Trung Quốc phong tỏa 3 thành phố với 20 triệu dân để chống dịch

11 Tháng Một, 2022 | Tin thế giới

Trung Quốc mới đây phong tỏa thành phố thứ ba do bùng dịch COVID-19, nâng số người buộc phải ở trong nhà ở Trung Quốc lên khoảng 20 triệu người.

Lệnh phong tỏa An Dương, thành phố 5,5 triệu dân thuộc tỉnh Hà Nam, đã được ban bố vào tối ngày 10/1 sau khi phát hiện hai ca nhiễm biến thể Omicron. Người dân không được phép ra khỏi nhà và các cửa hàng đã được lệnh đóng cửa ngoại trừ những nơi bán nhu yếu phẩm.

Còn ở Tây An, 13 triệu dân đã bị phong tỏa gần ba tuần và 1,1 triệu dân ở Vũ Châu bị phong tỏa được hơn một tuần. Không rõ An Dương sẽ bị phong tỏa trong bao lâu, vì lệnh phong tỏa này được công bố như một biện pháp nhằm tạo điều kiện cho xét nghiệm hàng loạt, vốn là quy trình chuẩn trong chiến lược của Trung Quốc là phát hiện và cách ly người nhiễm càng sớm càng tốt.

Các biện pháp này là lệnh phong tỏa ở quy mô lớn nhất kể từ khi Vũ Hán cũng như gần như toàn bộ tỉnh Hồ Bắc bị ‘phong thành’ vào đầu năm 2020 khi đại dịch bùng phát. Kể từ đó, cách chống dịch của Trung Quốc đã thay đổi sang phong tỏa hẹp những khu vực có dịch.

Với Thế vận hội mùa đông, sẽ khai mạc ở Bắc Kinh vào ngày 4/2, đang đến gần và sự xuất hiện của biến thể Omicron, các lệnh phong tỏa toàn bộ một thành phố đã được áp đặt trở lại trong nỗ lực dập tắt các ổ dịch và ngăn chặn chúng lây lan ra những nơi khác ở Trung Quốc.

Quan chức Thế vận hội Bắc Kinh phụ trách chống dịch, ông Hoàng Xuân, cho biết ban tổ chức đang dựa vào sự hợp tác của các vận động viên và quan chức để ngăn chặn bùng dịch mà nếu xảy ra có thể làm giảm sự tham gia.

“Nếu xảy ra những chùm lây nhiễm ồ ạt, nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Thế vận hội và lịch thi đấu”, ông Hoàng nói. “Kịch bản tệ nhất, nếu xảy ra, không tùy thuộc vào ý muốn chủ quan, vì vậy chúng tôi để ngỏ các lựa chọn”.

Tại Hong Kong, lãnh đạo đặc khu, bà Carrie Lam ra lệnh đóng cửa các trường mẫu giáo và tiểu học sau khi có ca nhiễm ở học sinh. Các trường học sẽ đóng cửa vào ngày 14/1 cho đến ít nhất là Tết Nguyên đán trong tuần đầu tiên của tháng 2.

Hong Kong đã thắt chặt các hạn chế phòng dịch trong những ngày qua sau khi phát hiện biến thể Omicron đã lan rộng ra ngoài nhóm những người nhập cảnh.

Các ca nhiễm Omicron ở An Dương được cho là có dính đến hai ca khác được phát hiện ở Thiên Tân hôm 8/1. Đây dường như là lần đầu tiên Omicron lây lan ở đại lục bên ngoài những người nhập cảnh và những người tiếp xúc trực tiếp với họ.

An Dương là địa điểm khảo cổ quan trọng, thủ đô của triều đại nhà Thương và là nơi tìm thấy văn tự sớm nhất ở Trung Quốc – loại văn tự được gọi là giáp cốt văn (chữ viết trên xương thú và mai rùa).

Trong một thông báo phong tỏa được truyền thông nhà nước chia sẻ trên mạng vào tối 10/1, giới chức thành phố cho biết các phương tiện không thiết yếu bị cấm lưu thông trên đường phố. Số ca nhiễm vẫn còn tương đối thấp, với 58 ca mới được xác nhận từ đầu ngày 10/1 đến 8 giờ sáng ngày 11/1.

Thiên Tân, thành phố cảng cách Bắc Kinh chưa đầy một giờ chạy đường sắt cao tốc, chỉ phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng trong khi cho xét nghiệm hàng loạt. Tính đến trưa 11/1, có 97 kết quả xét nghiệm dương tính tại thành phố 14 triệu dân: 49 người có triệu chứng, 15 người không triệu chứng và 33 người đang chờ xác minh.

Tây An và Vũ Châu đều đang đối phó với biến thể Delta và cả hai địa phương này đều chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm Omicron nào.

Hơn 2.000 người nhiễm ở Tây An, ổ dịch lớn nhất Trung Quốc kể từ đợt bùng phát ở Vũ Hán. Cố đô Tây An (thành Trường An) là điểm đến du lịch nổi tiếng, nơi có đội quân đất sét của Tần Thủy Hoàng và cũng là nơi đặt một nhà máy sản xuất chip máy tính của Samsung.

Giới chức cho rằng lệnh phong tỏa đã giúp hạn chế lây lan, mặc dù nó làm gián đoạn cuộc sống và khiến một số người không được cấp cứu. Thành phố đã báo cáo 13 ca niễm mới trong khoảng thời gian 24 giờ gần đây nhất, giảm từ hơn một trăm trường hợp mỗi ngày vào lúc đỉnh điểm của dịch bệnh.