YVETTE MIMIEUX (1942-2022): Người Sài Gòn vẫn chưa quên! Nữ tài tử France Nguyễn, còn ai nhớ?

Yvette Mimieux: nét đẹp Pháp lai Mỹ la-tinh. Photo courtesy: AP

Thiên Ân

 Vào ngày 17/1/2022 vừa qua, Yvette Mimieux – nữ diễn viên Mỹ mang một cái tên “Pháp đặc” – đã qua đời tại Los Angeles vào tuổi 80. Bà không phải diễn viên hạng A nhưng lại được đông đảo khán giả biết tới qua cuốn phim đầu tay của mình đóng vào năm 18 tuổi: The Time Machine (1960), ngày ấy chiếu tại Sài Gòn dưới tựa tiếng Pháp La Machine à explorer le temps (Máy thám hiểm thời gian).

Tiếp theo là cuốn phim “tuổi học trò” Where the Boys Are (1960), rồi tới Diamond Head (1963), đóng chung với nữ diễn viên Việt lai Pháp France Nguyễn, cũng rất được khán giả tại Hòn ngọc Viễn đông yêu thích.

* * *

Yvette Mimieux, trên đầy đủ là Yvette Carmen Mimieux, ra chào đời ngày 8/1/1942 tại Los Angeles, ông bố René Mimieux là người Pháp, bà mẹ Maria Montemayor là người Mễ-tây-cơ. Với những nét đẹp độc đáo pha trộn hai dòng máu Pháp – Mỹ la-tinh và một thân hình lý tưởng, ngay từ bậc trung học Yvette Mimieux đã được một nhà săn mầm non chú ý và khuyên nên theo đuổi sự nghiệp diễn xuất.

Năm 1959, vào tuổi 17, Yvette Mimieux được xuất hiện trong hai phim tập truyền hình Yancy Derringer, One Step Ahead, rồi lọt vào mắt xanh đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Mỹ gốc Hung-gia-lợi George Pal (1908-1980), được xem là người đi tiên phong trong thể loại phim khoa học giả tưởng.

Thời gian này, hãng phim MGM xuất vốn cho George Pal thực hiện cuốn phim The Time Machine với cốt truyện là cuốn tiểu thuyết có cùng tựa của văn sĩ H. G. Wells (1866 – 1946), một trong hai nhà văn đầu tiên chuyên viết truyện phiêu lưu giả tưởng (người kia là văn sĩ Pháp Jules Verne, tác giả của các cuốn Hai chục ngàn dặm dưới đáy biển, Vòng quanh thế giới trong 80 ngày…)

Cốt truyện The Time Machine kể về một nhà phát minh trẻ ở London, thủ đô Anh quốc, sống vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sáng chế ra một cái máy có khả năng đưa người ngồi trên máy du hành vào tương lai. Trong chuyến đi đầu tiên vào đầu năm 1900, nhà phát minh dừng lại ở thời điểm 802,701 năm sau, khi ấy mặt đất chỉ còn cây cỏ, hang động, và “nhân loại” gồm hai chủng loại (species): Eloi và Morlock.

Eloi giống hệt con người hiện đại nhưng chỉ ăn cây trái, đầu óc ngu ngốc dại khờ, còn Morlock thì nửa người nửa dã nhân (ape) rất hung dữ, sợ ánh sáng nên sống dưới hầm, ban đêm mới mò lên mặt đất lùng bắt người Eloi để ăn thịt!

Nhà phát minh có cơ hội cứu mạng một thiếu nữ Eloi rất xinh đẹp tên là Weena (do Yvette Mimieux thủ vai), được nàng hướng dẫn khám phá thế giới ngầm của Morlock. Khi sắp bị rơi vào tay họ, nhà phát minh đã kịp thời leo lên “The Time Machine” để quay trở về năm 1900. Khi chàng kể lại cuộc phiêu lưu của mình với các bạn trong bữa ăn tối, không ai tin. Nhưng sau khi mọi người ra về, một người bạn quay trở lại thì thấy nhà phát minh và cỗ máy The Time Machine đã biến mất cùng với ba cuốn sách viết về nền văn minh của nhân loại.

