Hàng nghìn người biểu tình phản đối đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

23 Tháng 7, 2016 | Tin thế giới

Người biểu tình ủng hộ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tuần
hành trên cầu Bosphorus. Photo Courtesy: Reuters

 

Ngày 21.7, hàng nghìn người biểu tình ủng hộ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tuần hành trên cầu Bosphorus tại Istanbul, phản đối cuộc đảo chính quân sự bất thành hòng lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cuối tuần trước.

Gần một tuần sau khi cuộc đảo chính bị đập tan, Tổng thống Erdogan vẫn luôn kêu gọi người ủng hộ biểu tình liên tục nhằm lên án cuộc đảo chính đồng thời ngăn chặn nguy cơ tái diễn một cuộc đảo chính khác.

Người biểu tình mang theo đuốc và nhiều biểu ngữ phản đối giáo sỹ Fethullah Gulen – người bị chính phủ cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính vừa qua. Mọi hoạt động giao thông qua cầu đều phải tạm ngừng trong thời gian diễn ra biểu tình.

Cầu Bosphorus nối 2 miền Âu- Á tại Istanbul cũng chính là một trong các mặt trận chính của lực lượng đảo chính trong suốt cuộc chính biến.

Cũng trong một diễn biến có liên quan khác, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạm thời dừng thực hiện các cam kết của nước này trong Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR) trong thời gian hậu đảo chính.

Theo Hurriyet, trong một tuyên bố của Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ -ông Numan Kurtulmu, cho hay: “Nước Pháp gần đây cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Và họ cũng đã tạm ngừng thực thi ECHR, căn cứ theo điều 15 của công ước này”.

Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nhận định: “Sự ban bố tình trạng khẩn cấp không phải là chống lại ECHR”. Ông Kurtulmu cũng cho biết thêm Ankara sẽ công bố quyết định việc tạm ngừng thực thi ECHR trong một thông cáo chính thức.

Ông Kurtulmu cho rằng việc áp dụng tình trạng khẩn cấp sẽ giúp chính phủ thuận lợi trong việc diệt trừ những kẻ âm mưu đảo chính và triệt bỏ hoàn toàn các phần tử của phong trào Gulen.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Al Jazeera, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằngphía Mỹ sẽ mắc sai lầm lớn nếu không chịu giao nộp cho Thổ Nhĩ Kỳ nghi phạm chủ mưu vụđảo chính ngày 15.7 vừa qua.

Ông Erdogan cáo buộc giáo sỹ Fethullah Gulen, người hiện sống tại Mỹ, đã chủ trì vụ đảo chính đó và yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Gulen về nước để ông này phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, cũng trong cuộc phỏng vấn đó, ông Erdogan nhấn mạnh việc ông không muốn gây căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thông qua 3 tháng tình trạng khẩn cấp theo đề xuất của ông Erdogan.

Tổng hợp