Gần 3 triệu người muốn thêm cơ hội bỏ phiếu để được ở lại EU

26 Tháng 6, 2016 | Tin thế giới

Ngoại trưởng 6 nước thành lập EU họp mặt hôm 25.6 ở Đức
để chuẩn bị cho việc Anh rời EU. Photo Courtesy: Reuters

 

Gần 3 triệu người Anh đã ký vào một bản kiến nghị kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần hai, chỉ vài ngày sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23.6.

Gần ba triệu người đã ký vào thư kiến nghị trên trang web của quốc hội Anh, yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc Anh đi hay ở EU. Đây là thư kiến nghị thu hút nhiều sự ủng hộ nhất trên trang web này từ trước đến nay.

Người viết bản kiến nghị, William Oliver Healey, cho rằng chính phủ cần tổ chức lại trưng cầu dân ý vì tỷ lệ bỏ phiếu chiến thắng chưa vượt quá 60% và tỷ lệ người đi bầu dưới 75%. Nhiều người Anh cũng bày tỏ sự hối tiếc khi chọn rời khỏi EU vì sẽ mất những đặc quyền và lợi ích mà liên minh cung cấp.

Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng khó xảy ra khả năng Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai nhằm đảo ngược kết quả trước đó.

Theo ủy ban bầu cử của Anh, số phiếu rời EU là 17.4 triệu, chiếm 51.9% và số phiếu ở lại là 16.1 triệu, chiếm 48.1%, lượng cử tri đi bầu là 72.2%. Thế nhưng, chỉ sau 24h, hàng triệu người đã đồng ý ký vào bản kiến nghị Chính phủ tổ chức trưng cầu lại.

Con số này đã vượt qua rất nhiều so với mốc 100,000 người đồng ý với một kiến nghị thì sẽ được đem ra xem xét tại Quốc hội.

Hiện Ủy ban kiến nghị thuộc Nghị viện Anh, nơi đang xem xét liệu có trình đề xuất này lên Hạ viện hay không, dự kiến sẽ họp và thảo luận về vấn đề này vào ngày 28.6.

Cùng lúc đó, sáu nước thành viên sáng lập Liên minh châu Âu muốn Anh nhanh chóng bắt đầu quá trình ra khỏi nhóm sau khi cử tri Anh chọn Brexit. Các ngoại trưởng của Đức, Pháp, Ý và ba quốc gia khác đưa ra tuyên bố này tại cuộc họp được tổ chức gấp ở Berlin ngày 25.6.

 

Thị trưởng London Boris Johnson có triển vọng thay thế Thủ tướng Cameron
mới vừa từ chức sau khi người Anh chọn rời EU. Photo Courtesy: Reuters

 

Cũng trong một diễn biến có liên quan khác cùng ngày hôm qua 25.6, nhiều người đã tổ chức biểu tình trước nhà của cựu Thị trưởng London Boris Johnson, một trong những thủ lĩnh của phe Brexit. Khi xe của ông Johnson rời nhà, đám đông đã chặn đầu xe la ó, khiến cảnh sát phải can thiệp.

Chính trị gia này được cho là nhiều triển vọng trở thành thủ tướng mới của Anh, thay thế Thủ tướng David Cameron vừa tuyên bố từ chức. Nhiều cuộc biểu tình phản đối rời EU khác cũng đã nổ ra ở thủ đô.

Trong khi đó, nguy cơ ly khai lại rất gần hiện thực tại Scotland, nơi 62% cử tri chọn ở lại EU. Hôm qua, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố nhiều khả năng sẽ tổ chức trưng cầu về độc lập khỏi Anh. “

Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014 về việc có tách khỏi Anh hay không, đa số dân Scotland chọn ở lại vì muốn được tiếp tục sống trong khối EU. Nay Anh đã quyết định dứt áo khỏi EU thì họ cũng không còn lý do gì để níu kéo.

Hơn nữa, một số chính trị gia EU đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Scotland rời Anh. “Châu Âu luôn mở cửa đón tiếp thành viên mới. Điều này là đương nhiên”, Reuters dẫn lời ông Manfred Weber, Chủ tịch đảng Nhân dân châu Âu – nhóm chính trị lớn nhất trong Nghị viện châu Âu – tuyên bố.

Tổng hợp