Ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Photo Courtesy: Getty
Bắc Kinh đã thể hiện sự bực tức sau khi ngoại trưởng các nước G7 phát tuyên bố về các tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.
Vào hôm 12.4, Trung Quốc đã bày tỏ sự giận dữ đối với tuyên bố chung của các ngoại trưởng nhóm G7 phản đối việc gây hấn, khiêu khích ở Biển Đông và biển Hoa Đông, vốn ám chỉ các hành động của Bắc Kinh.
Theo Reuters, trong một thông báo của Bộ ngoại giao Trung Quốc đưa ra cùng ngày nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu các nước thành viên G7 tôn trọng cam kết của mình (về việc) không đứng về phe nào trong tranh chấp lãnh hải”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho rằng G7, nên tập trung vào việc hợp tác và điều hành kinh tế toàn cầu, chống sự suy giảm, tăng trưởng chậm hơn là “thổi phồng và kích động”.
Không những thế phát ngôn nhân của Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng còn nhắn rằng khối các nước công nghiệp phát triển, G7, cần tập trung vào quản trị và hợp tác kinh tế toàn cầu thay vì “thổi phồng tranh chấp”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại lập trường phi lý rằng nước này có quyền chủ quyền xây dựng các thực thể tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, Hoa Đông không gặp vấn đề gì. Phía Trung Quốc tái khẳng định Bắc Kinh sẽ không chấp nhận hay tham gia vào bất cứ phiên tòa trọng tài nào chống lại nước này.
Phản ứng gay gắt của Trung Quốc diễn ra chỉ một ngày sau phiên họp ngoại trưởng các nước thành viên G7 ở thành phố Hiroshima (Nhật Bản) đã ra tuyên bố chung “phản đối bất cứ hành động dùng vũ lực, đe dọa hoặc đơn phương khiêu khích nào có thể làm thay đổi hiện trạng, gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.
Nhóm G7 còn kêu gọi các quốc gia tuân thủ luật pháp hàng hải quốc tế, đồng thời thực hiện mọi phán quyết mang tính ràng buộc do tòa án và tòa trọng tài đưa ra, với ý nhắc đến vụ kiện giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) Liên Hợp Quốc.
Tuyên bố chung này tuy không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng Trung Quốc thời gian qua liên tục bị lên án vì các hành động cấp tập bồi đắp đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa ở Biển Đông.
G7 là tập hợp 7 nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới, gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Gia Nã Đại, Pháp, Đức và Ý. Nhóm được thành lập vào năm 1976. G7 sẽ họp vài lần mỗi năm để bàn luận và trao đổi về chính sách kinh tế. G7 nhóm họp lần đầu vào ngày 11.4.2008 ở Washington, D.C. để bàn về cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2008.
Hội nghị cấp cao G7 năm 2016 là lần tổ chức thứ 42, diễn ra vào cuối tháng 5 tại thành phố Hiroshima, do Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chủ trì.
Tổng hợp