Người bạn hiểu nhà phát minh đã bỏ đi tới tương lai hơn 800 ngàn năm sau, để đáp lại tình yêu của Weena và cũng để khai trí dân Eloi.

* * *

Cuốn phim The Time Machine đã giúp hai tên tuổi quốc tế: Rod Taylor, người thủ vai nhà phát minh và Yvette Mimieux.

Rod Taylor (1930-2015) là một diễn viên Úc, bắt đầu sự nghiệp với tên thật là Rodney Taylor, sau khi xuất hiện trong một số phim Úc, tới giữa thập niên 1950, Rodney Taylor sang kinh đô điện ảnh Hồ-ly-vọng và lấy nghệ danh mới: Rod Taylor.

Sau một số vai phụ, năm 1960 Rod Taylor được đạo diễn George Pal trao vai chính trong cuốn phim The Time Machine và vụt nổi tiếng. Chỉ tới lúc đó, khán giả quốc tế mới biết Miệt Dưới (Downunder) có một nam diễn viên bảnh trai và tài nghệ không thua gì đàn anh đồng hương Errol Flynn (1909-1959, xuất thân từ đảo Tasmania), thần tượng điện ảnh số 1 trong Những năm vàng son của Hồ-ly-vọng (Golden Years of Hollywood).

Thời gian này, hãng phim Eon Productions vừa được thành lập đề khai thác bộ truyện trinh thám 007 James Bond, Rod Taylor được mời thủ vai chàng điệp viên xuất quỷ nhập thần, nhưng đã từ chối vì cho đó là một vai trò “thiếu giá trị nghệ thuật”. Sau này, Rod Taylor bày tỏ hối tiếc về sự “dại dột”của mình:

“Cứ mỗi khi có thêm một cuốn phim James Bond hốt bạc, tôi lại vò đầu bứt trán!”

Thành công kế tiếp – cũng có thể nói là thành công lớn nhất trong sự nghiệp – của Rod Taylor là vai nam chính trong cuốn phim The Birds (Les Oiseaux, Bầy ác điểu) vào năm 1963 của ông vua phim kinh dị Alfred Hitchcock, đóng chung với nữ diễn viên Mỹ Tippi Hedren (mẹ của cô đào Melanie Griffiths).

Sau nhiều vai trò trong các cuốn phim tình cảm, hoặc hài kịch như Sunday in New York với Jane Fonda (1963), The V.I.P.s với cặp Richard Burton – Liz Taylor (1963), Young Cassidy với Julie Christie (1965), Do Not Disturb (1965) và The Glass Bottom Boat (1966) với Doris Day…, Rod Taylor chuyển sang các vai trò cứng rắn trong đó có phim The Mercenaires (1968) cũng đóng chung với Yvette Mimieux.

Tới thập niên 1990, Rod Taylor về hưu sớm, hưởng nhàn tại

Los Angeles, chỉ thỉnh thoảng mới trở lại màn bạc.

* * *

Về phần Yvette Mimieux, sau khi thủ vai Weena trong phim The Time Machine đã được hãng MGM ký hợp đồng 5 năm và cho thủ một vai phụ trong cuốn phim bi kịch tội phạm Platinum High School, cũng trong năm 1960, và đã mang lại cho nàng tiểu minh tinh 18 tuổi đề cử giải Trái Cầu Vàng “New Star Of The Year – Actress”.

