Lễ tuyên thệ nhậm chức là biểu tượng của nền Dân chủ Mỹ

21 Tháng Một, 2021 | Tin thế giới
Tổng thống Joe Biden, và Đệ nhất Phu nhân Jill Biden và thân nhân trong gia đình đi bộ đến Tòa Bạch Ốc ngày 20/1/2021. Photo courtesy: Reuters

Cứ mỗi 4 năm, người Mỹ nghỉ Ngày Tuyên thệ nhậm chức để chứng kiến một nét đặc trưng của nền dân chủ Mỹ-chuyển giao quyền hành một cách ôn hòa. Vào ngày 20/1 mọi con mắt đều đổ dồn vào cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người tuyên thệ để trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Ngày Tuyên thệ nhậm chức xác nhận biểu tượng lâu dài về việc tự cai trị của nước Mỹ. Nhà lãnh đạo mới tuyên thệ nhậm chức sau khi nhận được quyền cai trị với sự đồng ý của người bị trị.

Vạch ra đường hướng

Những tổng thống mới bắt đầu nhiệm kỳ với một bài diễn văn đặt ra đường hướng cho 4 năm tới.

“Đây là một cơ hội thực sự cho việc tái lập những hoạt động của người Mỹ,” bà Colleen Shogan, phó chủ tịch của Hiệp hội Lịch sử Tòa Bạch Ốc nói. “Đây là lần đầu tiên tổng thống tự giới thiệu mình là tổng thống của nước Mỹ, và ông sẽ không bao giờ có lại cơ hội này để làm như vậy. Do đó, đây là một thời điểm rất quan trọng trong lịch sử nước Mỹ.”

Một số câu chữ trong lễ tuyên thệ gây ra những đáp ứng mạnh mẽ đủ để trở thành một phần của từ vựng Mỹ.

Như vào năm 1933 Tổng thống Franklin D. Roosevelt nói “Việc duy nhất chúng ta phải sợ là sợ chính mình.” Và vào năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy nói với người Mỹ “đừng hỏi đất nước của bạn có thể làm gì cho bạn-nhưng nên hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước của bạn.”

“Bài diễn văn bao gồm những ý tưởng, ý thức hệ, và cách thức và giọng điệu của tân tổng thống,” giáo sư lịch sử chính trị Matt Dallek, Trường đại học George Washington nói.

Một số bài diễn văn nhậm chức có ảnh hưởng lâu dài lên khung cảnh chính trị. Bốn mươi năm sau khi Tổng thống Ronald Reagan tuyên bố rằng “chính phủ không phải là giải pháp cho vấn đề của chúng ta, mà chính phủ là vấn đề,” người Cộng hòa tiếp tục trân quí lời lẽ chống chính phủ này.

Thời điểm tiên nghiệm

Dù là lời kêu gọi hạn chế quyền hạn liên bang của ông Reagan, hay là lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Barack Obama, Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên, có những thời điểm mà lễ nhậm chức biểu hiện thời điểm của họ.

“Họ sống trong trí nhớ của mọi người vì họ nói về những điều căn bản hơn về đất nước và về thời kỳ trong đó mọi chuyện trôi qua,” ông Dallek nói.

Lễ nhậm chức 2021 sẽ nằm trong số lễ nhậm chức đặt ra tiền lệ, vì Thượng nghị sĩ California, Kamala Harris, trở thành phụ nữ đầu tiên, và người da màu đầu tiên, tuyện thệ nhậm chức Phó Tổng thống.

Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington, đọc bài diễn văn nhậm chức ngắn nhất. Bài diễn văn năm 1793 gồm 135 từ. Bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống William Heny Harrison năm 1841 dài nhất với 8.455 từ. Và cũng trở thành một thảm kịch.

Ông Harrison là người lớn tuổi nhất được bầu làm tổng thống lúc bấy giờ. Để chứng tỏ ông mạnh mẽ và thích hợp với công việc, tân tổng thống 68 tuổi đọc bài diễn văn tràng giang đại hải, mất hơn một giờ trong nhiệt độ giá lạnh. Ông bị bệnh và chết một tháng sau đó.

Ông là tổng thống phục vụ ngắn nhất trong lịch sử.

Biểu tượng cầu kỳ

Biểu tượng có thể là một phần lớn trong Ngày Tuyên thệ nhậm chức.

Vào năm 1809 trong khi nước cộng hòa non trẻ vẫn còn đang phát triển tính chất quốc gia, ông James Madison muốn đảm bảo là toàn bộ trang phục nhậm chức của ông, cho đến vớ bằng lụa, phải được làm tại Mỹ. Tổng thống Dwight D. Eisenhower trong cuộc diễn hành nhậm chức vào năm 1953 và 1957, chứng tỏ sức mạnh quân sự của Mỹ bằng cách trình diễn xe tăng, binh sĩ và phi đạn.

“Vào năm 1865, nhân lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của ông, Tổng thống Abraham Lincoln, mời tất cả người Mỹ tham dự diễn hành lần đầu tiên,” bà Shogan nói. “Vào năm 1917, trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ hai của tổng thống Woodrow Wilson, phụ nữ lần đầu tiên tham gia diễn hành.”

Lễ nhậm chức từ một việc đơn giản đã trở nên hào nhoáng.

Vào năm 1801 ông Thomas Jefferson đi bộ đến nơi tuyên thệ tại Điện Capitol, đọc bài diễn văn và đi bộ đến nhà thuê. Ngày nay, toán an ninh nghiêm nhặt hộ tống xe limousing của Tổng thống đến nơi tuyên thệ, được hàng triệu người theo dõi hoặc đích thân hoặc qua màn ảnh truyền hình.

Lễ tuyên thệ được tiếp theo bằng một cuộc diễn hành với sự tham dự của 50 tiểu bang và có thể kéo dài nhiều giờ. Một vài cuộc dạ vũ kết thúc ngày lễ.

Việc khai sinh máy truyền hình đóng một vai trò làm cho việc xem ngày lễ nhậm chức quan trọng hơn, nhưng cũng làm tăng thêm gánh nặng của công việc.

“Chức vụ Tổng thống đã trở nên, qua nhiều thế kỷ-và đặc biệt là kể từ Thế chiến thứ Nhất và Thế chiến thứ Hai- là một việc lớn hơn,” ông Dallek nói. “Và những kỳ vọng đã trở nên, như một sử gia nói, thực sự là một chức vụ tổng thống khó có thể xảy ra… Khi nhiệm vụ và trách nhiệm của tổng thống gia tăng, tôi nghĩ chúng ta đã chứng kiến lễ nhậm chức có một bầu không khí lớn hơn cuộc sống với các đảng và những cuộc diễn hành.”

Trong khi đại dịch vẫn cản trở nhiều sinh hoạt bình thường trong lễ nhậm chức năm nay, nhưng COVID-19 không ngăn nước Mỹ chào mừng sự kiên cường của nền dân chủ Mỹ.

(Nguồn Dora Mekouar – VOA)