Quan hệ Việt Mỹ “nhảy lớp”: Từ toàn diện lên chiến lược toàn diện?

18 Tháng 8, 2023 | Tin Việt Nam
Liệu đã đến lúc VN-Mỹ nâng quan hệ đối tác lên ngang hàng  với Nga, Tàu, Ấn, Hàn? Hình minh họa. Photo courtesy: Reuters

Trong chương trình Thời Sự Trong Tuần của TVTSONLINE hôm 16.8.2023, Luật sư Nguyễn Tân Hải nhận định quan hệ hợp tác Mỹ-Việt có thể tiến lên tầm xa hơn, nói nôm na là “nhảy lớp”, một đặc cách có thể xảy ra. Có nghĩa thay vì từ “toàn diện” lên “chiến lược”, quan hệ này sẽ “nhảy lớp” 2 bậc lên thẳng “chiến lược toàn diện” như Việt Nam với Trung Cộng, Nga, Ấn và Đại Hàn (video ở phút 08’33”).

 

Liệu có điều này xảy ra không? Sau đây là bình luận từ BBC:

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát tín hiệu sẽ ‘sớm’ thăm Việt Nam để hai nước nâng cấp quan hệ. Nhưng câu hỏi đặt ra là quan hệ giữa hai nước cựu thù này liệu có đột phá lên mức cao nhất, ngang tầm với Trung Quốc và Nga.

Từ Hà Nội, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bình luận với BBC ngày 17/8 cho hay đôi bên đang thu xếp chuyến thăm của ông Biden đến Hà Nội. Thời gian của chuyến thăm quan trọng này có thể xảy ra trong nửa đầu tháng 9.

Sau chiến tranh, Mỹ và Việt Nam đã trải qua những hành trình đầy trắc trở trước khi tiến đến bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Năm 2023 này đánh dấu kỷ niệm 10 năm mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước cựu thù Việt-Mỹ,

Việt-Mỹ sẽ nâng cấp quan hệ tới đâu?

Ngày 17/8, người phát ngôn thông tin thêm hai nước đang trao đổi các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước theo hướng ổn định, thực chất, lâu dài, hướng tới tầm quan hệ mới khi điều kiện phù hợp

Hôm hôm 3/8, Tổng thống Biden nói tại một buổi gây quỹ ở Maine rằng ông đã nhận được một cuộc gọi từ “người đứng đầu Việt Nam”, người “rất muốn gặp tôi khi tôi tới G20” vì Hà Nội muốn nâng cao mối quan hệ với Washington và trở thành một đối tác quan trọng. Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức ở New Delhi, Ấn Độ vào hai ngày 9-10/9.

“Ông ấy muốn nâng tầm để Mỹ thành đối tác lớn, cùng với Nga và Trung Quốc,” ông Biden vào ngày 28/7 trong phát biểu mà các nhà phân tích cho là đang ám chỉ vị Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hiện nay Mỹ nằm trong số 13 quốc gia là đối tác toàn diện của Việt Nam, thấp hơn hai bậc so với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc – những quốc gia thuộc nhóm đối tác chiến lược toàn diện của Hà Nội.

Điều này nghĩa là nếu Việt Nam nâng tầm Mỹ thành đối tác lớn, cùng Nga và Trung Quốc mở ra đồn đoán – đó là Việt Nam và Mỹ không chỉ nâng một nấc trong quan hệ ngoại giao mà là hai nấc – từ đối tác toàn diện (cấp bậc thấp nhất) lên đối tác chiến lược toàn diện (cấp bậc cao nhất ), bỏ qua bước đối tác chiến lược.

Một số nhà quan sát nhận định, một Việt Nam vốn kiêng dè Trung Quốc đã phải lèo lái khéo léo mối quan hệ gắn kết với phương Tây – nhất là Mỹ trong khi vẫn giữ mối dây ý thức hệ với Bắc Kinh, đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.

Nhiều tháng trở lại đây, Trung Quốc đã tăng cường cho nhiều loại tàu hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây căng thẳng trên Biển Đông. Hồi 10/5, tàu nghiên cứu Trung Quốc, hai tàu tuần duyên và 11 tàu đánh cá đã vào lô 04-03 đang khai thác dầu của Vietsovpetro. Đây được coi là bước leo thang đáng lo ngại khi tàu hải cảnh Trung Quốc đến gần khu vực khai thác khí đốt do Zarubezhneft điều hành ở gần bãi Tư Chính như thế.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói rằng, nếu quan hệ đối tác hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ được nâng lên thành chiến lược toàn diện thì rất tốt. Nhưng nếu chỉ tới mức đối tác chiến lược thì cũng “hoàn toàn tốt” vì nó sẽ giúp nhằm thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, chuyển giao công nghệ, giáo dục đại học, xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa chung.

Đặc biệt, sự “xích lại gần nhau hơn” giữa Hà Nội và Washington cũng đóng góp cho việc xử lý các vấn đề an ninh và hòa bình trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Biển Đông là một vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á, cũng là vấn đề an ninh Châu Á – Thái Binh Dương.

(Nguồn: Trích phần đầu bản tin của BBC)