Rạng sáng 10.5, Liên minh Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố dữ liệu hơn 300,000 công ty và cá nhân nêu trong tài liệu Panama. Dữ liệu tài liệu Panama được công bố trực tuyến trên trang web offshoreleaks.icij.org của ICIJ.
Theo đó, ICIJ tiết lộ tên và thông tin về 200,000 công ty ở nước ngoài do giới nhà giàu thiết lập, được nêu trong Hồ sơ Panama.
Đây là kết quả phân tích điều tra từ 11.5 triệu tập tin dữ liệu nội bộ của công ty luật Mossack Fonseca của hàng trăm nhà báo từ 80 quốc gia. Dữ liệu này bao gồm tên công ty bình phong và cách thức liên lạc với các tài khoản hải ngoại.
Như vậy, từ thời điểm hiện tại, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được với những thông tin “gây sốc” toàn thế giới chỉ với những thao tác tương tự như tìm kiếm thông tin trên Google và biết được những ai đứng sau 320.000 công ty hải ngoại.
Đáng chú ý là tài liệu Panama cho phép truy cập thông tin cụ thể mỗi cá nhân/tổ chức sẽ có quan hệ với công ty vỏ bọc nào, chức vụ vị trí ra sao, đảm nhiệm từ thời điểm nào và trú ở đâu (địa chỉ rất chi tiết) chỉ thông qua một cú nhấp chuột.
Tính tới thời điểm hiện tại Việt Nam có 189 công ty, tổ chức và cá nhân có trong dữ liệu tài liệu Panama do ICIJ công bố. Cụ thể, có 49 công ty bình phong thành lập ở nhiều nước và vùng lãnh thổ như Hong Kong, Panama, Singapore, Thụy Điển, Anh, Đài Bắc Trung Hoa, đảo Virgin thuộc Anh (nhiều nhất), đảo Cayman, Mỹ, Samoa,…; 18 cá nhân, tổ chức trung gian; 169 địa chỉ ở Việt Nam. Phần lớn các địa chỉ đều ở hai TP lớn là TP.HCM và Hà Nội.
Tuy việc xuất hiện tên trong “Hồ sơ Panama” hay việc có công ty offshore không đồng nghĩa với việc phạm pháp. Nhiều công ty và cá nhân có hoạt động thương mại ở nước ngoài có lập các công ty, tài khoản offshore này để thuận lợi cho việc giao dịch.
Nhưng những người chỉ trích thì cho rằng việc có công ty offshore có thể tạo điều kiện dễ dàng cho việc trốn thuế hay rửa tiền có từ hối lộ, tham nhũng hay các hành vi sai trái khác.
Cũng trong ngày 9.5, 300 nhà kinh tế ký một lá thư thỉnh cầu các nhà lãnh đạo thế giới đập tan những “thiên đường trốn thuế”. Họ cho rằng chúng chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và giới doanh nghiệp đa quốc gia, trong khi làm tăng bất bình đẳng.
Tổng hợp