DHAKA – Khoảng 55 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc đụng độ ở Bangladesh vào hôm 4/8, trong khi cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán hàng chục nghìn người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức.
Chính phủ ban bố lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên toàn quốc bắt đầu từ 6 giờ chiều hôm 4/8. Đây là lần đầu tiên Bangladesh thực hiện một bước đi như vậy trong các cuộc biểu tình hiện nay, vốn bắt đầu vào tháng trước. Chính phủ cũng công bố một kỳ nghỉ kéo dài ba ngày bắt đầu từ 5/8.
Tình trạng bất ổn,vốn khiến chính phủ phải cắt các dịch vụ internet, là thử thách lớn nhất đối với bà Hasina kể từ tháng 1 khi các cuộc biểu tình chết người nổ ra sau khi bà giành được nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp trong cuộc bầu cử bị đảng đối lập chính là Đảng Quốc gia Bangladesh tẩy chay.
Những người chỉ trích bà Hasina, cùng với các nhóm nhân quyền, đã cáo buộc chính phủ của bà sử dụng vũ lực quá mức đối với người biểu tình, một cáo buộc mà bà và các bộ trưởng của bà phủ nhận.
Người biểu tình đã chặn các đường cao tốc lớn hôm 4/8 khi sinh viên biểu tình phát động chương trình bất hợp tác nhằm gây áp lực đòi chính phủ từ chức, và bạo lực lan rộng trên toàn quốc.
“Những người biểu tình trên đường phố lúc này không phải là sinh viên, mà là những kẻ khủng bố nhằm gây bất ổn đất nước”, bà Hasina nói sau cuộc họp của ủy ban an ninh quốc gia với sự tham dự của các lãnh đạo quân đội, hải quân, không quân, cảnh sát và các lực lượng khác.
“Tôi kêu gọi đồng hương hãy trấn áp mạnh mẽ những kẻ khủng bố này”.
Các đồn cảnh sát và văn phòng đảng cầm quyền trở thành mục tiêu khi bạo lực làm rung chuyển đất nước với 170 triệu dân này.
Quan chức cảnh sát Bijoy Bosak cho biết 12 cảnh sát đã bị đánh chết ở quận phía tây bắc Sirajganj.
Hôm Thứ Ba 6/8 Thủ tướng Sheikh Hasina đã từ chức và bay ra khỏi nước, được cho là tới Ấn Độ.
Tổng thống giải tán Quốc Hội, mở đường cho cuộc bầu cử mới
Hôm nay, 06/08/2024, tổng thống Bangladesh đã giải tán Quốc Hội, mở đường cho cuộc bầu cử mới để thay thế thủ tướng Sheikh Hasina vừa từ chức và chạy trốn khỏi đất nước, sau nhiều tuần biểu tình phản đối, khiến đất nước lâm cảnh bạo loạn. Tổng thống Mohammed Shahabuddin cũng ra lệnh bãi bỏ lệnh quản thúc tại gia đối với lãnh đạo phe đối lập Khaleda Zia.
Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh, tướng Waker-Uz-Zaman, hôm nay, 06/08/2024, có cuộc gặp với các lãnh đạo phong trào biểu tình sinh viên nhằm chuẩn bị cho việc thành lập một chính phủ lâm thời theo như cam kết, sau khi thủ tướng Sheikh Hasina chạy sang Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo Reuters, Nahid Islam, một trong những lãnh đạo phong trào sinh viên phản đối chính sách hạn ngạch tuyển công chức, được cho là ưu ái đối với con em của cán bộ chính quyền, nêu rõ chính quyền lâm thời mới phải bao gồm cả giải Nobel Hòa Bình Muhammad Yunus, nay đã 84 tuổi, đồng thời khẳng định «không chấp nhận một chính phủ nào do quân đội hậu thuẫn hay điều hành.»
Từ Bangalore, thông tín viên Côme Bastin cho biết thêm tình hình tại chỗ:
«Đó không phải là một cuộc nổi dậy, mà là một cuộc cách mạng, và Sheikh Hasina cuối cùng đã thừa nhận điều đó. Vào lúc hàng trăm ngàn người đổ về thủ đô Dhaka, thủ tướng đã đầu hàng ngay trước khi phủ thủ tướng bị đám đông xâm chiếm.
Sau một đêm không có bạo động, theo các phương tiện truyền thông, Bangladesh thức dậy với một trang sử mới. Nhiều bức tượng ông Sheik Mujibur Rahman, thân phụ của Sheikh Hasina, đã bị lật đổ ở nhiều nơi. Liên Hiệp Quốc kêu gọi chuyển tiếp ôn hòa trong lúc có nhiều lo ngại thanh trừng lẫn nhau.
Một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập nếu như quân đội và sinh viên đạt đồng thuận. Muhammad Yunus, kinh tế gia từng đoạt giải Nobel Hòa Bình, rất được giới trẻ ủng hộ nắm quyền lãnh đạo.
Tổng thống Bangladesh, hiện vẫn tại vị, đã trả tự do cho cựu thủ tướng và nhà đối lập Khaleda Zia, biểu tượng cho sự trở lại của nền dân chủ như yêu cầu của người biểu tình.
Về phần mình, bà Sheikh Hasina, hiện đang ở Ấn Độ nhưng dự kiến sẽ không lưu lại đó. Vương Quốc Anh, quốc gia mà cô em gái bà đang sinh sống, cho biết sẽ không đón nhận bà chừng nào chưa có cuộc điều tra về vụ đàn áp khiến hơn 350 người thiệt mạng.»
(Tổng hợp từ VOA/ RFI)