26 tháng Giêng: Mừng Ngày Quốc Khánh Úc – Australia Day

Biểu diễn máy bay trên bầu trời trung tâm thành phố Melbourne trong ngày mừng Quốc Khánh Úc 26.1.2022 (Hình tài liệu TVTS)

Ngày mai 26.1.2023 là Australia Day. Mừng Ngày Quốc Khánh Úc, người dân cả nước được ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên, với phong trào đòi xóa bỏ ngày mà một số người coi là Invasion Day – Ngày Xâm Lăng (của người da trắng) hay được gọi bằng nhiều tên khác như Survival Day (Ngày Sống Sót của Thổ Dân), một vài đại công ty đã cho nhân viên đi làm việc trong ngày này để nghỉ bù ngày khác. Một số Hội đồng Thành phố không tổ chức lễ nhập quốc tịch Úc cho di dân trong ngày này như thông lệ, nhiều nhóm người (ủng hộ hay có cảm tình với Thổ dân) sẽ biểu tình đòi hủy bỏ Australia Day trong ngày 26.1 (ngày đánh dấu Thuyền trưởng Arthur Phillip đặt chân lên đất Úc năm 1788 tại Sydney Cove và dựng lá cờ Anh, tuyên bố New South Wales là thuộc địa của  đế quốc Anh).

Lễ Quốc Khánh Úc năm nay diễn ra trong bối cảnh sẽ có cuộc trưng cầu dân ý về Tiếng Nói Thổ Dân (Indigenous Voice) trong Hiến pháp Úc, hiện cũng đang gây chia rẽ và hồ nghi vì người ta không rõ Tiếng Nói Thổ Dân sẽ được thành lập như thế nào, vận hành ra sao. Liệu cuộc trưng cầu dân ý này có thành công không, và dù Yes hay No thắng, sẽ có sự chia rẽ trong cộng đồng, nhưng đời sống của người Thổ Dân và hải đảo Torres Strait  (Aboriginal and Torres Strait) chưa hẳn sẽ được cải thiện hơn hiện nay. Đối lập (Tự do và Quốc gia) chưa ủng hộ Chính phủ (Lao động) trong vấn đề này!

TiVi Tuần-san nhân dịp này, đăng lại bài bình luận của tờ báo cách đây gần tám năm trong khi tại Úc hiện có sự tranh luận về sự “tri ân” nước Úc giữa vài người, nhóm người trong cộng đồng Việt Nam (xem thêm video kèm bên dưới).

Trang bìa TVTS số báo ngày 1.4.2015 (hình tài liệu)

 

Thank You Australia: Cám ơn như thế nào?

Trong hơn một tuần qua kể từ khi cựu Thủ tướng Malcolm Fraser qua đời, người Việt khắp nơi ở Úc đã tỏ lòng biết ơn vị đại ân nhân đã   mở rộng vòng tay đón 56,000 người Việt tị nạn vào nước Úc trong thời gian ông cầm quyền. Không thể tưởng tượng cộng đồng Việt Nam hiện nay sẽ như thế nào nếu không có một chính khách có tấm lòng quảng đại bao dung và lòng cương quyết để mở cửa đón người Việt mà không qua thanh lọc bình thường.

Nhờ ông Fraser mà cộng đồng Việt Nam ngày nay có đến khoảng 250,000 người. Nhờ ông mà cộng đồng chúng ta ngày nay có biết bao  nhân tài và những người thành đạt trong các lãnh vực giáo dục, y tế, khoa học, nghệ thuật, chính trị, kinh doanh v.v… Chúng ta đã đóng góp tích cực cho  đất nước này. Đó là xét về mặt tích cực. Và chúng ta hãnh diện về điều này.

