Thiên tài hay thiên tai? Bộ trưởng đề xuất dẫn nước vào trường học, sân vận động… để chống ngập

10 Tháng 6, 2022 | Tin Việt Nam
Hà Nội “hóa thành sông” sau cơn mưa chiều 29/5,  Bộ trưởng Trần Hồng Hà (hình nhỏ) cho biết trong tình trạng thời tiết cực đoan, phải tính tới phương án xây dựng hệ thống trữ nước. Hình: phunuonline.com.vn

Năm 2019, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Phan Thị Hồng Xuân, đại biểu Hội Đồng Nhân Dân ở Sài Gòn, cũng từng hiến kế khi trời mưa, mỗi nhà hứng một lu nước sẽ góp phần làm giảm ngập cho thành phố.

Năm 2022, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà, cho rằng trước “diễn biến thời tiết bất thường” gây ra mưa lớn ở Việt Nam như những ngày qua, Hà Nội nên “thiết kế đô thị thông minh” biến sân vận động, cánh đồng thành bể chứa chống ngập.

Việt Nam xã hội chủ nghĩa có như đầu óc siêu việt như bà đại biểu và ông bộ trưởng, làm thế giới phải thán phục? Kèm với biếm họa về lụt tuần này trên tvtsonline, mời bạn đọc xem bản tin sau đây của báo chí trong nước- Phụ Nữ Online.

Trong những ngày qua, tình trạng ngập lụt liên tục diễn ra tại Hà Nội. Cơn mưa lớn chiều 29/5 đã khiến hầu hết các con đường trong nội đô trở thành “sông”.

Trao đổi bên lề hành lang Quốc hội ngày 30/5, về việc Hà Nội có nên lập dự án chống ngập như TPHCM, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà chia sẻ: Hà Nội cần có một dự án tổng thể, trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu về các hiện tượng cực đoan của thời tiết với lượng mưa như thế này.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần nghiên cứu một cách kỹ càng, cách tiếp cận khi thiết kế đô thị là hướng tới đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan. Còn bài toán mang tính ứng phó, tức khi đã ngập rồi thì phải sử dụng các máy bơm để thoát nước, theo ông, chỉ là phương án trù bị.

“Khi xây dựng đô thị, phải tính toán hệ thống tiêu thoát nước, đảm đương được huyết mạch của đô thị, để trở thành đô thị có khả năng chống chịu một cách thông minh, đảm bảo được tính bền vững khi thời tiết cực đoan”, Bộ trưởng nói.

Trong trường hợp thời tiết cực đoan hơn nữa thì phải có phương án xây dựng hệ thống để trữ nước. “Như Nhật Bản có khu vực ngầm được bố trí, gọi là hầm chứa lớn ở dưới, vừa giữ lượng nước, vừa dự trữ nước để khi hạn hán thì sử dụng tưới cây. Hoặc tại các trường học, sân vận động, cánh đồng, nếu có thể điều chỉnh van trong hệ thống để dẫn nước vào những nơi này, trở thành nơi chứa nước tạm thời để tránh ngập cho những nơi xung yếu”, ông dẫn chứng.

Ông cũng đề xuất, dưới đường giao thông cần xây dựng hệ thống các tầng chứa nước, thùng rất lớn để chứa nước. “Đó là giải pháp mà các nước làm, tất nhiên là đắt đỏ, nhưng quan trọng là tầm nhìn, thiết kế và đầu tư hạ tầng phải đồng bộ”, Bộ trưởng nói.

Từ bài học chống ngập của TPHCM, Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng khẳng định, phải nhìn cả những cái thành công và chưa thành công, chứ không nên chỉ bắt chước theo một nơi nào.

Liên quan tới ý kiến cho rằng, hệ thống nhà cao tầng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng “hóa thành sông” ở Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, chưa chắc đã có mối liên hệ với nhau, dù có ảnh hưởng. Theo đó, hạ tầng tiêu thoát nước phải tính toán trữ được cả lượng nước con người sử dụng, cũng như lượng nước mưa trong thời tiết cực đoan; tính toán đồng bộ cơ sở hạ tầng, số lượng người dân, nước thải cộng với nước mưa.