Chống độc lập, người Serbia đốt cổng biên giới Kosovo

20 Tháng Hai, 2008 | Tin thế giới

Một ngày sau, Hoa Kỳ là nước tây phương đầu tiên công nhận nước Kosovo. Các nước trong Liên Âu như  Pháp, Anh, Ý sau đó lần lượt công nhận tân quốc gia Kosovo. Đa số các quốc gia trong khối Liên Âu đều công nhận  Kosovo trừ các nước như Tây Ban Nha và Cyprus, vì họ cho rằng như thế là tạo tiền lệ cho các phong trào ly khai. Hai nước này đều đang bị các nhóm sắc tộc đòi tách rời khỏi nước họ.

 

Serbia đã cho triệu đại sứ của họ tại Hoa Thịnh Đốn về nước để phản đối. Úc Đại Lợi hai ngày sau cũng công nhận Kosovo vì thế Serbia cũng dự tính triệu hồi đại sứ ở Canberra để phản đối. Tại thành phố Melbourne, hàng trăm người gốc Serbia vào đêm hôm trước đã tới trước tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở đường St Kilda biểu tình trong khi nhưng người gốc Albania ở vùng Sunshine tụ họp ăn mừng ngày độc lập của Kosovo.

 

Có điều đáng ghi nhận là chỉ 7 tiếng đồng hồ sau khi tỉnh Kosovo tuyên bố độc lập, Đài Loan đã nhanh chóng thừa nhận sự độc lập của nước này, như thể là để chọc giận Trung Cộng vì Bắc Kinh luôn đe dọa sẽ tấn công nếu  Đài Loan tuyên bố độc lập.

 

Vị trí của Kosovo trong Liên bang Serbia

Sau khi Hoa Kỳ nhìn nhận Kosovo, người Serbia đã tới biểu tình tại tòa đại sứ Mỹ ở Belgrade. Phần lớn người dân, kể cả tổng thống và thủ tướng Serbia đều chống lại việc Kosovo tách ra khỏi nước họ.

 

Nga phản ứng bằng cách kêu gọi một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để giải quyết vấn đề ly khai của Kosovo nhưng các nước không đồng ý với nhau về bất cứ biện pháp nào. Nga là một trong 5 quốc gia có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

 

Dân Kosovo có khoảng 2 triệu người trong đó người gốc Albania chiếm hơn 90%. Người Serbia là dân thiểu số. Hôm qua, khoảng 1000 người Kosovo gốc Serbia đã kéo tới cửa khẩu Banja đường chính nối Mitrovica và Montenegro tấn công và đốt cháy đồn biên giới hiện đang do Liên hiệp quốc và cảnh sát Kosovo kiểm soát.

 

Căng thẳng chủng tộc ở Kosovo xảy ra thường xuyên và việc nhà cầm quyền Serbia áp đặt một chính sách diệt chủng tại tỉnh Kosovo đã khiến lực lượng NATO can thiệp vào năm 1999.  Việc Kosovo ly khai ra khỏi Serbia lại tạo thêm một vết thương mới cho người Serbia, kể từ ngày Liên bang Nam Tư của Thống chế Tito bị tan rã.