Tại phiên họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga hôm 25/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng nước này cần cập nhật học thuyết nguyên tử do tình hình chính trị và quân sự thế giới đang thay đổi liên tục”.
Putin nói: “Hành động hung hăng của một quốc gia phi nguyên tử, nếu có sự tham gia và hỗ trợ của một cường quốc nguyên tử, sẽ bị coi là đòn tấn công chung nhằm vào Nga”, Putin nói khi đề cập một trong những điều kiện cho phép Moscow đáp trả bằng vũ khí nguyên tử.
Putin làm như chỉ có Nga có bom nguyên tử! Đây không phải là lần đầu tiên Putin dọa Mỹ và Tây phương. Bài bình luận sau đây cho thấy nếu có chiến tranh nguyên tử, Putin và dân Nga sẽ bình yên vô sự.
Putin nói Mỹ đã từng sử dụng nguyên tử đối với Nhật thời Đệ nhị Thế chiến, nhưng lúc đó chỉ Hoa Kỳ là nước duy nhất có bom nguyên tử!
Bài học VNCH? Ukraine phải tự quyết định trước khi quá muộn
(TiVi Tuần-san) Nga vượt biên giới tấn công Ukraine đã hai năm rưỡi, một thời gian quá dài với chiến dịch đặc biệt của Tổng thống Vladimir Putin, vì tưởng rằng chỉ mất vài ngày, vài tuần là tối đa. Nhưng Ukraine đã can trường và kiên trì chiến đấu. Dù thua xa kẻ thù về quân số và vũ khí, nhưng với ý chí quật cường, lòng yêu nước, họ đã ngăn chận địch quân tiến sâu vào nội địa trong hơn một năm qua.Tổng cộng khoảng 20 phần trăm lãnh thổ bị mất trong đó có nhiều người gốc Nga sinh sống.
Gần đây đà tấn công của Nga thọc sâu vào các vùng phía đông như Donbass khiến Tổng thống Volodymyr Zelensky trong tháng qua đã làm quyết định táo bạo và bất ngờ. Không thông báo cho đồng minh, ông Zelensky cho quân vượt biên giới, tấn công vào tỉnh Kursk chiếm khoảng 1,000 cây số vuông, gây sợ hãi cho người dân Nga đồng thời làm bẽ mặt Tổng thống Putin. Mục tiêu ban đầu của Ukraine là giảm áp lực mặt trận phía đông và đồng thời dùng lãnh thổ đã chiếm để mặc cả trong những cuộc thương lượng sau này.
Quân đội Ukraine chỉ tiến sâu vào nội địa Nga khoảng vài chục cây số và dừng lại. Bởi quân số cũng như vũ khí không cho phép quân Ukraine tiến xa hơn nữa. Ukraine vừa đánh vừa xin viện trợ thêm cũng như yêu cầu Mỹ và Anh cho phép họ được sử dụng hỏa tiễn tầm xa Sorm Shadow, nhưng Mỹ và Anh vẫn duy trì điều kiện viện trợ là các hỏa tiễn của họ chỉ được dùng tại vùng đất bị Nga chiếm, không được bắn vào lãnh thổ Nga.
Ngay từ đầu cuộc chiến, ông Putin đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các nước Tây phương rằng Nga có thể sử dụng vũ khí nguyên tử nếu họ cấp cho Ukraine những vũ khí tấn công vào lãnh thổ Nga. Và dĩ nhiên Tây phương lo ngại và sợ một cuộc chiến mở rộng đến lãnh thổ của nước họ bao gồm vũ khí nguyên tử. Nhưng tất cả chỉ là lời hù dọa.
Ngày qua ngày, Tổng thống Zelensky cứ yêu cầu cho Ukraine được sử dụng hỏa tiễn tầm xa. Đầu tháng này,vài nước Âu châu cho rằng nên để Ukraine sử dụng hỏa tiễn tầm xa bắn vào những nơi nào mà hỏa tiễn hay máy bay không người lái xuất phát và tấn công lãnh thổ Ukraine. Kiev đã thử một vài lần nhưng bằng máy bay không người lái của chính họ chế tạo.
