Tập, Tiền đầu tư, Tình đồng chí và Toàn là khẩu hiệu: Chuyến thăm VN lần thứ ba của Chủ tịch Trung Quốc

12 Tháng 12, 2023 | Tin Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân chụp ảnh chung với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại Phủ Chủ tịch chiều 12/12. Ảnh:TTXVN

HÀ NỘI – Trước ngày Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện thăm Việt Nam (12-13/12), truyền thông nước chủ nhà đồng loạt đăng các bài ca ngợi sự kiện này, chuẩn bị dư luận cho quyết định “nâng cấp quan hệ” lên trên mức hiện có. Tuy thế, truyền thông nước ngoài cho rằng Việt Nam đã cố gắng “đón tiếp với nhiều nghi lễ cao nhất” khi bị Trung Quốc bắt phải chấp nhận khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh”.

Trang VOV trích lời một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam nói hai bên sẽ “nâng cấp định vị mới cho quan hệ song phương”.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nói rằng trong chuyến thăm của Tập Cận Bình sẽ [có] kỳ vọng về một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương Việt Nam – Trung Quốc.

Tiếng Hán cũng xâm nhập văn bản tiếng Việt với khái niệm ‘định vị’ mới vốn chưa thấy được dùng phổ biến cho tới nay.

Phong cách Trung Hoa điểm ra các con số khi nói về chính sách đang được đồng loạt đăng tải trên truyền thông nhà nước Việt Nam. Ví dụ VOV dùng cụm từ “ba kỳ vọng”, còn Thanh Niên trích Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nói về “bốn mới” trong quan hệ mà ông cho là “hết sức đặc biệt và có thể nói là hiếm thấy trên thế giới”.

Theo đại sứ Trung Quốc, bốn điều mới là “định vị mới, phương hướng mới, triển vọng mới và động lực mới”.

Ông Hùng Ba còn nói tới quan hệ “nhớ nhau” của hai vị lãnh đạo hai đảng cộng sản, TBT Tập Cận Bình và TBT Nguyễn Phú Trọng:

“Đây là sự kiện mà hai tổng bí thư đều rất mong chờ, vì hai người đều rất nhớ nhau và mong được gặp nhau”, ông Hùng Ba nói, tuy không nêu chi tiết hai nhà lãnh đạo “nhớ nhau” thế nào.

Nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng “tình hữu nghị giữa hai nhà lãnh đạo cũng là tài sản chung quý báu của hai nước. Do đó hai bên đều rất mong chờ chuyến thăm lần này,” theo trích dẫn của tờ Thanh Niên ngày 11/12.

Trang báo mạng Tiền Phong phục vụ bạn đọc bằng bài và chùm ảnh ghi lại những thời điểm quan trọng trong hai chuyến thăm trước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội, năm 2015 và 2017.

“Đây sẽ là lần thứ ba tôi đặt chân đến đất nước Việt Nam tươi đẹp kể từ khi đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, cảm thấy vô cùng thân thiết, giống như đến thăm họ hàng, láng giềng”, Tập Cận Bình viết trong bài đăng trên báo Nhân dân hôm nay, trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước diễn ra ngày 12-13/12.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc và Việt Nam núi sông liền một dải, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, chia sẻ tương lai chung. Năm nay kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện Trung – Việt.

“Chúng ta kiên trì tin cậy lẫn nhau. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thường xuyên thăm lẫn nhau như họ hàng thân thiết. Năm nay, tôi và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi mật thiết, cùng định hướng tổng thể cho phát triển quan hệ Trung – Việt thời đại mới từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài, thúc đẩy quan hệ Trung – Việt xác lập định vị mới, bước vào giai đoạn mới”, Chủ tịch Trung Quốc viết.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình

Tập Cận Bình đến sân bay Nội Bài sau 12 giờ trưa. Thủ tướng Phạm Minh Chính ra đón Tập tại sân bay. Đoàn xe sau đó chạy tới Phủ Chủ tịch. Báo VnExpress đưa tin:

ổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại Phủ Chủ tịch theo những nghi thức trang trọng nhất.

Lễ đón cấp Nhà nước Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch hôm nay với các nghi thức trang trọng nhất, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.

Sau khi xe Hồng Kỳ cùng đoàn hộ tống đến Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân bắt tay, trò chuyện với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân.

Hai lãnh đạo cùng giới thiệu quan chức trong đoàn, trước khi bước lên bục làm lễ chào cờ. 21 phát đại bác chào mừng vang lên tại Hoàng thành Thăng Long khi đội quân nhạc cử quốc thiều hai nước. Đây là nghi thức chào đón nguyên thủ quốc gia trang trọng nhất.

Kết thúc lễ chào cờ, đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam đồng thanh hô to “Chúc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khỏe!”, trước khi diễu duyệt đội hình qua lễ đài.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình sau đó cùng hai phu nhân chụp ảnh chung tại bậc thềm Phủ Chủ tịch. Sau lễ đón, hai lãnh đạo di chuyển đến trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng để bắt đầu hội đàm, dự kiến trao đổi các định hướng chiến lược cho quan hệ song phương.

Hai bên dự kiến ký hàng chục văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực như hợp tác kênh Đảng, an ninh quốc phòng, hợp tác giữa cơ quan và địa phương liên quan, tư pháp, truyền thông, kết nối chiến lược phát triển, kinh tế thương mại, đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi và hợp tác trên biển.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho hay các văn kiện dự kiến được ký sẽ tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ông cũng kỳ vọng quan hệ Việt – Trung sẽ đạt “tầm mức mới”, với nhiều kết quả thực chất từ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam lần này có ông Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương; ông Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ðối ngoại Trung ương, Ngoại trưởng, cùng các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục, còn Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 175,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, còn nhập khẩu 117,87 tỷ USD.

Lũy kế đến 20/10, Trung Quốc giữ vị trí thứ 6 trong 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 4.105 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 26,5 tỷ USD.

“Trung Quốc và Việt Nam là nền kinh tế mới nổi và quốc gia đang phát triển nổi bật. Hai nước chúng ta đoàn kết và hợp tác có thể tạo thêm tính ổn định cho sự phát triển của khu vực và thế giới, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới”, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhấn mạnh.