Từ một nô lệ tình dục dưới bàn tay của IS trở thành đại sứ thiện chí LHQ

17 Tháng 9, 2016 | Tin thế giới
Đại sứ thiện chí mới của LHQ, cô Nadia Murad. Photo Courtesy: Reuters

Nadia Murad, 23 tuổi đã trở thành đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc (LHQ), sau khi sống sót rồi bị các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt cóc và cưỡng hiếp.

Tờ Independent đưa tin hôm 16.9, Nadia Murad, 23 tuổi, vốn là một thành viên của dân tộc Yazidi ở Syria, còn là ứng viên của Giải Nobel Hòa bình, sẽ trở thành đại sứ thiện chí của LHQ, đại diện cho phẩm giá của những người thoát khỏi nạn buôn người của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC). Đây cũng là lần đầu tiên UNODC có một lựa chọn đặc biệt như vậy.

Thông cáo của tổ chức LHQ cho biết vai trò đại sứ của Nadia Murad sẽ “tập trung vào những sáng kiến ủng hộ và tăng cường nhận thức về thảm cảnh của vô số các nạn nhân của nạn buôn người”.

Thông báo của LHQ nhấn mạnh: “đây là lần đầu tiên nạn nhân của một tội ác được bổ nhiệm vị trí này”. Cũng theo LHQ, Đại sứ Murad “sẽ tập trung tuyên truyền và nâng cao nhận thức của những ai có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người, đặc biệt là người tị nạn, phụ nữ và trẻ em”.

Tham dự lễ nhậm chức của Nadia Murad tại LHQ sẽ có Tổng thư ký Ban Ki-moon, Đại sứ Mỹ Samantha Power và luật sư của bà Murad, Amal Clooney.

Nói về Nadia Murad, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon cho biết: “Nadia đã sống sót sau những tội ác thảm khốc. Tôi đã khóc khi nghe câu chuyện của cô ấy. Tôi không chỉ khóc vì buồn đau mà còn khóc vì xúc động bởi Nadia đã rất mạnh mẽ, dũng cảm và đầy tự trọng”.

Cũng nên nhắc lại rằng, Nadia Murad bị nhóm phiến quân bắt cóc cùng với khoảng 150 cô gái khác tại ngôi làng Kocho và được đưa tới thành phố Mosul, Iraq vào năm 2014. Sau đó Nadia Murad bị bán làm nô lệ tình dục và nhiều lần bị hành hạ thể xác tàn bạo, song rốt cuộc cô cũng tìm cách trốn thoát được.

Phát biểu tại buổi lễ bổ nhiệm làm đại sứ thiện chí ở trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, Nadia Murad nói: “Tôi đã bị lạm dụng theo cách mà bọn chúng muốn nhưng không phải chỉ có một mình tôi là nạn nhân. Có lẽ tôi là người may mắn. Tôi đã tìm cách trốn thoát được nhưng hàng ngàn người khác thì không”.

Nadia Murad Basee ngậm ngùi kể lại khoảng thời gian cô bị bắt cóc và cưỡng hiếp bởi các thành viên khủng bố IS. Photo Courtesy: Reuters

Nadia Murad Basee ngậm ngùi kể lại khoảng thời gian cô bị bắt cóc và cưỡng hiếp bởi các thành viên khủng bố IS. Photo Courtesy: Reuters

Với giọng nói run lên vì xúc động, Murad kêu gọi tìm cách giải thoát cho 3.200 phụ nữ và bé gái Yazidi vẫn đang còn bị IS cầm giữ làm nô lệ tình dục đồng thời kêu gọi đưa những kẻ bắt cóc ra trước công lý.

Cô nói: “Mối lo lắng thực sự của tôi là một khi IS bị đánh bại, các tay súng IS sẽ cạo râu và ung dung bước đi trên đường phố như chẳng có chuyện gì xảy ra”.

Murad nói rằng cô hy vọng một ngày nào đó, những nạn nhân người Yazidi có thể “nhìn thẳng vào mắt của những kẻ lạm dụng tình dục chúng tôi trước một tòa án quốc tế ở The Hague (Hà Lan) và nói cho cả thế giới biết rằng những gì bọn chúng đã gây ra cho chúng tôi để cộng đồng chúng tôi có thể nguôi ngoai vết thương lòng”.

Cô cho rằng vụ tấn công người Yazidi vào năm 2014 phải được xem như một vụ diệt chủng.

Với tư cách là đại sứ thiện chí của LHQ, Murad sẽ tập trung nâng cao nhận thức về nỗi đau của những nạn nhân của bọn buôn người, đặc biệt là những người tị nạn, phụ nữ và bé gái.

Trước đó, với những nỗ lực ủng hộ nạn nhân của IS, cô đã được tạp chí Timebình chọn vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2016

Tổng hợp