Bị tấn công bất ngờ, hoảng hốt, Nga rút và di tản dân lánh nạn. Tuần qua, sau một tháng tập hợp và củng cố, quân Nga bắt đầu phản công và tuyên bố đã chiếm được hơn mười địa điểm trong vùng Kursk. Tổng thống Zelensky xác nhận Nga đang phản công. Thế là lực lượng Ukraine vốn đã mỏng, đang bị phân tán ở hai chiến trường.
Đầu tuần qua, trong cuộc gặp mặt các ngoại trưởng Anh và Mỹ tại thủ đô Kiev, ngoại trưởng Ukraine yêu cầu Anh Mỹ cho phép sử dụng hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow nhưng hai ngoại trưởng chỉ tuyên bố mỗi nước sẽ viện trợ thêm cho Ukraine tổng cộng $1.5 tỉ đô la, còn việc hỏa tầm xa thì Tổng thống Zelensky sẽ nói chuyện với Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Joe Biden sau.
Nếu được chấp thuận thì tốt, bằng không lựa chọn tốt nhất và hữu hiệu nhất là Ukraine cứ sử dụng tất cả vũ khí mà Ukraine đang có gồm của Tây phương viện trợ để đánh một trận quyết định, đặt Tây phương trong tình thế đã rồi. Lý do?
Tuần trước chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cho rằng Ukraine là một nước nhỏ không thể thắng một nước lớn và quá mạnh như Nga. Cựu Tổng thống Donald Trump tuần qua trong cuộc tranh luận với bà Phó Tổng thống Kamala Harris cũng nói ông chỉ muốn Nga và Ukraine hòa bình, không muốn thế chiến thứ ba. Vậy chỉ còn trông vào Tổng thống Joe Biden hay bà tổng thống nếu Kamala Harris thắng cử. Nhưng cả hai người này cho đến nay chỉ giúp Ukraine cầm hơi, không dám hỗ trợ hết mình vì vẫn sợ… bóng gió!
Nhưng tại sao Biden không nghĩ Putin cũng sợ chết và dân Nga cũng sợ chết vì tên đạn đâu có chừa ai? Ukraine cuối cùng có thể sẽ bị bỏ rơi như Việt Nam Cộng Hòa. Nên thà đánh một trận, một mất một còn. Về việc Putin dọa Pháp và Anh, vào cuối tuần qua Giáo sư một viện nghiên cứu chiến lược Anh quốc Michael Clarke trả lời trên Times Radio rằng, Putin chỉ giỏi hù. GS Clark nói Anh có đội tàu ngầm nguyên tử đóng quanh năm ở Bắc Đại Tây Dương, chỉ cần thủ tướng Anh đang ở đâu đó ra lệnh, trong vòng 55 phút lực lượng nguyên tử của Anh sẽ san bằng nước Nga. Đó là một thực tế, một thực tế không vui cho Putin. Putin và người Nga đều biết Anh và NATO có vũ khí nguyên tử! Nhiều lắm lắm.
Nhưng ra vẻ Tổng thống Biden vẫn chần chừ, dù Thủ tướng Starmer thúc đẩy Mỹ cho Ukraine sử dụng Storm Shadow. Nếu trong vòng một hay hai tháng nữa mà Ukraine không tấn công, họ phải chấp nhận mất 20% lãnh thổ bị chiếm.
Bài học cho Ukraine là Việt Nam Cộng Hòa. Hoa Kỳ viện trợ cho Miền Nam nhưng chỉ huy cuộc chiến, ngăn cản VNCH “Bắc tiến” và cuối cùng cúp viện trợ. Và có ngày 30/04/1975.
(trích tuần san điện tử eTVTS.COM.AU số 2001 Thứ Tư ngày 18/09/2024)