7/5/2025: Mật nghị Hồng y, câu chuyện giữa quá khứ và tương lai

07 Tháng Năm, 2025 | Tin thế giới
Các hồng y tiến vào Nhà nguyện Sistina, Vatican để bắt đầu tiến trình chọn người kế vị ĐGH Benedict ngày 12/3/2013. Photo: Reuters

Sau khi Đức Phanxicô qua đời, kể từ ngày 07/05/2025, vào lúc 16 giờ 30 phút, 133 hồng y trên toàn thế giới sẽ bước vào nhà nguyện Sistina, bắt đầu vòng bỏ phiếu đầu tiên của Mật nghị Hồng y để chọn ra người kế nhiệm thứ 267 của thánh Phê-rô, cho Giáo hội Công giáo. Đây là mật nghị thứ 76 trong lịch sử Giáo hội và là lần thứ 26 diễn ra dưới tác phẩm Ngày Phán Xét Cuối Cùng của Michelangelo.

Khi Đức giáo hoàng qua đời

Đức giáo hoàng là người đứng đầu Giáo hội Công giáo và quốc gia Vatican. Tổ chức của Giáo hội không chỉ gói gọn tại Tòa Thánh Vatican mà trải rộng trên toàn thế giới nơi có các hồng y và giám mục cộng tác với Giáo hoàng trong việc điều hành Giáo hội tại địa phương. Vậy khi đức giáo hoàng qua đời, tức là Tòa Thánh không có người đứng đầu, gọi là thời kỳ Trống Tòa, thì chuyện gì sẽ xảy ra ?

Theo Tông huấn Praedicate evangelium (2022) của Đức Phanxicô, thì «khi Trống Tòa, tất cả những người đứng đầu các tổ chức và thành viên giáo triều đều phải dừng các chức vụ». Nhưng hồng y Chánh án Tòa Ân giải Tối cao chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến bí tích giải tội và hồng y phụ trách các vấn đề bác ái vẫn «tiếp tục thực hiện các công việc bác ái, theo cùng các tiêu chí đã được tuân thủ trong thời kỳ giáo hoàng và vẫn phục vụ Hội đồng Hồng y cho đến khi bầu ra giáo hoàng mới».

Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, các văn phòng và các bộ của Tòa Thánh vẫn tiếp tục làm việc để xử lý các vấn đề thường nhật. Như Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng như các bộ Giáo lý Đức tin, bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, bộ Giám mục, bộ Giáo sĩ, Tòa Ân giải Tông Tòa và Phủ Thống đốc Thành Vatican.

Nhưng trong thời kỳ vắng giáo hoàng, quyền lực dân sự của Tòa Thánh thuộc về Hồng y đoàn, cơ chế có trách nhiệm bàn luận và quyết định về lễ tang cũng như ngày giờ cho việc bầu chọn giáo hoàng mới, điều mà cả thế giới hiện đang hướng về Vatican để chờ đợi.

Mật nghị Hồng y

Lịch sử Giáo hội Công giáo có hơn 2000 năm, nhưng cho đến hiện tại chỉ có 76 mật nghị với 266 vị giáo hoàng, cũng như mới có 26 lần mật nghị diễn ra ở nhà nguyện Sistina. Trong hơn 1200 năm đầu của lịch sử Giáo hội, người kế nhiệm thánh Phê-rô, với tư cách là giám mục Roma, được chọn với sự tham gia của các cộng đoàn địa phương. Các giáo sĩ xem xét các ứng viên do các tín hữu đề xuất và giáo hoàng mới được các giám mục chọn ra.

Năm 1059, Đức Nicola II ra sắc lệnh In nomine Domini quy định cụ thể rằng chỉ có hồng y mới có quyền bầu giáo hoàng. Sắc lệnh đã được phê chuẩn một cách chắc chắn bởi tông hiến Licet de vitanda do Đức Alexandro III ban hành năm 1179. Theo đó, giáo hoàng phải được chọn với đa số hai phần ba số phiếu, một yếu tố quan trọng trong cuộc bầu cử giáo hoàng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Thuật ngữ mật nghị trong tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Latin «cum-clave», nghĩa là một không gian trong nhà, được «khóa chặt». Trong ngôn ngữ của Giáo hội, nó được dùng để chỉ địa điểm kín nơi Hồng y đoàn quy tụ để bầu giáo hoàng mới.

Thuật ngữ này bắt nguồn từ cuộc bầu chọn giáo hoàng sau cuộc mật nghị dài nhất trong lịch sử vào năm 1268. Phải mất đến hai năm chín tháng mới bầu được giáo hoàng. Vì quá lâu, nên người dân Viterbo vô cùng tức giận và quyết định nhốt 18 vị hồng y trong Dinh Tông tòa. Tất cả cửa ra vào và cửa sổ bị xây kín, mái nhà đã bị dỡ bỏ và lương thực bị cắt giảm.

