< ?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
![]() |
Cuộc đàm phán về tình hình Ukraine tại Minsk tháng 9.2014. Photo Courtesy: AFP |
Vào hôm 6.1, Ngoại trưởng Phần Lan Erkki Tuomioja đã bình luận về việc Mỹ và các nước Tây phương liên tiếp áp đặt thêm lệnh trừng phạt lên Mạc Tư Khoa. Trong đó ông Tuomioja nhận định rằng việc trừng phạt Nga không chỉ với mục đích “dằn mặt” Nga, nhưng còn nhằm dọn đường cho sự dàn xếp chính trị trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó vào hôm 5.1, Tổng thống Pháp Francois Hollande thì lên tiếng kêu gọi lập tức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp đặt lên Nga. Lời kêu gọi được đưa ra trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia France Inter, theo đó Tổng thống Hollande cho rằng việc nước Nga khủng hoảng chưa hẳn là tin tốt đối với châu Âu. Ông nhận định: “Tôi không tán thành các chính sách làm tình hình xấu đi để đạt mục đích. Tôi nghĩ rằng các lệnh trừng phạt phải được chấm dứt ngay”.
Cũng theo ông Hollande, quan điểm của Mạc Tư Khoa đang bị hiểu lầm và ông Hollande cho rằng “ông Putin không hề muốn thôn tính miền đông Ukraine, tôi chắc chắn điều đó, chính ông ấy nói với tôi như vậy”.
Cùng lúc đó Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cho rằng các lệnh trừng phạt lúc đầu được đưa ra chỉ nhằm giải quyết tình hình Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ và một số “thế lực” tại châu Âu lại muốn sử dụng lệnh trừng phạt để tàn phá nước Nga, theo BBC. Song đến nay, Đức vẫn là nước ủng hộ việc duy trì các lệnh trừng phạt này.
Như vậy tính đến hiện tại, nội bộ Liên minh châu Âu mới chỉ có Pháp là quốc gia phản ứng mạnh mẽ trước các lệnh trừng phạt mà EU đang áp đặt lên Nga, đối nghịch với quan điểm của nước Đức.
Các nước khác trong EU được cho là miễn cưỡng thực hiện lệnh trừng phạt Nga như Hungary, Bulgaria và Slovakia trước đó cũng thể hiện mong muốn lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ để mối quan hệ giữa các nước bình thường trở lại.
Hiện tại Châu Âu, Mỹ và Gia Nã Đại áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên Nga sau khi Mạc Tư Khoa sáp nhập bán đảo Crimea hồi đầu năm ngoái. Còn mối quan hệ giữa Nga và Pháp trở nên căng thẳng từ khi Paris hoãn giao 2 tàu chiến chở trực thăng lớp Mistral mà nước này đã ký với Mạc Tư Khoa trước đó. Phía Nga cho biết Pháp sẽ phải đối mặt với mức phạt hàng tỉ Mỹ kim nếu không giao tàu đúng thời hạn như trong hợp đồng.
Sắp tới cuộc hội đàm về tiến trình hòa bình Ukraine sẽ diễn ra vào ngày 15.1 gồm nguyên thủ các nước Ukraine, Nga, Đức và Pháp tại thủ đô Astana (Kazakhstan). Tổng thống Pháp bày tỏ mong muốn các nước tìm được tiếng nói chung trong cuộc đàm phán lần này.
Tổng hợp