Tổng thống Obama sẽ đến Việt Nam vào Chủ Nhật, 22.5.2016. Photo Courtesy: Jonathan Ernst/Reuters
Thư ngỏ của 20 nhà lập pháp Mỹ đề ngày 17.5 đề nghị ông Obama nêu quan ngại về các vi phạm nhân quyền tiếp diễn tại Việt Nam và thúc đẩy phóng thích tất cả tù nhân lương tâm đang bị giam cầm vì các hoạt động cổ xúy dân chủ.
Lá thư được khởi xướng bởi dân biểu Loretta Sanchez, thành viên cao cấp trong Ủy ban An ninh Nội địa và Ủy ban Quân vụ Hạ viện, đồng chủ tịch và cũng là sáng lập viên Nhóm Làm việc về Việt Nam tại Hạ viện Mỹ (Vietnam Caucus).
Giới lập pháp Mỹ bày tỏ hy vọng Tổng thống Obama sẽ biến chuyến thăm sắp tới thành cơ hội giao lưu trực tiếp với người dân Việt Nam để gửi ra thông điệp rõ ràng rằng người Mỹ sát cánh với những người Việt yêu chuộng và tranh đấu cho tự do.
Thư nói: “Chúng tôi kêu gọi Tổng thống chuyển tải mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi về việc chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục tùy tiện tống giam các nhà hoạt động nhân quyền và đàn áp quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân”.
Thư ngỏ này còn có đoạn viết ‘Chúng tôi đặc biệt hối thúc Tổng thống ưu tiên kêu gọi phóng thích những người bảo vệ nhân quyền can đảm đang gánh chịu các bản án dài hạn và bất công như linh mục Nguyễn Văn Lý (8 năm tù) cùng các nhà hoạt động Nguyễn Đặng Minh Mẫn (8 năm tù), Hồ Đức Hòa (13 năm tù), Đặng Xuân Diệu (13 năm tù), và Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm tù).
Trong thư ngỏ gửi Tổng thống Obama hôm qua, các dân biểu Mỹ cũng đề nghị ông Obama khi tới Việt Nam dành thời gian thăm gặp trực tiếp giới bảo vệ nhân quyền và gia đình các nhà hoạt động đang bị giam cầm để gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Hoa Kỳ trong việc cổ súy cho các quyền tự do của con người.
Ngoài ra, thư của các nhà lập pháp trong Hạ viện Mỹ còn lưu ý Tổng thống đảm bảo rằng Việt Nam phải chứng tỏ nghiêm túc cải thiện nhân quyền trước khi được Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí sát thương.
Một quan chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ cách đây không lâu nói rằng Mỹ sẽ “xem xét rất kỹ” bất kỳ đơn hàng đặt mua vũ khí nào của Việt Nam vì lo ngại chúng rơi vào tay công an hoặc dùng cho các mục đích phi quân sự.
Còn vào ngày 18.5, Khi được hỏi trong một cuộc họp báo rằng Việt Nam sẽ được phép mua loại vũ khí nào từ Mỹ nếu lệnh cấm vận vũ khí sát thương được dỡ bỏ hoàn toàn, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ, theo luật Hoa Kỳ, phải xem xét từng trường hợp cụ thể, dựa trên đánh giá về nhân quyền và khả năng vũ khí được sử dụng để “hậu thuẫn công an nội địa hoặc dùng cho các mục đích phi quân sự”.
Ông nói thêm: “Đó chính là lý do khiến chúng tôi hết sức cẩn trọng đối với bất kỳ đề xuất [mua vũ khí nào] của Việt Nam trong tương lai”.
Trong khi đó, trao đổi với các đại diện tổ chức của người Mỹ gốc Việt hôm 17.5, ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Obama cho biết Hoa Kỳ vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc có dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận hay không.
Hiện áp lực dỡ bỏ lệnh cấm vận này và những chỉ trích về vi phạm nhân quyền Việt Nam được xem là hai gúc mắt lớn nhất đối với ông Obama trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam vào Chủ Nhật này.
Tại Việt Nam, theo dự kiến, Tổng thống Obama sẽ ghé thăm Hà Nội và Sài Gòn trước khi lên đường dự thượng đỉnh kinh tế ở Nhật vào ngày 25.5.
Tòa Bạch Ốc nói chuyến công du Việt Nam của ông Obama nhằm ‘thăng tiến hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế, giao tiếp giữa nhân dân hai nước, an ninh, nhân quyền, cùng các vấn đề khu vực và toàn cầu.’
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của chủ nhân Tòa Bạch Ốc kể từ chuyến công du năm 2006 của cựu Tổng thống George W. Bush.
Theo VOA tiếng Việt