Việt Nam đề nghị Mỹ tăng cường hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh

08 Tháng Tư, 2021 | Tin Việt Nam
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến thăm khu căn cứ không quân Biên Hòa tháng 10/2018 trước khi dự án xử lý ô nhiễm dioxin sân bay Biên Hòa khởi động Photo courtesy: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam

Việt Nam coi hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là ưu tiên hợp tác với Hoa Kỳ trong thời gian tới đồng thời đề nghị Hoa Kỳ tăng cường nguồn lực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 8/4.

Theo đó, trong cuộc tiếp ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đến chào từ biệt trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã đánh giá cao những nỗ lực hợp tác của Hoa Kỳ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, khẳng định Việt Nam coi hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là nội dung ưu tiên với Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Ông Vịnh mong muốn các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các dự án hợp tác đang triển khai, cũng như chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền tới nhân dân hai nước và thế giới về những nỗ lực, kết quả mà hai bên đã đạt được trong thời gian qua.

Đại sứ Kritenbrink cũng bày tỏ sự hài lòng trước những kết quả mà hai bên đã đạt được trong lĩnh vực này và cho rằng sự hợp tác này là phù hợp với cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, góp phần tăng cường lòng tin chính trị giữa hai nước. Ông đồng thời ghi nhận những ý kiến của phía Việt Nam và coi đây là cơ sở báo cáo Quốc hội Hoa Kỳ khi trở về nước.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua một chặng đường dài trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh với nhiều hoạt động trên 2 lĩnh vực hợp tác chính là tìm kiếm quân nhân mất tích (MIA) và khắc phục hậu quả bom mìn, hợp tác tẩy độc dioxin.

Kể từ năm 1988, hai bên đã tổ chức thành công hơn 130 đợt hoạt động chung, hồi hương gần 1.000 bộ hài cốt liên quan đến MIA, qua đó phía Hoa Kỳ đã nhận dạng được khoảng 730 trường hợp. Hoa Kỳ cũng thực hiện ngày càng nhiều hoạt động hỗ trợ giải quyết hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam, trong đó tiêu biểu là dự án xử lý ô nhiễm dioxin sân bay Biên Hòa kéo dài 10 năm với tổng kinh phí hơn 390 triệu USD. Giai đoạn 1 của dự án đã được khởi động từ năm 2019 với kinh phí 180 triệu USD từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ và vốn đối ứng từ ngân sách sự nghiệp môi trường Việt Nam.