Một loạt các ca sỹ, diễn viên nổi tiếng phải lên tiếng xin lỗi khi bị dư luận viên tấn công vì đã từng biểu diễn ở hải ngoại trong các sự kiện có cờ Việt Nam Cộng Hòa.
Myra Trần, hồi cuối tháng 7, bị Đài truyền hình TPHCM (HTV) cắt sóng trong chương trình “Anh trai say hi” và thay thế bằng một ca sỹ trẻ khác. Nguyên do là vì nữ ca sỹ đã hát tại đám tang của ông Lý Tống – một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa – hồi năm 2019. Đến ngày 15/8, nữ ca sỹ này phải đăng tâm thư xin lỗi trên trang Facebook cá nhân. Cô giãi bày rằng vì sự thiếu hiểu biết nên đã tham gia vào một số sự kiện không phù hợp trong quá khứ; Đồng thời khẳng định “không có tư tưởng chống phá gây hại đến an ninh quốc gia”. Cô xem đây là bài học lớn và cam kết sẽ cẩn trọng hơn trong tương lai.
Tiếp sau đó, một loạt các nghệ sỹ khác như Phạm Khánh Hưng, Phan Đình Tùng, Tóc Tiên, Việt Hương… cũng bị các trang Facebook thân chính phủ đào lại những hình ảnh, video clip họ đã biểu diễn ở Mỹ mà có hình ảnh lá cờ Việt Nam Cộng Hòa.
Việt Hương, diễn viên chính trong bộ phim điện ảnh “Ma Da”, hiện được trình chiếu tại các cụm rạp khắp Việt nam cũng phải xin lỗi vì đã xuất hiện trên sân khấu cạnh một biểu ngữ in cờ vàng và cờ Mỹ. Việt Hương nhận hoàn toàn trách nhiệm đối với những sự việc đã diễn ra trong quá khứ và cũng “xin chủ động làm việc với cơ quan có thẩm quyền để nhận trách nhiệm và thực thi quyết định của các cơ quan”.
Nhạc sỹ Trúc Hồ, người từng tổ chức nhiều chương trình ca nhạc quy mô ở Mỹ ủng hộ nhân quyền Việt Nam, khẳng định rằng lá cờ vàng với ba sọc đỏ là biểu tượng của cộng đồng người Việt tị nạn Cộng sản ở nước Mỹ. Do đó, việc các chương trình có treo lá cờ này là hoàn toàn bình thường:
“Họ đâu cần phải xin lỗi cái chuyện gì, không hiểu họ xin lỗi vì cái gì. Ở đây là những người Việt Nam tị nạn, có những buổi trình diễn cho các hội đoàn thì họ có lá cờ vàng là chuyện bình thường thôi.”
Ca sỹ Nguyên Khang, hiện đang sinh sống tại tiểu bang California, chia sẻ với RFA rằng Đảng và nhà nước luôn khuyến khích Việt Kiều về nước cống hiến, xây dựng đất nước,hoà hợp hoà giải. Tuy nhiên:
“Liệu việc cho phong sát những người nghệ sĩ từng sống hoặc đang sống ở Mỹ quyết định về Việt Nam sinh sống và hoạt động văn nghệ có cần thiết hay không?
Nếu nói về việc họ đứng trình diễn ở một sân khấu hải ngoại mà có treo lá cờ vàng ba sọc đỏ là một cái tội thì tôi tin chắc có đến 2/3 ca nghệ sĩ đều đã từng đứng dưới lá cờ này, vì đó là lá cờ đại diện cho cộng đồng người Việt hải ngoại.
Còn về việc các đồng nghiệp của tôi phải lên tiếng xin lỗi vì đã từng đứng dưới lá vàng thì tôi thấy tiếc cho họ, nhưng tôi không phải là họ nên không có ý kiến gì. Tôi tin là họ phải có lý do để chọn lựa, và có trách nhiệm với quyết định của mình.”
Nghệ sỹ cần có kiến thức chính trị?
Dường như việc các nghệ sỹ xin lỗi công khai không làm làn sóng chỉ trích giảm đi. Ngày 24/8, báo Công an Nhân dân đăng bài viết với tiêu đề “Đằng sau một lời xin lỗi” tiếp tục tấn công ca sỹ Myra Trần. Bài viết cho rằng không thể lấy lý do trẻ dại thiếu hiểu biết để biện minh cho hành động của mình. Bài viết cho rằng kể cả có sơ suất, chưa kịp tìm hiểu đi nữa, khi nhận thấy hiện trường sự kiện có xuất hiện những hình ảnh như cờ, quân phục khác lạ – ý nói các biểu tượng của Việt Nam Cộng hòa – thì một người có ý thức sẽ biết từ chối ngay lập tức.
