Người la nói ông Hồ Chí Minh, người sáng lập đảng CSVN là người có quyền nhất. Người ta nói ông Lê Duẩn mới thật là người có quyền vì HCM chỉ là “bù nhìn”. Rồi người ta nói Nguyễn Phú Trọng là người có quyền nhất sau HCM và Lê Duẩn.
Nhưng từ ngày 3/8/2024 Tô Lâm đã đi đúng “quy trình” vì sau khi “cơ cấu” và nắm được chức Chủ Tịch Nước gần 3 tháng, ông ta đã được toàn thể (100%) Trung ương Đảng “suy tôn” lên ngôi Tổng Bí thư như báo chí đảng đưa tin, thì trong lịch sử đảng CSVN, Tô Lâm mới là người có uy quyền nhất.
Không tin? Thời gian sẽ trả lời!
Mời bạn đọc xem bài bình luận “Giới tinh hoa chính trị VN không dừng tranh giành trong dịp đám tang ông Trọng. Chủ tịch nước Tô Lâm sử dụng quyền điều tra của Bộ Công an để kiểm soát bất kỳ đối thủ tham vọng nào” của Zachary Abuza, giáo sư Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washingtonvà là trợ giảng tại Đại học Georgetown.
Bài trích từ RFA và được rút ngắn lại.
***
…Ông Lương Tam Quang đã trở thành người kế vị chức Bộ trưởng Công an của ông Lâm. Không chỉ là người cùng quê Hưng Yên, ông Quang còn có quan hệ gắn bó với ông Lâm thông qua gia đình: Bố ông Quang là cận vệ riêng của bố ông Lâm ở miền Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.
Vị thứ trưởng thứ hai, ông Nguyễn Duy Ngọc, người cũng từ tỉnh Hưng Yên, giờ đây đã trở thành Chánh văn phòng Trung ương Đảng – một vị trí then chốt trong việc tổ chức các cuộc gặp và xây dựng chương trình nghị sự. Ông này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 14 tới.
Ông Lê Minh Hưng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9 khi ông được bầu vào Bộ Chính trị. Vị trí này dường như đặt ông vào vị trí phụ trách tất cả các vấn đề nhân sự của Đảng trước thềm Đại hội Đảng 14 diễn ra vào tháng 1/2026.
Mặc dù có nền tảng về kinh tế nhưng ông Hưng lại gắn bó với ông Lâm theo một cách đặc biệt. Bố của ông Hưng, ông Lê Minh Hương là cựu Bộ trưởng Bộ Công an và là người dẫn dắt sự nghiệp của ông Lâm.
Ngày 3/8, Ban Chấp hành Trung Ương đã nhất trí bầu Chủ tịch Tô Lâm làm quyền Tổng Bí thư.
Mặc dù có những đồn đoán rằng Đại tướng Lương Cường sẽ đảm nhận chức Chủ tịch nước và điều này đưa Việt Nam trở lại hình thái lãnh đạo tập thể, nhưng thực tế ông Lâm sẽ vẫn đồng thời giữ chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước.
Chiến dịch “Đốt lò” chống tham nhũng của ông Trọng vẫn đang tiếp diễn và vì cùng một lý do: củng cố quyền lực chính trị.
“Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh” – ông Lâm nói tại một cuộc họp báo sau cuộc họp của Ban Chấp hành Trung Ương.
Chiến dịch này sẽ được thực hiện “không ngừng, không nghỉ, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” – ông nói.
Và với một chút đe doạ, ông Lâm tiếp tục: “Cá nhân tôi cảm thấy may mắn vì có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng trong thời gian làm việc tại Bộ Công an” .
Ngay lập tức, ông Lâm đã bắt tay vào công việc. Ngay trong phiên họp buổi chiều của Ban Chấp hành Trung Ương, bốn thành viên của Ban này – những người bị điều tra trước đó – đã được cho từ chức vì vi phạm kỷ luật của Đảng.
Sự ra đi của hai trong số bốn người này cần được xem là một cách để củng cố hơn nữa quyền lực của ông Lâm.
Mặc dù nhiều người vẫn xem Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trở lực hiệu quả đối với những tham vọng của ông Lâm, ông Chính thực ra lại là người rất dễ bị tổn thương.
Một trong ba Phó thủ tướng của ông Chính, ông Lê Minh Khái, đã bị buộc rời khỏi Ban Chấp hành Trung Ương, trong khi Phó thủ tướng thứ hai, ông Trần Hồng Hà, hiện vẫn đang bị điều tra.
Vụ xử hình sự tội tham nhũng thứ ba đối với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế – được biết đến với tên AIC – vẫn đang diễn ra tại Việt Nam. Chủ tịch AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, đã bị kết án vắng mặt 3 lần với các án tù lần lượt là 30 năm, 10 năm và 24 năm tù giam. Bà có quan hệ với ông Chính cả về mặt công viện lẫn cá nhân.
Và có lẽ quan trọng hơn, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, người đã bị điều tra trước đó, cũng đã bị loại ra khỏi Ban Chấp hành Trung Ương.
Mặc dù không nhất thiết có liên hệ trực tiếp nhưng Thủ tướng Chính đã là Bí thư Quảng Ninh trong giai đoạn 2011-2015. Người ta lo sợ việc Bộ Công an đào bới đống sổ sách giấy tờ của tỉnh có thể khiến ông sự nghiệp của Chính phải dừng lại.
Ông Lâm đã giao vị trí giám đốc công an Quảng Ninh cho một đồng minh của mình, Thiếu tướng Đinh Văn Nơi vào tháng 8/2022 với một nhiệm vụ ngầm là tìm kiếm những vi phạm, khuyết điểm của ông Chính.
Điều khá hiếm hoi là một người có vị cấp cao như vậy lại được giao làm Giám đốc công an tỉnh.
Có các tin tức cho hay ông Nơi đang được khen thưởng vì những thành tích đã đạt được bằng việc đề bạt và đưa ông này về Hà Nội giữ cương vị Cục trưởng Cục An ninh Chính trị Nội bộ của Bộ Công an. Đây là văn phòng này phụ trách về sự an nguyên của chế độ và chỉ dành cho những người đáng tin cậy nhất của Đảng…
…Dù thế nào chăng nữa, vừa là Chủ tịch nước đồng thời là quyền Tổng bí thư, ông Lâm hiện đang ở một vị thế quyền lực tuyệt vời để đi tới Đại hội Đảng lần thứ 14. Ông có đồng minh chủ chốt ở Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Tổ chức Trung ương – những người sẽ giúp ông gây ảnh hưởng đối với việc lựa chọn hàng ngũ lãnh đạo trong 18 tháng tới. Và ông Lâm sẽ tiếp tục sử dụng các quyền điều tra của Bộ Công an để giám sát và cản trở bất kỳ đối thủ tham vọng nào.
(Tít bài ở trên do TiVi Tuần-san đặt)