Cuối năm 1960, Yvette Mimieux được cho thủ một vai chính trong Where the Boys Are, cuốn phim hài kịch về giới trẻ ăn khách bậc nhất vào đầu thập niên 1960, nội dung kể về bốn cô sinh viên chủ trương nếm mùi vị sex trước khi lấy chồng, nhân kỳ nghỉ học giữa năm rủ nhau đi vùng biển Fort Lauderdale, Florida tìm đối tượng để… “trở thành đàn bà”. Bốn vai này được trao cho ba nữ diễn viên trẻ tên tuổi, gồm Dolores Hart, Paula Prentiss, Yvette Mimieux, và nữ ca sĩ nổi tiếng Connie Francis.

Điểm độc đáo, và cũng là yếu tố khiến Where the Boys Are được yêu chuộng, là cuốn phim hài kịch này lại kết thúc bằng một bi kịch: cô sinh viên do Yvette Mimieux thủ vai bị một gã playboy (bạn của anh chàng playboy mà cô đang theo đuổi) chuốc rượu rồi đưa về motel cưỡng hiếp!

* * *

Cuốn phim thứ ba của Yvette Mimieux được người Sài Gòn ngày ấy yêu chuộng là Diamond Head (1962). Với khán giả quốc tế nói chung, Diamond Head không ăn khách bằng The Time MachineWhere the Boys Are nhưng sở dĩ được nhiều người Việt đi xem là vì trong số diễn viên có France Nguyen, một người Việt lai Pháp.

France Nguyen thường được báo chí Âu Mỹ viết là “France Nuyen”) tên họ đầy đủ là France Nguyễn Vân Nga, cha Việt mẹ Pháp, ra chào đời tại Marseille năm 1939.

Charlton Heston, France Nguyen, và Yvette Mimieux trong poster phim Diamond Head. Poster picture courtesy: MGM

Năm 16 tuổi, France Nguyen được nhiếp ảnh gia Philippe Halsman của tạp chí Life khám tại một bãi biển và trở thành người mẫu, được chụp hình bìa cho tạp chí này số tháng 10/1958.

Cũng trong năm 1958, France Nguyen xuất hiện lần đầu tiên trên màn bạc qua cuốn phim ca nhạc South Pacific, nhờ đó được chọn thủ vai nữ chính trong vở kịch ăn khách The World of Suzie Wong trên sân khấu Broadway, và vụt nổi tiếng quốc tế. Rất tiếc, khi vở kịch được thực hiện thành phim điện ảnh vào năm 1960, vai Suzie Wong lại được trao cho Nancy Kwan, một cô đào Hương Cảng lai Anh.

(Ngày ấy phim The World of Suzie Wong được chiếu tại Sài Gòn dưới tựa tiềng Pháp Le Monde de Suzie Wong, và tựa tiếng Việt là  Nước Cuốn Hoa Trôi)

Trong sự nghiệp của mình, France Nguyen đã đóng khoảng 25 cuốn phim điện ảnh và xuất hiện trong trên 30 phim tập hoặc chương trình truyền hình.

Trong số những cuốn phim nổi tiếng của bà có Satan Never Sleeps (1962), Diamond Head (1963), và The Joy Luck Club (1993).

[The Joy Luck Club, tựa Hán Việt là Phúc Lạc Hội, phỏng theo cuốn tiểu thuyết nổi tiếng có cùng tựa của nữ văn sĩ Mỹ gốc Hoa Amy Tam, kể về bốn cặp mẹ con gốc Hoa, cốt truyện trải dài từ cuộc chiến tranh Trung-Nhật cho tới hiện tại ở Hoa Kỳ, trong đó có hai nữ diễn viên gốc Việt thủ vai bà mẹ là France Nguyen và Kiều Chinh]

Trở lại với Yvette Mimieux và cuốn phim Diamond Head (1962).

Phim lấy bối cảnh thiên đường hạ giới Hawaii (Diamond Head là tên ngọn núi lửa nổi tiếng ở quần đảo này), nhân vật chính là Richard “King” Howland, một “chúa đảo” da trắng thế lực, kỳ thị chủng tộc và độc đoán.

