Nga lập liên minh chống IS, phương tây đồng ý Tổng thống Syria ở lại

27 Tháng 9, 2015 | Tin thế giới

< ?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> 

 

Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Photo Courtesy: AP

 

Mạc Tư Khoa đã quyết định sát cánh cùng 3 nước Iran, Iraq và Syria, thành lập trung tâm thông tin để theo dõi và chia sẻ thông tin tình báo phục vụ mục tiêu chống khủng bố.

 

Trung tâm theo dõi này sẽ được đặt tại Baghdad, Iraq và sẽ do từng nước trong liên minh thay phiên nhau điều hành ba tháng một lần. Iraq sẽ điều hành trung tâm này trong phiên đầu tiên.

 

Nhiệm vụ của trung tâm tình báo này là thu thập, tổng hợp thông tin và đưa ra nhận định căn cứ trên tình hình chiến sự chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, quyết định tác chiến cuối cùng vẫn do lực lượng quân sự từng nước tự quyết định.

 

Cùng lúc đó Tổng thống Nga Putin cũng kêu gọi các nước tham gia vào cuộc chiến chống IS do Mạc Tư Khoa lãnh đạo. Không những thế ông Putin cũng nhấn mạnh trong vai trò chống IS, lực lượng của Tổng thống Syria Assad là “quân đội hợp pháp” duy nhất tại Syria.

 

Cũng trong một diễn biến có liên quan khác, khi mới đây các nước phương Tây dường như đã chấp thuận cho ông Assad tiếp tục tại vị.

 

Cụ thể là vào hôm 27.9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng ông nhận thấy các nước lớn đều đã chấp nhận để lãnh đạo Syria Bashar al-Assad tiếp tục tại vị.

 

Ông Rouhani, hiện đang tham gia cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước, nhấn mạnh rằng: “Ở Syria, khi mục tiêu đầu tiên của chúng ta là đánh bại khủng bố thì chúng ta không có giải pháp nào hơn là củng cố chính quyền trung ương của nước này”.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định sự ủng hộ đối với Tổng thống Syria Assad, đồng thời bác bỏ những thông tin cho rằng trong cuộc hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ cấp cao sắp tới, vấn đề số phận của ông Assad sẽ gây rắc rối nhất.

 

Còn theo Sky News đưa tin Thủ tướng Anh David Cameron không loại trừ khả năng Bashar al-Assad sẽ thuộc chính phủ chuyển tiếp nhưng “ông ấy biết rõ al-Assad không thể là một phần trong tương lai lâu dài của Syria”.

 

Cùng lúc đó Đức và Mỹ cũng đã nhắc đến khả năng để ông al-Assad lãnh đạo Syria trong thỏa thuận nhằm chấm dứt nội chiến, hỗ trợ tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) ở nước này.

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết al-Assad phải từ chức nhưng việc này không cần thực hiện ngay lập tức. “Nó không buộc phải thực hiện trong một ngày hoặc một tháng. Toàn bộ các bên sẽ tham gia một quá trình và đạt được thỏa thuận về cách tiếp cận tốt nhất”.

 

Ngay sau khi các nước phương Tây hạ nhiệt về tương lai của ông Assad, các nước ủng hộ Syria như Iran, Nga đã tuyên bố “thắng lợi”. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng các cuộc thảo luận về chuyển tiếp chính trị ở Syria chỉ nên bắt đầu sau khi nguy cơ từ “chủ nghĩa khủng bố” được loại bỏ.

 

Tổng hợp