Cuối cùng, Đức Gregorio X đã được bầu chọn. Và ngài ban hành tông hiến Ubi periculum năm 1274, chính thức thành lập Mật nghị và quy định rằng Mật nghị phải được tổ chức ở một nơi thực sự được «khóa» cả bên trong và bên ngoài.

Cuộc mật nghị chính thức đầu tiên diễn ra vào năm 1276 tại Arezzo để bầu ra Đức Innocente V. Kể từ đó, đã có thêm nhiều quy định về mật nghị. Đức giáo hoàng Gregorio XV (1621), đưa ra yêu cầu bỏ phiếu kín và bằng văn bản, và Đức Pio X buộc các hồng y phải giữ bí mật những gì xảy ra trong và sau mật nghị.

Những thay đổi sau Thế Chiến II

Đến thời hiện đại, nhất là từ sau Chiến tranh thế giới II, đã có nhiều cải tổ trong việc bầu giáo hoàng. Năm 1945, Đức Piô XII ban hành tông hiến Vacantis Apostolicae Sedis liên quan đến thời điểm “Sede Vacante” (Trống Tòa) như đã nói ở trên.

Trong điều đại của Đức Phaolô VI, quy định việc các hồng y chỉ có thể là cử tri cho đến trước 80 tuổi, đồng thời ấn định «số lượng hồng y cử tri tối đa không được vượt quá 120» đã được ban hành.

Văn bản luật hiện hành có hiệu lực đối với việc bầu giáo hoàng là tông hiến Universi Dominici Gregis, được Đức Gioan Phaolô II ban hành năm 1996 và được Đức Benedicto XVI sửa đổi vào năm 2013. Trong đó có quy định rằng Mật nghị Hồng y phải được tổ chức tại Nhà nguyện Sistina.

Đức Benedicto XVI ra cũng quy định rằng, sau 34 lần bỏ phiếu mà vẫn không bầu được giáo hoàng, thì hai hồng y nhận được nhiều phiếu bầu nhất sẽ vào chung kết, nhưng vẫn duy trì quy tắc đa số hai phần ba phiếu bầu, để bầu ra vị mục tử mới của Giáo hội.

Mật nghị tháng năm 2025

Lần mật nghị này sẽ có 135 hồng y cử tri của Hồng y đoàn đến từ 71 quốc gia trên khắp các châu lục. Nhưng 2 người trong số họ sẽ không bước vào nhà nguyện Sistina vì lý do sức khỏe hay pháp lý. Trong số 135 cử tri, có 39% số hồng y đến từ châu Âu, giảm đáng kể so với tỷ lệ 52% trong lần Mật nghị năm 2013. Các hồng y người Ý, tuy vẫn là nhóm đông nhất, 17 cử tri, ít hơn tới 11 người so với năm 2013.

Châu Phi, châu Á và châu Đại Dương cũng ghi nhận sự gia tăng trong Mật nghị lần này. Ngoài ra còn có các hồng y đến từ 15 quốc gia lần đầu tiên có đại diện tham dự Mật Nghị. Những con số này đã khẳng định sự quan tâm và chú ý mà Đức giáo hoàng Phanxicô dành cho Giáo hội, cũng như số lượng tín hữu Ki-tô giáo đông đảo nhất ở châu Á và châu Phi.

Làm sao chọn lựa giữa các ứng viên?

Tính đến ngày 07/12/2024, có 253 hồng y trong toàn Giáo hội Công giáo. Việt Nam có 2 hồng y. Theo nguyên tắc, tất cả 253 vị này sẽ về Roma sau khi Đức Phanxicô qua đời để tham gia Hội đồng Hồng y. Nhưng vì nhiều lý do, đa số vì sức khỏe, nên chỉ có hơn phân nửa số này quy tụ về Roma.

Hội đồng Hồng y, do hồng y niên trưởng chủ trì các buổi họp sau khi giáo hoàng qua đời để có những quyết định về tang lễ cũng như ngày giờ diễn ra Mật nghị bầu giáo hoàng mới. Hội đồng Hồng y nhóm họp mỗi ngày trước khi diễn ra Mật nghị để các hồng y bàn thảo về tương lai của Giáo hội. Đó cũng là thời gian để các hồng y làm quen với nhau và chờ đợi các hồng y cử tri đến Roma.

