Trung Quốc đáp tàu vũ trụ xuống Sao Hỏa trong sứ mệnh lịch sử

16 Tháng Năm, 2021 | Tin thế giới
TƯ LIỆU – Tên lửa Trường Chinh 4 chở theo tàu thăm dò Sao Hỏa Thiên Vấn 1 rời mặt đất ở Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, ngày 23 tháng 7, 2020. Photo courtesy: Reuters

Một tàu vũ trụ không có người lái của Trung Quốc đã đáp thành công xuống bề mặt Sao Hỏa ngày thứ Bảy, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin, đưa Trung Quốc trở thành nước thứ hai sau Mỹ đáp xuống Hành tinh Đỏ.

Tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 đã hạ cánh xuống một khu vực đồng bằng rộng lớn được gọi là Utopia Planitia, “lần đầu tiên để lại dấu chân của Trung Quốc trên Sao Hỏa,” Tân Hoa Xã nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thông điệp chúc mừng tới tất cả những người tham gia sứ mệnh này.

“Các bạn đủ dũng cảm cho thử thách này, theo đuổi sự ưu việt và đưa đất nước của chúng ta vào hàng ngũ tiên tiến trong lĩnh vực thám hiểm hành tinh,” ông nói. “Thành tích xuất sắc của các bạn sẽ mãi mãi khắc ghi trong kí ức của tổ quốc và nhân dân.”

Thời điểm đáp chính thức là 2318 GMT (7 giờ 18 phút giờ Bắc Kinh), Tân Hoa Xã nói, dẫn nguồn từ Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc. Xe thám hiểm mất hơn 17 phút để mở các tấm pin mặt trời và ăng-ten và gửi tín hiệu đến hệ thống điều khiển mặt đất cách đó hơn 320 triệu kilômét.

Xe điều khiển, có tên Chúc Dung, giờ sẽ khảo sát địa điểm đáp trước khi khởi hành từ nền tảng của nó để tiến hành kiểm tra. Được đặt tên theo tên một vị thần lửa trong thần thoại Trung Quốc, Chúc Dung có sáu khí cụ khoa học bao gồm một máy chụp ảnh địa hình độ phân giải cao.

Nó sẽ nghiên cứu đất và bầu khí quyển trên bề mặt hành tinh. Chúc Dung cũng sẽ tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống cổ đại, bao gồm nước và băng dưới bề mặt, sử dụng radar xuyên đất.

Nếu Chúc Dung được vận hành thành công, Trung Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên bay lên quỹ đạo, đáp xuống và cho hoạt động xe thám hiểm trong sứ mệnh lần đầu tiên tới Sao Hỏa.

Trung Quốc đang theo đuổi một chương trình không gian đầy tham vọng. Nước này đang thử nghiệm tàu vũ trụ có thể tái sử dụng và cũng đang có kế hoạch thành lập trạm nghiên cứu mặt trăng có người điều hành, theo Reuters.