![]() |
Lực lượng Kiểm soát Tài nguyên Biển có nhiệm vụ giám sát hoạt động của ngư dân địa phương và bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản cũng như các vùng biển thuộc lãnh hải quốc gia. Photo Courtesy: Reuters |
Việt Nam đã làm lễ ra mắt Lực lượng Kiểm Ngư có tên gọi chính thức là Lực lượng Kiểm soát Tài nguyên Biển hôm 15.4, có nhiệm vụ giám sát hoạt động của ngư dân địa phương và bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản cũng như các vùng biển thuộc lãnh hải quốc gia.
Báo Wall St. Journal nhận định rằng động thái này đã được đưa ra tại một thời điểm khi căng thẳng đang tăng cao giữa các nước có đòi hỏi chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông.
Phát biểu tại lễ ra mắt ở quân cảng Đà Nẵng hôm qua, Phó Thủ Tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải nói lực lượng này sẽ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trên biển, cũng như bảo vệ các nguồn tài nguyên, trợ giúp ngư dân lâm nạn, và duy trì an ninh hàng hải.
Lực lượng Kiểm Ngư Việt Nam trực thuộc Tổng Cục Thủy Sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Việt Nam.
Các giới chức không nói rõ về số nhân lực phục vụ trong lực lượng này, tuy nhiên cho biết trụ sở chính của lực lượng kiểm ngư sẽ được đặt tại Hà Nội, và có tên gọi là Cục Kiểm Ngư, và trên toàn quốc sẽ có 4 chi cục.
Theo tin của giới truyền thông nhà nước dẫn lời ông Hoàng Trung Hải thì Việt Nam có khoảng 120,000 tàu cá với tổng cộng khoảng 1 triệu người phục vụ công nghiệp đánh bắt ngư sản.
Sự hiện diện của lực lượng này với những chức năng bán quân sự, như ngăn chận và xử lý các vụ vi phạm luật Việt Nam trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, gây một số quan ngại trong bối cảnh Việt Nam và nhiều nước khác đang có những tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc và một số nước khác về những vùng biển trong Biển Đông.
Trong mấy tháng gần đây, Trung Quốc là nước tuyên bố có chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, đã tìm cách khẳng định quyền kiểm soát của họ trên các vùng giàu tài nguyên khoáng sản, một phần bằng cách thực thi các luật lệ về đánh bắt cá.
Hồi tháng Giêng, Trung Quốc đã thi hành quy định mới, đòi hỏi ngư dân các nước khác phải được sự chấp thuận của Bắc Kinh trước khi được hoạt động trong các vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền, kể cả các vùng biển gần Hoàng Sa.
Theo VOA Tiếng Việt