Trong các Hội đồng Hồng y, các hồng y tham dự nhất là các hồng y cử tri, tức là những vị dưới 80 tuổi, đều phải đăng ký phát biểu ý kiến của mình về những vấn đề của Giáo hội. Một cách nào đó, đây là cách tự giới thiệu ứng viên cho chức vụ kế vị thánh Phê-rô. Trong các hội nghị này, các ngôn ngữ Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Đức được dùng phát biểu và thông dịch, nhưng khi vào Mật nghị thì sẽ không còn thông dịch nữa.

Ngày 7 tháng Năm năm 2025

Mật nghị Hồng y bắt đầu vào ngày 7 tháng 5 lúc 10 giờ sáng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, sau Thánh lễ «pro eligendo Pontifice» cầu nguyện cho việc chọn lựa giáo hoàng. Sau đó, 133 hồng y cử tri sẽ được «khóa» ở Nhà Thánh Marta – Casa Santa Marta, nơi họ sẽ ở trong thời gian bỏ phiếu. Việc chia phòng cho họ do rút thăm ngẫu nhiên và họ sẽ được xe buýt chở đến nhà nguyện Sistina. Và dĩ nhiên, trong suốt thời gian này, điện thoại, máy tính và các phương tiện liên lạc đều bị thu giữ.

Ngoại trừ ngày 7 tháng 5, khi cuộc bỏ phiếu đầu tiên và duy nhất trong ngày diễn ra vào buổi chiều, những ngày tiếp theo của Mật nghị sẽ có 4 cuộc bỏ phiếu, 2 cho buổi sáng và 2 vào buổi chiều. Mỗi ngày sẽ có 2 lần khói bốc lên từ ống khói, một cuối buổi sáng và một vào cuối buổi chiều, trừ khi giáo hoàng được bầu trước và trong trường hợp đó, khói sẽ được bay lên sớm hơn. Khói đen là chưa có giáo hoàng và khói trắng là tin vui.

Bình thường, vị hồng y niên trưởng sẽ là người chủ trì các cuộc bỏ phiếu. Nhưng năm nay, vị này đã quá 80 tuổi nên ngài sẽ không được vào trong nhà nguyện Sistina, mà thay vào đó hồng y Pietro Parolin là người điều hành.

Tại mỗi chỗ của các hồng y cử tri trong nhà nguyện Sistina, sẽ có sách nguyện để các vị đọc kinh phụng vụ và danh sách của 133 vị hồng y cử tri. Vì sao số hồng y năm nay lại đông hơn mức quy định là 120 ? Điều này do Hội đồng Hồng y quyết định chứ không nhất quyết phải theo đúng quy định của Đức Phaolô VI. Mỗi lá phiếu bằng tiếng la tinh theo mẫu: Tên (hồng y) xin chọn…. làm giáo hoàng. (ký tên)

Khi giáo hoàng được chọn, tất cả các hồng y còn lại của cử tri đoàn sẽ đến trước vị tân giáo hoàng và quỳ xuống để hôn nhẫn của ngài như cử chỉ chúc mừng và tỏ lòng vâng phục. Sau đó vị chưởng nghi, tức người điều phối các buổi cử hành phụng vụ của giáo hoàng, sẽ hỏi tên hiệu của tân giáo hoàng.

Rồi ngài sẽ được dẫn qua Phòng Than Khóc – salla della Lamentazione để thay phẩm phục giáo hoàng trước khi ra chào toàn thể Dân Chúa tại ban công chính của Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô. Tại đây, vị hồng y đẳng phó tế sẽ thông báo bắt đầu bằng công thức “Habemus papam”. Lần này sẽ là hồng y Dominique Mamberti, một người Pháp, nếu như ngài không được bầu làm giáo hoàng.

Bất ngờ sẽ luôn xảy ra

Từ sau chiến tranh, chỉ có hai vị được bầu mà không gây bất ngờ lớn là đức Pio XII (1939) và Đức Benedicto XVI (2005). Còn lại thì luôn là sự bất ngờ. Chính Đức Benedicto XVI, người đã rất bất ngờ trước kết quả của mật nghị 2013 mặc dù ngài và người kế nhiệm ngài đều vào chung kết của mật nghị 2005. Vì thực sự, không hề có tiêu chí cụ thể để có thể tiên đoán về kết quả. Và ở Roma có câu thành ngữ la tinh cổ nói về Mật nghị “Chi entra ner conclave papa, ne risorte cardinale” nghĩa là “Ai bước vào Mật nghị như là giáo hoàng, thì trở ra vẫn sẽ là hồng y”. Tức là những ứng viên mà nhiều người đặt hy vọng nhất sẽ không trở thành giáo hoàng. Đối với các hồng y bước vào Mật nghị để làm việc của Chúa Thánh Thần !

(Nguồn: Duy An/RFI)