Đa văn Sự vụ, ông muốn tái xác nhận với  các cộng đồng người Phi Châu là chính phủ Lao động sẽ tiếp tục nhận người tị nạn từ Phi Châu.