Mạng báo Đại Đoàn Kết cũng đăng tải một bài về sự kiện này cho rằng “thay vì xin lỗi thống thiết, các nghệ sĩ muốn làm người nổi tiếng thì trước tiên phải học tập, trau dồi, biết việc gì được làm biết việc gì không, biết phân biệt đâu là màu cờ Tổ quốc”.
Khi quan sát diễn biến của sự kiện này, một nhà báo độc lập, hiện đang ở trong nước, yêu cầu giấu danh tính vì lý do an toàn, cho rằng nếu yêu cầu nghệ sỹ sang các cộng đồng người Việt tự do ở hải ngoại phải trau dồi kiến thức như báo chí Nhà nước vừa nêu thì toàn bộ giới kinh doanh Việt Nam cũng hoàn toàn dốt nát như vậy khi xe VinFast vẫn phải quảng cáo bên cạnh lá cờ vàng ba sọc đỏ; gạo và nước mắm trong nước xuất khẩu sang các siêu thị người Việt hải ngoại cũng đều xếp trên kệ nằm trong tòa nhà có cắm cờ vàng ba sọc đỏ. (Theo RFA)
… Đến tố chức “Hội nghị Diên Hồng” mời người Việt hải ngoại góp tay xây dựng đất nước
Sáng 22-8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (địa chỉ số 57 đường Phạm Hùng, Hà Nội), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với các ban, bộ, ngành tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 (gọi tắt là Hội nghị và Diễn đàn). Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương, đại diện chức sắc tôn giáo, đại diện lãnh đạo các địa phương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Australia… Đặc biệt, Hội nghị và Diễn đàn có sự góp mặt của hơn 400 đại biểu kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị và Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã được tổ chức 3 lần vào các năm 2009, 2012, 2016 với sự tham dự trực tiếp của hơn 2.000 đại biểu kiều bào từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cùng đại diện lãnh đạo của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước. Qua 3 lần tổ chức, Hội nghị đã tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thực sự trở thành “Hội nghị Diên Hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài.
Những ý kiến quý báu, nhiều kiến nghị chính sách của kiều bào đã được các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật. Minh chứng rõ ràng là, hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực căn cước, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hướng tới bảo đảm quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài tương đương như người dân trong nước.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng khi thấy cộng đồng có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Từ khoảng 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay đã có hơn 6 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, số người có trình độ Đại học trở lên, chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người. Ở hầu hết các địa bàn có người Việt sinh sống đều đã thành lập tổ chức hội đoàn. Các hội doanh nhân, hội chuyên gia, trí thức người Việt thường xuyên có các hoạt động kết nối với trong nước, tạo thành một mạng lưới rộng khắp, liên kết người Việt cả ở trong và ngoài nước.
Kiều bào ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội sở tại. Một số người gốc Việt đã tham gia sâu vào hệ thống chính trị sở tại ở các cấp; nhiều doanh nhân người Việt nằm trong danh sách các tỷ phú của thế giới; nhiều chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ kiều bào được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế, góp phần làm rạng danh cơ đồ và vị thế Việt Nam. Đồng thời, kiều bào cũng là một trong những cầu nối, đóng góp ngày càng chủ động, tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa sở tại và quê hương đất nước.
Đặc biệt, kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đó là những con số có thể định lượng, bên cạnh đó còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm. (Nguồn: báo Quân đội Nhân dân)
***
“Một bộ phận nhỏ kiều bào chưa thực sự mở lòng, xóa bỏ định kiến”
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Lê Thị Thu Hằng có bài trả lời phỏng vấn trước Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 sẽ diễn ra ở Hà Nội.
Báo Quốc tế dẫn lời bà Hằng cho hay công tác vận động NVNONN mặc dù đã có bước đột phá, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn do “một bộ phận nhỏ kiều bào chưa thực sự mở lòng, xóa bỏ định kiến.”
Một số khó khăn, thách thức khác được bà Thu Hằng cho biết là việc bổ sung, hoàn thiện, triển khai một số cơ chế chính sách, quy định pháp luật liên quan đến NVNONN còn chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình.
Các chính sách, quy định liên quan NVNONN như quốc tịch, nhà đất, đầu tư, xuất nhập cảnh… mặc dù đã có nhiều bước chuyển tích cực, chỗ này chỗ khác vẫn còn thiếu đồng bộ trong xây dựng và triển khai…
Ngoài ra, việc thu hút nguồn lực NVNONN chỉ tập trung vào nguồn lực kinh tế, chưa phát huy hiệu quả nguồn lực tri thức và vai trò của kiều bào trong việc quảng bá thương hiệu quốc gia, cũng như thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức. (Nguồn: RFA)