Khi trùm cảnh sát làm Đặc Khu Trưởng: Hồng y Trần Nhật Quân, cựu TGM Hồng Kông bị bắt

13 Tháng Năm, 2022 | Tin thế giới
Hồng y Trần Nhật Quân, nguyên Tổng giám mục Hồng Kông. Photo: Reuters/Tyrone Siu

Hai ngày sau khi ứng viên duy nhất gốc trùm cảnh sát và an ninh của Hồng Kông là John Lee (Lý Gia Siêu) được “bầu” làm Đặc Khu Trưởng với 99% số phiếu ủng hộ, Hồng y Trần Nhật Quân (Joseph Zen), 90 tuổi, cựu tổng giám mục Hồng  Kông đã bị bắt.

Khác với 4 đời Trưởng đặc khu trước đây đều có xuất thân là doanh nhân hoặc quan chức trong chính quyền, ông John Lee đã làm việc trong ngành cảnh sát Hong Kong suốt 35 năm.

Cùng bị bắt với Hồng y Trần Nhật Quân hôm 11/5/2022 còn có thêm ba nhà đấu tranh vì dân chủ Hồng Kông khác, là ca sĩ Hà Vận Thi (Denise Ho), học giả Hứa Bảo Cường (Hui Po Keung), và luật sư Ngô Ái Nghi (Margaret Ng).

Hồng y Quân là một người chỉ trích gay gắt chính quyền Trung Quốc nhất là trong vụ thỏa thuận giữa Vatican và Bắc Kinh vào năm 2018 về viêc đề cử giám mục, mà theo Đức Hồng y đây là một vụ bán đứng các tín đồ Thiên chúa giáo thầm lặng luôn trung thành với Tòa thánh Vatican.

Người phát ngôn của Toà thánh Vatican, Matteo Bruni, cho biết Tòa Thánh “đã biết tin tức về vụ bắt giữ Đức Hồng y Quân với sự quan tâm và đang theo dõi diễn biến của tình hình với sự chú ý cao độ”. Đến tháng 10 tới đây tòa thánh sẽ cứu xét việc có triển hạn hay không thỏa thuận được thông qua lần đầu với Bắc Kinh vào năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục.

Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều nước phương Tây đã bày tỏ « quan ngại sâu sắc » và đòi Bắc Kinh phải chấm dứt các hành động bóp nghẹt các quyền tự do tại Hồng Kông.

Ca sĩ kiêm diễn viên Ho cũng rất tích cực trong việc ủng hộ các quyền dân sự và chính trị của người dân Hồng Kông. Người quản lý Jelly Cheng, xác nhận việc Ho bị bắt nhưng nói rằng cô không có thông tin nào khác.

Học giả Hui đã bị bắt tại sân bay quốc tế của Hồng Kông khi ông ta tìm cách rời khỏi thành phố.
Giám đốc điều hành của nhóm Hồng Kông Watch, Benedict Rogers, cho biết: “Các vụ bắt giữ ngày hôm nay không còn nghi ngờ gì nữa rằng Bắc Kinh có ý định tăng cường đàn áp các quyền và tự do cơ bản ở Hồng Kông”.

Rogers nói: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng về cuộc đàn áp tàn bạo này và kêu gọi thả ngay lập tức những nhà hoạt động này.”

Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy của RFI cho biết thêm thông tin:

Trước lúc nửa đêm hôm Thứ Tư, cảnh sát cho biết, bốn nghi can là những quản trị viên của một quỹ mang tên 6.12. Quỹ tài chính này được lập ra nhằm hỗ trợ cả về mặt pháp lý lẫn y tế cho các nhà đấu tranh đã bị bắt trong đợt biểu tình hồi mùa hè 2019. Tên gọi của qũy, 6.12, có nghĩa là 12 tháng Sáu năm 2019 ngày xẩy ra vụ bạo lực đầu tiên.  Bốn người bị bắt ngay sau đó đã được thả nhờ nộp tiền thế chân nhưng bị tịch thu hộ chiếu”.

Tổng hợp