Xử là xử cho có lệ, làm ra vẻ nhà nước CSVN cũng có pháp luật nhưng án đã có sẵn đối với những người bất đồng chính kiến. Mấy ngày trước, tòa án CSVN trong phiên xử các nhà bất đồng chính kiến Lê Văn Dũng, Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm, đã y án.
Mặc dù quốc tế kêu gọi Hà Nội trả tự do cho Phạm Đoan Trang, nhưng hầu y các quan tòa cộng sản sẽ gật đầu theo lệnh của lãnh đạo đảng cộng sản: y án 9 năm tù giam.
Sau đây là bản tin của đài RFA trong “phiên tòa” ngày hôm nay, 25/8:
Xử phúc thẩm bà Phạm Đoan Trang: Người nhà và các viên chức ngoại giao không được vào tòa
Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sáng 25/8 đang mở phiên tòa phúc thẩm công khai đối với nhà báo Phạm Đoan Trang, tuy nhiên, gia đình và đại diện ngoại giao đoàn của một số quốc gia dân chủ không được nhà chức trách Việt Nam cho phép vào dự phiên toà.
Bà Trang, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng và là nhà báo bất đồng chính kiến với nhiều giải thưởng danh giá từ nhiều tổ chức quốc tế và hai Chính phủ Hoa Kỳ và Canada, bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án chín năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự cũ trong phiên toà sơ thẩm tháng 12 năm 2021.
Vợ của tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương, bà Đỗ Thị Thu có mặt ở gần khu vực xử án trong đầu giờ sáng nay cho biết, các viên chức ngoại giao của Phái đoàn Ngoại giao Liên minh Châu Âu (EU) và Đại Sứ quán các nước Hoa Kỳ, Đức, Thuỵ Sĩ cùng với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Séc tại Việt Nam Lukas Musil bị từ chối cho vào dự khán.
Mặc dù, theo bà Thu họ đều làm đơn đề nghị được tham dự phiên tòa với Bộ Ngoại giao Việt Nam từ trước. Bà Thu cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do biết như sau:
“Ngày hôm nay có mẹ và anh trai của chị Phạm Đoan Trang và (đại diện- PV) đại sứ quán các nước Mỹ, Đức, Séc, Thuỵ Sỹ, EU đã đến để tham dự phiên toà nhưng không được vào trong phòng xử án… phía toà án nói họ không có thẩm quyền cho đại diện ngoại giao nước ngoài vào mà phải là bên ngoại giao.”
Bà Thu chia sẻ thêm công tác an ninh gần khu vực xử án không nghiêm ngặt như trong các phiên tòa chính trị khác. Các con đường gần toà án không bị chặn và nhiều người có thể đi lại gần khu vực trụ sở của Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội ở quận Cầu Giấy.
Trên trang Facebook cá nhân của luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong bốn luật sư của bà Trang trong phiên phúc thẩm, cho biết ông gặp bà Trang trong trại tạm giam hôm 24/8 để chuẩn bị cho phiên toà phúc thẩm.
Theo ông, dù sức khoẻ không được ổn lắm nhưng tinh thần bà rất tốt và bà khẳng định sự vô tội của mình. Thông qua luật sư Tuấn, bà Trang nhắn gia đình không cần cố gắng bằng mọi giá để được vào dự phiên toà nếu không nhận được giấy triệu tập của toà án.
Nhà báo Phạm Đoan Trang nhắn riêng với ban lãnh đạo Việt Nam, trong đó có Thủ Phạm Minh Chính, rằng chế độ không nên bắt bớ và giam cầm người cầm bút.
Bà nhấn mạnh “bạn đọc là người duy nhất được quyền phán xét người viết, không phải toà án, càng không phải là công an hay kiểm sát.”
Bà Trang từng làm việc ở một số tờ báo nhà nước, là tác giả của nhiều cuốn sách như Chính trị Bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực và một số báo cáo nhân quyền song ngữ, trong đó có Báo cáo Đồng Tâm.
Bà cũng là một trong những nhà sáng lập của các tờ báo độc lập như Luật Khoa tạp chí hay The Vietnamese, một tạp chí nhân quyền viết bằng tiếng Anh.
(Theo RFA)
Tin cập nhật:
Tòa Việt Nam y án nhà báo Phạm Đoan Trang 9 năm tù
Tại phiên phúc thẩm hôm 25/8, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án 9 năm tù đối với nhà báo Phạm Thị Đoan Trang với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999.
Ông Ngô Anh Tuấn, một trong bốn luật sư bào chữa của bà Trang, cho VOA biết rằng Hội đồng xét xử cắt ngang lời phát biểu sau cùng của bà Trang, đồng thời nói thêm rằng thân nhân và đại diện các cơ quan ngoại giao các nước phương Tây không được phép vào dự phiên tòa.
Phiên tòa kéo dài 3 giờ, khai mạc lúc 9 giờ sáng và kết thúc vào lúc 12 giờ 05 phút.
Phạm Đoan Trang tại phiên phúc thẩm ở Hà Nội ngày 25/8/2022. Photo TTXVN via VietnamPlus.
Luật sư Ngô Anh Tuấn nói với VOA về việc tranh tụng tại tòa:
“Quyền trình bày của các luật sư được đảm bảo. Bà Trang hôm nay không trình bày nhiều vì bà Trang mệt và có vấn đề về tinh thần. Bà nói rằng bà đã chán nản rồi và không muốn tranh luận nhiều.
“Viện Kiểm sát đối đáp một cách chung chung, không đi vào trọng tâm, nên các luật sư không có nhiều nội dung để đối đáp. Quan điểm của hai bên không có điểm chung nào gặp nhau”.
Luật sư cho biết Hội đồng xét xử cắt lời phát biểu sau cùng của bà Trang khi bà nêu lên sự bức xúc và bác bỏ cáo buộc.
“Bà nói một ít câu có phần hơi bức xúc, Hội đồng xét xử cắt ngang và đi vào phòng nghị án luôn. Vì vậy lời nói sau cùng của bà Trang bị ngắt quảng và không diễn ra một cách trọn vẹn.”
Hôm 25/8, Thông tấn Xã Việt Nam (TTXVN) dẫn lời Hội đồng xét xử cho rằng việc y án 9 năm tù với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang về tội tuyên truyền chống Nhà nước là “đúng người, đúng tội, không oan, hình phạt phù hợp hành vi phạm tội”.
“Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang tiếp tục cho rằng mình không phạm tội và kêu oan”, truyền thông nhà nước tường thuật.
Trang VietNamPlus loan tin: “Hội đồng xét xử xác định hành vi của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một người bào chữa khác của bà Trang, viết trên Facebook sau phiên phúc thẩm:
“Dù không ngạc nhiên về kết quả ấy, nhưng cảm giác ngậm ngùi vẫn đè nặng tâm trí các luật sư tham gia phiên tòa sau lời tuyên án”.
(Nguồn: VOA)