Tổng thống Mỹ Donald Trump dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên cho ba nước đồng minh Vùng Vịnh, dự kiến ký hàng loạt hợp đồng lớn trong các lĩnh vực quốc phòng, hàng không, năng lượng, trí tuệ nhân tạo và bàn về nhiều hồ sơ ngoại giao quan trọng trong vùng. Chuyên cơ của tổng thống Mỹ được đội bay F-15 hộ tống đã hạ cánh xuống Riyadh sáng 13/05/2025. Sau Ả Rập Xê Út, ông sẽ đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Qatar.
Tháp tùng tổng thống Mỹ có rất nhiều bộ trưởng và các lãnh đạo doanh nghiệp lớn, trong đó có tỉ phú Elon Musk, tổng giám đốc Blackrock, Blackstone… Cách đây 8 năm, Ả Rập Xê Út cũng là nước mở đầu cho các chuyến công du nước ngoài của tổng thống Trump. Theo AFP, quyết định này cho thấy rõ chủ trương của ông Trump ưu tiên cho kinh tế và đề cao vai trò địa-chiến lược của ba nước Vùng Vịnh.
Ả Rập Xê Út là một đối tác lớn của Mỹ. Tháng 01/2025, hoàng thái tử Mohammed bin Salman hứa đầu tư 600 tỉ đô la đầu tư vào Mỹ. Tổng thống Donald Trump đề xuất «làm tròn số thành 1.000 tỉ» và khẳng định «khi Ả Rập Xê Út và Mỹ hợp lực thì những điều tốt đẹp nảy sinh». Riyadh muốn duy trì mối quan hệ quốc phòng với đồng minh lớn nhất thông qua các hợp đồng mua chiến đấu cơ F-35 và hệ thống phòng không. Trả lời AFP, một quan chức Ả Rập Xê Út cho biết «muốn tất cả các hợp đồng được chuyển giao trong nhiệm kỳ của Trump».
Đối với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, trước chuyến công du của tổng thống Trump, Washington cho biết đã thông qua hợp đồng bán 6 máy bay trực thăng quân sự Chinook và nhiều thiết bị quân sự trị giá 1,4 tỉ đô la. Trong thông cáo ngày 12/05, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ (DSCA) nhấn mạnh thương vụ này «sẽ góp phần củng cố an ninh cho một đối tác quan trọng trong vùng của Mỹ».
Về phía Qatar, hoàng tộc thông báo tặng tổng thống Trump một máy bay Boeing 747-8 trị giá 400 triệu đô la để thay cho chiếc Air Force One hiện nay và ông Trump có thể sử dụng riêng sau khi hết nhiệm kỳ. Ngày 12/05, tổng thống Mỹ bày tỏ «biết ơn» về «cử chỉ đẹp» của Qatar và khẳng định ông «không phải là kiểu người từ chối một đề nghị như vậy». Tuy nhiên, món quà trị giá lớn này đang gây tranh cãi tại Mỹ vì bị xem là «xung đột lợi ích».
Ngoài các hợp đồng kinh tế, tổng thống Mỹ cũng đề cập đền nhiều hồ sơ quan trọng trong vùng, như vấn đề hạt nhân Iran, đàm phán ngừng bắn với lực lượng Houthi ở Yemen, chiến tranh ở Gaza và bất ổn ở Syria.
(Nguồn: RFI)