Lúc đầu, vai Richard Howland được trao cho Clark Gable (nổi tiếng với Cuốn Theo Chiều Gió) nhưng tới khi chuẩn bị thực hiện Diamond Head thì Clark Gable qua đời bất ngờ nên vai này được trao cho Charlton Heston (nổi tiếng với Ben Hur).

Yvette Mimieux thủ vai cô em gái Sloan Howland, có người yêu là Paul Kahana (James Darren thủ vai), là người bản địa Hawaii. Khi Sloan cho biết cô quyết định tiến tới hôn nhân với Paul, Richard đã phản đối kịch liệt mặc dù bản thân ông ta đang cặp kè sôi nổi với Mai Chen, một phụ nữ gốc Á châu, do France Nguyen thủ vai.

Trong buổi party đính hôn của Sloan và Paul, Richard bị người anh trai của  Mai Chen tấn công bằng dao, Paul nhảy vào can gián thì bị vô tình đâm chết. Sau đó, Sloan bỏ đi, tới Honolulu và được bác sĩ Dean Kahana (George Charikis thủ vai), anh trai của Paul, và gia đình ông ta bao bọc.

Một thời gian sau, Mai Chen bị chết trong lúc sanh con trai (có với Richard) nhưng ông ta không nhìn nhận con; Sloan đưa đứa bé về nuôi… Sau một cuộc đối đầu giận dữ với em gái và bác sĩ Dean, Richard đã phải đối diện với lương tâm của chính mình…

* * *

Trở lại với sự nghiệp của Yvette Mimieux, sau khi mãn hợp đồng với hãng MGM, nàng được tự do lựa chọn vai trò, đạt thành công đáng kể về mặt nghệ thuật cũng như thương mại, trong đó có cuốn phim hài kịch Three in the Attic (1969) và cuốn phim bi kịch The Picasso Summer (cũng trong năm1969).

Bước sang đầu thập niên 1970, Yvette Mimieux đã công khai bày tỏ sự bất mãn trước khuynh hướng và cung cách các nhà làm phim (đực rựa) mô tả hình ảnh người phụ nữ trên màn bạc:

“Những người phụ nữ trên màn ảnh do họ sáng tạo chỉ có bề mặt… Họ chỉ là những đối tượng tình dục (sex objects) hoặc một cái bánh pudding có mùi vanilla!”

Từ bất mãn đó, Yvette Mimieux – vốn kiêm cả nghề ký giả và viết truyện ngắn – đã đặt bút viết một truyện phim có tựa Hit Lady để thực hiện một cuốn phim truyền hình (TV movie). Truyện phim này đã được “ông vua truyền hình” Aaron Spelling của hãng ABC  chộp ngay.

Kết quả, cuốn phim Hit Lady, do đích thân Yvette Mimieux thủ vai chính, chiếu trên đài ABC vào tháng 10/1974, đã trở thành cuốn phim truyền hình được điểm phê bình cao nhất, được truyền thông đề cập tới nhiều nhất trong năm 1974…

Cuốn phim cuối cùng của Yvette Mimieux là Lady Boss (1992), phỏng theo cuốn tiểu thuyết có cùng tựa của nữ văn sĩ Jackie Collins, em gái của nữ diễn viên Anh Joan Collins.

Trong sự nghiệp của mình, Yvette Mimieux được đề cử giải Trái Cầu Vàng ba lần.

* * *

Yvette Mimieux kết hôn hai lần. Lần  thứ nhất với đạo diễn Mỹ Stanley Donen từ năm 1972 tới năm 1985. Lần thứ hai với nhà tài phiệt bất động sản Howard F. Ruby, người sáng lập tập đoàn phát triển & xây dựng quốc tế Oakwood Worldwide, từ năm 1986.

Những năm cuối đời, Yvette Mimieux tìm nguồn vui qua hội họa, và thiết lập một trang mạng cá nhân để trưng bày những tác phẩm của mình.

Thiên Ân

Trích TVTS số 1871 phát hành 26/1/2022, mục Vòng Quanh Phim Trường của Thiên Ân