![]() |
Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết và Nông Đức Mạnh bỏ phiếu đường sắt cao tốc. Ảnh Dân Trí |
Ngày 19 tháng 6 vừa qua có thể được coi là ngày lịch sử của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vì đây là lần đầu tiên các nghị gật dám phủ quyết một dự án do chính phủ đưa ra.
Với 37% đại biểu tán thành và 41% không tán thành, chủ trương xây dựng đường sắt do chính phủ đưa ra –nói theo ngôn ngữ ở Việt Nam— đã không được thông qua.
Tuy nhiên, ra vẻ chính phủ vẫn còn nuối tiếc và thế nào cũng sẽ đưa dự án trở lại lần nữa, bởi Bộ trưởng Giao thông của Nhật Bản vừa lên tiếng ủng hộ dự án đường sắt cao tốc của Việt Nam chỉ vài ngày sau khi dự án bị Quốc hội bác.
Nhật Bản muốn Việt Nam làm đường sắt cao tốc vì lợi ích của Nhật, bởi họ sẽ là người cung cấp kỹ thuật và cả cho vay.
Phần lớn báo chí ở Việt Nam tỏ ra quan tâm về dự án liều lĩnh và không tưởng này. Sau đây là một bài của báo Dân Trí đưa lên mạng trong ngày hôm nay.
Cử tri Hà Nội:
(Dân trí) – Trao đổi với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, các cử tri Hà Nội đã cho rằng việc Quốc hội không thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam là “sáng suốt”, “làm nức lòng người dân và các nhà khoa học”…
Sáng 23/6, tại buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Quốc hội tại quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Hốt (Ba Đình) cho biết ông rất vui khi Quốc hội không thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Theo ông Hốt, các nước khác làm đường sắt cao tốc, người dân phấn khởi, nhưng thực tế nhà nước phải bù lỗ lớn và nếu chúng ta cũng làm, không biết sẽ phải bù lỗ bao nhiêu.
Đi vào cụ thể, ông Hốt cho rằng, Nghệ An chưa phát triển được nhiều nên nhu cầu đi lại Hà Nội – Vinh chưa phải quá lớn. Thêm nữa, dù tuyến đường sắt cao tốc TPHCM – Nha Trang có được khai thác nhiều, tuyến Vinh – Nha Trang lại không hiệu quả.
Chưa kể, các nước khi làm đường sắt cao tốc tự túc được rất nhiều, còn với việc phải “mua hết” như ta, số nợ sẽ rất lớn… “Quốc hội chưa thông qua dự án này là sáng suốt”, ông Hốt nhận định.
![]() |
Ông Lê Hoa: “Quốc hội đã làm nức lòng người dân”
Chia sẻ về vấn đề này, cử tri Lê Hoa (Ba Đình) cho rằng, khi nghe tới đề xuất làm trục Thăng Long, chuyển Trung tâm hành chính quốc gia tới Ba Vì, làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam, bà con rất… lo lắng. Việc Quốc hội không thông qua dự án đường sắt theo ông Hoa đã làm nức lòng người dân, các nhà khoa học.
Liên quan đến vai trò giám sát của Quốc hội, cử tri Hoàng Ngọc Khôi “băn khoăn” khi những năm qua liên tục xảy ra các sự việc về sân golf, cho thuê đất rừng… Theo ông Khôi, để xảy ra như vậy, cử tri đau lòng và niềm tin gửi gắm Quốc hội phần nào đó bị ảnh hưởng. |
“Trước đây phát biểu và kết quả biểu quyết nhiều khi không thống nhất, nhưng lần này Quốc hội đã giữ được chính kiến”, ông Hoa nói. Theo ông Hoa, 56 tỷ USD là một con số rất lớn và nền kinh tế nước ta chỉ đứng 181 trên thế giới, trong khi đến nay mới có 11 nước làm đường sắt cao tốc, còn nhiều nước giàu hơn ta chưa thể làm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng nhận định, dư luận chung đồng tình với việc Quốc hội quyết định dừng đầu tư đường sắt cao tốc. Theo ông Trọng, yêu cầu đặt ra với các dự án là phải có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với điều kiện kinh tế, có tính khả thi và sự ủng hộ của người dân.
Ông Trọng cho rằng, Quốc hội đã rất cẩn trọng, nâng lên đặt xuống trước khi đưa ra quyết định cho dự án đường sắt cao tốc. Bản thân Thường vụ Quốc hội đã họp không ít lần và chỉ riêng việc ra nghị quyết thế nào cũng đưa ra tới 3 phương án, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri.
Cũng theo ông Trọng, việc quyết định các vấn đề quan trọng được dựa trên cơ sở trao đổi giữa Quốc hội, Chính phủ… “Việc còn ý kiến khác nhau là bình thường, quan trọng phải cùng lắng nghe, thực sự cầu thị”, ông Trọng nói.
Chuyển sang vấn đề quy hoạch Hà Nội, ông Trọng cho biết, các đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề, trục Thăng Long là trục tâm linh hay trục giao thông, trục phát triển và tại sao lại lấy nhiều đất nông nghiệp như vậy. Về trung tâm hành chính quốc gia, ông Trọng cho rằng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã khẳng định không di chuyển tới Ba Vì. “Các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã khẳng định Hà Nội là trung tâm Chính trị – hành chính quốc gia”, ông Trọng nhấn mạnh.
Cấn Cường