Giới lập pháp Mỹ hoan nghênh việc không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam

03 Tháng Tám, 2024 | Tin Việt Nam
Món quà tiếp theo của Mỹ cho Tô Lâm (góc trái) khi ông Chủ tịch nước được “bầu” làm Tổng Bí thư hôm nay. Hình: Hải Nguyễn/báo Lao Động (Chụp khi Biden sang thăm VN năm 2023)

Các nghị sĩ Hoa Kỳ vào ngày 2/8 hoan nghênh quyết định của Bộ Thương mại nước này về việc không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong khi Hà Nội lên tiếng rằng họ “lấy làm tiếc” về quyết định này.

Thượng nghị sĩ Bill Cassidy ra tuyên bố có đoạn: “Việt Nam không phải là nền kinh tế thị trường và quyết định ngày hôm nay khẳng định thực tế đó”, ý nói đến tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ hôm 2/8 về việc tiếp tục xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường.

“Đây là một chiến thắng cho những người nuôi tôm, cá da trơn ở bang Louisiana và việc làm cho người Mỹ”, vị thượng nghị sĩ đại diện cho bang Louisiana viết.
Ông Cassidy lập luận rằng Việt Nam không có nền kinh tế thị trường vì đồng tiền nước này không được tự do chuyển đổi, thiếu quyền lao động và có sự can thiệp sâu rộng của nhà nước.

“Việc xem xét này là một ý tưởng tồi mà lẽ ra không nên được xem xét ngay từ đầu”, Thượng nghị sĩ Tom Cotton của bang Arkansas viết trên trang X. Ông bày tỏ rằng việc Việt Nam tiếp tục bị xếp vào diện nền kinh tế phi thị trường “là một thắng lợi cho bang Arkansas – đặc biệt đối với công nhân ngành thép và người nuôi cá da trơn”.

Tương tự, Dân biểu Rick Crawford, đại diện bang Arkanzas trong Hạ viện Mỹ, viết trên trang X: “Điều này lẽ ra không bao giờ nên là một cuộc tranh luận ngay từ đầu. Việt Nam là một nước cộng sản, nơi doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế”.

“Trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ tàn phá các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ vốn đã bị thiệt hại do các hoạt động thương mại không công bằng của Việt Nam. Làm như vậy sẽ dẫn đến chuyện thuê mướn bên ngoài thay cho công ăn việc làm của người Mỹ và gây tổn hại cho người lao động Mỹ”, ông Cassidy nhận định.

Dân biểu Crawford lập luận rằng nếu trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ khuyến khích “các hành vi độc hại” như bán phá giá thép, kiểm soát giá cả và mở đường cho Trung Quốc lợi dụng đất nước láng giềng làm bàn đạp để lách các lệnh phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.

Trước đó trong cùng ngày 2/8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra tuyên bố rằng họ quyết định là Việt Nam sẽ tiếp tục bị xác định là một nước có nền kinh tế phi thị trường, phục vụ mục đích tính thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

“Kết luận này có nghĩa là phương pháp được sử dụng để tính thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam không thay đổi”, vẫn tuyên bố của DOC.

Vào tháng 9/2023, vài ngày trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chính quyền Việt Nam gửi đơn đề nghị Bộ Thương mại Mỹ xem xét về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Từ tháng 10/2023, Bộ Thương mại Mỹ tiến hành quá trình xem xét yêu cầu của Hà Nội. Bộ này cho hay trong thời gian qua họ đã nhận được hơn 36.000 trang đóng góp ý kiến từ các ngành sản xuất nội địa của Mỹ cũng như từ chính phủ Việt Nam.

“Bộ Thương mại Hoa Kỳ đánh giá cao và trân trọng sự tham gia rộng rãi của các ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ cũng như của Chính phủ Việt Nam vào quá trình minh bạch và bán tư pháp của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Quyết định này được đưa ra dựa trên quá trình đánh giá kỹ lưỡng tất cả ý kiến được gửi đến”, tuyên bố viết.
Ngay sau tuyên bố của DOC, Bộ Công thương Việt Nam hôm 2/8 bày tỏ “lấy làm tiếc” về quyết định trên.

Bộ Công Thương nói thêm rằng họ sẽ “nghiên cứu, phân tích” các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ “để bổ sung, hoàn thiện lập luận” và sẽ gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Mối quan hệ này được nâng cấp trong chuyến thăm Việt Nam của ông Biden hồi tháng 9/2023.

Trong năm qua, hàng chục các nhà lập pháp lưỡng đảng Hoa Kỳ, trong đó có cả Thượng nghị sĩ JD Vance, ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa, lên tiếng kêu cầu DOC không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, do nước này chưa hội đủ các tiêu chí theo luật định của Mỹ.

“Tôi hy vọng chính phủ của chúng ta sẽ nỗ lực hợp tác với Việt Nam trong tương lai để khuyến khích thương mại công bằng và cải cách kinh tế có hệ thống để một ngày nào đó Việt Nam có thể được chào đón vào cộng đồng các nền kinh tế thị trường”, Dân biểu Crawford nêu kỳ vọng.

(Nguồn: VOA)