Tuần tới sẽ xét xử vụ án Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên

07 Tháng Tư, 2021 | Tin Việt Nam
Dây chuyền đúc gang ở Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Photo courtesy: TISCO

Toà án Nhân dân (TAND) Thành phố Hà Nội sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm 19 bị can trong vụ án gây thiệt hại 830 tỷ đồng tại dự án Gang thép Thái Nguyên vào ngày 12/4/2021. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 7/4.

Trong số 19 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) có ông Trần Trọng Mừng – cựu Tổng giám đốc TISCO, và ông Mai Văn Tinh – cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS). Những người này sẽ bị đưa ra xét  xử với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đây là một trong năm vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm trong năm 2021. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật (từ ngày 12 đến 22/4).

Theo cáo trạng, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam là cấp quyết định đầu tư. Dự án với tổng mức đầu tư là hơn 3.800 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tháng 7/2007, cựu Tổng giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng ký hợp đồng với Tập đoàn MCC của Trung Quốc thực hiện dự án này với giá trị hợp đồng là 160 triệu USD (khoảng hơn 3.680 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau hơn 11 tháng khởi công xây dựng, tập đoàn MCC vẫn chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục; chưa triển khai thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu.

Dù dự án không tiến triển, tập đoàn MCC vẫn gửi nhiều văn bản đề nghị TISCO kéo dài thời gian thực hiện dự án, đồng thời yêu cầu đưa tổng chi phí cho hợp đồng “đội” lên thêm 138 triệu USD.

Theo cáo trạng, trước sự chậm trễ của tập đoàn MCC Trung Quốc, các bị can Trần Trọng Mừng, Mai Văn Tinh đã không xem xét, chỉ đạo dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, tổ chức đấu thầu lại… mà chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm hợp đồng. Các bị can còn chỉ đạo cấp dưới yêu cầu các cá nhân có liên quan thuộc công ty TISCO và Tổng công ty Thép Việt Nam, tổ chức, thực hiện việc điều chỉnh dự toán chi phí. Hậu quả khiến dự án bị chậm tiến độ, phát sinh lãi vay, tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát của Nhà nước 830 tỷ đồng.

Cùng với dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên cũng được xem là một bài học điển hình về việc Việt Nam chọn nhà thầu Trung Quốc theo tiêu chí rẻ nhưng sau đó công trình bị dây dưa kéo dài, đội vốn, không đảm bảo chất lượng và kém hiệu quả.