![]() |
Xe gắn máy là phương tiện giao thông chính tại Việt Nam |
Quy định về chiều cao, trọng lượng cơ thể và bệnh lý để có đủ điều kiện lái xe mô-tô từ 50 phân khối trở lên cũng như xe hơi đã gây bức xúc cho người dân. Quy định của Bộ Y tế Việt Nam có vẻ phản khoa học, kỳ thị và là cơ hội để các quan chức dễ tham nhũng. Nhưng Bộ giao Thông Vận tải biểu đồng tình ngay, không cần mở cuộc nghiên cứu hay hỏi ý dân trước khi quyết định. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng “Bộ y tế đưa ra quy định để gây khó dễ người lái xe”.
Tin Bộ Ý tế Việt Nam đưa ra quy định người cao dưới 1.50m không được lái xe hơi, người cao dưới 1.45m và nặng dưới 40kg không được lái xe mô-tô 50 phân khối trở lên đã làm cho người Việt khắp thế giới buồn cười vì các chính sách hứng bất tử và chẳng giống ai của các quan chức cao cấp nhà nước Việt Nam.
![]() |
Nguyễn Mạnh Hùng |
Tại Việt Nam, đã có phản ứng như của ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Vận tải VN khi trao đổi ý kiến với báo VnExpress, về bốn vấn đề liên hệ đến quy định của Bộ Y tế như sau:
1 -Tôi cho rằng Bộ Y tế đang cường điệu hóa điều kiện sức khỏe của người dân để tham gia giao thông. Xe máy có nhiều loại, cùng phân khối trên 50 cc nhưng trọng lượng, cao thấp khác nhau. Ôtô cũng có thế nâng cao hay hạ thấp ghế ngồi để phù hợp với người thấp bé. Quy định như vậy không thích hợp đối với điều kiện sức khỏe người VN.
Trong những năm qua, chúng ta vẫn chưa có chiến lược quốc gia về chống suy dinh dưỡng chiều cao ở người VN, phần lớn dân ở đô thị có thể đạt được tiêu chuẩn, song nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa thì khó đáp ứng quy định này. Nếu áp dụng thì có tình trạng người dân muốn thực hiện các quy định của luật pháp mà không được, khiến họ phải làm trái. Trong khi đó, xe máy là phương tiện cần thiết cho cuộc sống người dân khu vực này.
2 – Trong quá trình lái xe, quan trọng nhất là thị lực và phản xạ phải tốt. Đặc biệt, người lái không nghiện các chất kích thích. Tôi sang Hàn Quốc thấy người ta chỉ kiểm tra thị lực và gõ vào chân tay để thử phản xạ.
Quy định cân nặng khá bất cập trong khi trọng lượng con người có thể thay đổi. Khi tôi thi lấy bằng thì đạt tiêu chuẩn song sau một vài năm tôi bị gầy, sút cân, công an phát hiện đòi quy trách nhiệm của cơ sở y tế thì không được. Đó là thiếu tính khả thi.
Trước đây đã cấm người dưới 1,48 m lái ôtô, hiện quy định mới tăng lên 2 cm, nhưng vấn đề đặt ra là cơ sở khoa học của quyết định này, tôi thấy chưa có điều tra nào về các vụ tai nạn do người chưa đủ chiều cao, cân nặng gây ra. Tôi nghĩ cần nghiên cứu cụ thể hơn.
Tôi biết Bộ có tham khảo ý kiến của cơ quan nhà nước song người lái xe cần tham khảo thì lại không được hỏi đến, người chịu chi phối không được quan tâm. Các chuyên gia trong Hiệp hội Vận tải VN cũng không được góp ý kiến. Đây là kẽ hở trong khi ban hành văn bản pháp luật, do vậy sẽ bộc lộ nhiều bất cập.
3 – Nếu người dân làm đúng theo quy định này thì phải mất nhiều thời gian, có khi mất hàng triệu đồng để làm các xét nghiệm. Thực tế, sử dụng ôtô, xe máy là chuyện bình thường song lại bị làm quan trọng hóa, gây khó khăn cho người dân.
Việc khám sức khỏe thi lấy bằng lái xe từ trước đến nay đã không nghiêm túc, có tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe. Quy định mới đưa ra càng gây tiêu cực. Người ta không dại gì mất hàng triệu đồng, thay vì mua giấy khám giả 100.000-200.000 đồng.
4 – Tôi chưa thấy vụ tai nạn nào mà nguyên nhân chỉ vì người lái thấp bé.