Chính phủ đoàn kết Myanmar: ‘không đàm phán cho tới khi tù chính trị được trả tự do’

28 Tháng Tư, 2021 | Tin thế giới
Giới hoạt động mang biểu ngữ trong cuộc tuần hành ủng hộ phong trào chống đảo chính, đòi dân chủ ở Myanmar, gần trụ sở Ban Thư ký ASEAN, trước thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta, Indonesia, ngày 24/4/2021. Photo courtesy: REUTERS/Willy Kurniawan

Được thành lập để chống lại tập đoàn quân nhân đã chiếm quyền cai trị Myanmar cách đây gần 3 tháng, chính phủ đoàn kết thân dân chủ hôm 28/4 loại bỏ đàm phán về cuộc khủng hoảng cho tới khi tất cả các tù chính trị được phóng thích.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á- ASEAN, đã cố tìm một giải pháp để Myanmar thoát khỏi tình trạng náo loạn và đổ máu tiếp theo sau cuộc đảo chính ngày1 tháng 2; tổ chức khu vực này kêu gọi chấm dứt bạo lực và đề nghị tất cả các bên hãy ngồi xuống bàn đàm phán.

Nhưng tập đoàn quân nhân đã bác bỏ các đề xuất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi cuối tuần trước có sự hiện diện của Đại tướng Min Aung Hlaing, trong khi không có ai bên phía dân sự được mời tham dự.

Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (NUG), gồm các đại biểu quốc hội bị lật đổ trong cuộc đảo chính, nói khối ASEAN lẽ ra nên đối thoại với các đại diện chính đáng của nhân dân Myanmar.

Thủ tướng của NUG, Mahn Winn Khaing Thann, nói trong một tuyên bố:

“Trước khi bất kỳ một cuộc đối thoại xây dựng nào diễn ra, các tù nhân chính trị- kể cả Tổng thống U Win Myint và Cố vấn Quốc gia Aung San Suu Kyi, phải được trả tự do vô điều kiện.”

Hiện chưa có phản hồi nào từ bất cứ quan chức cấp cao nào của ASEAN.

Ông Win Myint, bà Suu Kyi và nhiều người khác đã bị bắt giữ sau vụ đảo chính do quân đội phát động giữa lúc chính quyền của bà Suu Kyi đang chuần bị nhiệm kỳ thứ hai sau thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020.

Hôm thứ Tư, những người phản đối xuống đường biểu tình để ủng hộ NUG tại Mandalay, thành phố lớn thứ nhì Myanmar, theo cơ sở truyền thông Myanmar Now. Không có vụ bạo động nào được báo cáo.

Lo ngại về tình trạng xáo trộn tại một nước thành viên, ASEAN mở hội nghị hôm thứ Bảy tại thủ đô Indonesia với lãnh đạo tập đoàn quân nhân Myanmar nhằm áp lực ông chấm dứt cuộc khủng hoảng.

Các lãnh đạo ASEAN nói họ đã đạt được “giải pháp đồng thuận 5 điểm” về những bước để chấm dứt bạo lực và tạo điều kiện cho đối thoại giữa các bên đối nghịch ở Myanmar.

Tập đoàn quân nhân nói họ sẽ “xem xét cẩn thận” các đề xuất của ASEAN, bao gồm việc bổ nhiệm một đặc sứ để tới thăm Myanmar, “một khi tình hình đã ổn định trở lại”, và với điều kiện là các đề nghị của ASEAN lót đường cho lộ trình của chính họ, và phục vụ các lợi ích quốc gia.

Giới hoạt động chỉ trích kế hoạch đó, nói rằng nó chỉ có tác dụng chính thức hóa tập đoàn quân nhân tiếm quyền và không đáp ứng được các đòi hỏi của họ.

Đặc biệt, ASEAN không đề nghị phóng thích bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, và các tù chính trị khác. Hội Hỗ trợ Tù nhân chính trị nói hơn 3.400 người đã bị bắt giữ vì họ chống đối cuộc đảo chính.