![]() |
Một cô gái thiếu “chuẩn” rất tự tin điều khiển xe gắn máy 100cc trên đường phố TP.HCM – Hình Người Lao Động |
Chuyện dài về luật lệ và tiêu chuẩn lái xe do Bộ Y tế nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành đã làm nhiều người trong nước bất bình và lên tiếng, gọi các quan y tế bằng những cụm từ như: ngớ ngẩn, kỳ thị, làm chuyện lạ lùng… Nhưng bộ cho rằng, nếu trường hợp quy luật mới không khả thi, thì “Bộ Y tế sẽ sửa đổi cho phù hợp”. Chuyện như đùa!
Cũng giống như trước đây Bộ Công An ra lệnh hạn chế mỗi người dân không được sở hữu quá 1 chiếc xe, nhưng nay quy định này cũng đã bị bãi bỏ vì không hợp lý.
Bộ Y tế vẫn còn ở “đỉnh cao trí tuệ” của loài người khi ra những quy luật về lái xe mà chưa có quốc gia nào trên thế giới nghĩ ra, với 83 tiêu chí mà nếu đem ra áp dụng thì có lẽ sẽ có vài chục triệu người dân không được lái xe.
Và nếu các quan chức duy trì đảng tính tham nhũng hối lộ (là chuyện bình thường ở Việt Nam hiện nay), thì có lẽ sẽ chẳng có ai được lái xe ngoài các quan, bởi phải qua nhiều cửa ải với nhiều loại giấy chứng nhận.
Ngoài chiều cao và thể trọng mà báo chí trong những ngày qua đã loan tin, nay có tin trong số 83 “ải” tiêu chuẩn, ngực lép cũng không được lái xe nốt.
Để độc giả đọc mà khiếp cho cái đầu óc bày trò của Bộ Y tế nhà nước nhà ta, xin trích đăng nguyên văn bản tin của báo Người Lao Động ra ngày hôm nay:
Muốn lái xe, phải qua 83 “ải” tiêu chuẩn!
Bảng tiêu chuẩn của Bộ Y tế (được ban hành kèm theo quyết định số 33 ngày 30-9-2008) quy định hết sức chi tiết các tiêu chí về thể lực, chức năng sinh lý, bệnh lý mà khi có một trong các tiêu chí này người dân sẽ bị coi là “không đủ điều kiện về sức khỏe để điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”.
Riêng phần thể lực, tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho rằng những người thấp bé, nhẹ cân (chưa cao đủ 1,45m, nặng chưa tới 40kg) hoặc ngực lép (vòng ngực trung bình dưới 72cm) không đủ điều kiện lái xe gắn máy từ 50-175cm3.
Tiêu chuẩn này còn quy định cả lực bóp tay thuận/không thuận, lực kéo thân của một người phải đạt một khối lượng nhất định mới được phép lái xe.
Ngoài sáu tiêu chí về thể lực, Bộ Y tế còn liệt kê thêm 77 tiêu chí khác về các chức năng sinh lý, bệnh tật rất chi li mà người nào có một trong các tiêu chí đó không được phép lái xe.
Điều đáng ngạc nhiên là trong số các tiêu chí về bệnh tật được liệt kê, có nhiều loại bệnh liên quan hệ tiêu hóa rất khó chẩn đoán, phát hiện như viêm loét thực quản, hẹp thực quản, loét dạ dày, sa trực tràng, trĩ, viêm gan mãn tính, to gan, teo gan… người có bệnh cũng không được lái xe.
Người có thị lực nhìn xa từng mắt (không/có điều chỉnh bằng kính) dưới 6/10 cũng bị coi là không đủ điều kiện lái xe hai bánh. Trong thực tế nhiều người do tật bẩm sinh hoặc tai nạn bị cụt mất một hoặc vài ngón tay vẫn có thể sinh hoạt, cầm nắm bình thường nhưng theo tiêu chuẩn nói trên, người bị cụt hai ngón tay (ở bất kỳ tay phải hoặc trái) đều không được lái bất cứ loại xe nào, dù là xe gắn máy.
Người cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân cũng không được phép điều khiển bất cứ phương tiện giao thông nào. Người có chiều dài hai chân hoặc hai tay không bằng nhau: chênh nhau 2,5cm không được lái ôtô, xe ba bánh…, nếu chênh nhau 5cm không được phép đi xe gắn máy.
Bên cạnh việc liệt kê hàng loạt các tiêu chí trên, Bộ Y tế cũng ban hành kèm theo biểu mẫu giấy chứng nhận sức khỏe đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông với nội dung khám rất phức tạp.
Người khám sức khỏe sẽ phải trả lời về tiền sử bệnh tật của người thân (có mắc bệnh hen, lao, động kinh, tim mạch… hay không) và của bản thân mình (đánh dấu vào ô tương ứng với 32 loại bệnh tật), nếu có mắc bệnh nào phải mô tả thật chi tiết.
Về phần khám sức khỏe của bác sĩ, ngoài việc kiểm tra cân nặng, chiều cao, lực kéo thân, lực bóp tay, biểu mẫu này còn liệt kê 15 loại chuyên khoa cần khám tiếp như: hô hấp, tiêu hóa, da liễu, tai mũi họng, răng hàm mặt và cả… sản phụ khoa!
Ngoài ra, biểu mẫu khám sức khỏe cũng yêu cầu người điều khiển phương tiện giao thông phải làm các xét nghiệm cận lâm sàng: xét nghiệm máu (tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, glucose), nước tiểu, X-quang tim phổi, điện tâm đồ…