Nhưng cũng vì ông Fraser mà nước Úc cũng phải gồng gánh nuôi những người Việt thất nghiệp, những người già, những người  lệ thuộc hoàn toàn vào hệ thống an sinh xã hội. Đã có những người Việt biết phải trái nhận xét rằng người Việt chúng ta quá may mắn đến lạ lùng, được nhận vào Úc không điều kiện, được cấp phát hay nuôi dưỡng mà chẳng đóng góp gì cho đất nước này, cả đến khi chết đối với một số người. Nhưng tệ hại hơn cả là người Việt chiếm tỉ lệ lớn trong số người ngồi tù, mà phần lớn là tội phạm về ma túy. Đó là xét về mặt tiêu cực. Không ít người trong chúng ta sẽ cảm thấy buồn hay bối rối mỗi khi nghe một vụ buôn bán ma túy bị đưa lên báo có dính tên người Việt.

Chúng ta — âm thầm hay công khai– đã tỏ lòng biết ơn với cựu Thủ tướng Fraser, người mà có những người Việt gọi là “cha” của họ như trong tang lễ của ông vào ngày Thứ Sáu tuần qua.

Và chúng ta cũng đã và đang cám ơn nước Úc bằng những dự án gây quỹ để công khai cám ơn nước Úc.  Như Đại hội Hồng ân Cảm tạ Thank You Australia của ca đoàn Lê Bảo Tịnh ở Sydney đã gây được số tiền $62,080 tặng cho Bệnh viện Nhi đồng Westmead NSW vào tháng 12 năm ngoái. Tại Melbourne, một dự án có tên “Thank You Australia – Cám Ơn Nước Úc” đã ra mắt vào đầu năm nay với mục tiêu gây được số tiền $500,000 đô la để tặng Bệnh viện Nhi đồng Mebourne mà cao điểm kết thúc, sẽ  là chương trình Đại nhạc hội với sự góp mặt của các ca sĩ Trung tâm Asia vào ngày 25 tháng 4 này.

Cám ơn nước Úc bằng hiện kim là một việc làm thực tế, rất đáng hoan nghênh và rất đáng ủng hộ. Tinh thần “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây” là biểu hiện một nét văn hóa đẹp của dân tộc Việt Nam. Xin mọi người tiếp tay để vào dịp quyên tiền truyền thống Good Friday cho Bệnh viện Nhi đồng, cộng đồng Việt Nam ở tiểu bang Victoria cũng được thơm lây với số tiền mà ban tổ chức Thank You Australia  gây được.

Tuy nhiên, việc cám ơn nước Úc cũng không chỉ nên được thực hiện bằng việc mở rộng hầu bao mà thôi. Chúng ta có thể cám ơn nước Úc bằng cách sống của chúng ta. Trước hết chúng ta phải là những công dân gương mẫu, tuân thủ luật pháp của đất nước này dù có trái với tập tục của chúng ta, vì “nhập gia tùy tục” như ông bà mình thường nói.

Khi bản thân mình đã là một tấm gương tốt, chúng ta sẽ dạy dỗ con em chúng ta trở thành những công dân tốt của đất nước này.  Là những công dân tốt không có nghĩa phải là bác sĩ kỹ sư, là nha sĩ luật sư, là dược sĩ kiến trúc sư, là tiến sĩ giáo sư. Là công dân tốt cũng không phải là những đại gia nhà sang xe xịn, những chính trị gia mồm mép.

Là công dân tốt, có nghĩa chúng ta phải sống tự lập, có công ăn việc làm. Không có việc nào là thấp hèn cả, chỉ có con người tự làm cho mình thấp kém. Là công dân tốt, không những bảo vệ đất nước trước những hiểm họa khủng bố mà còn bảo vệ tài sản công cộng, ý thức trách nhiệm xã hội dân sự.

40 năm sống ở đây, chúng ta mắc nợ rất lớn đối với đất nước này. Sau những đợt quyên tiền, gây quỹ để tỏ lòng biết ơn, mỗi một người trong chúng ta hãy biết ơn nước Úc bằng cách làm một công dân gương mẫu, tuân thủ luật pháp, làm sao để tỉ lệ người Việt ở tù giảm so với cộng đồng chính mạch. Làm sao để cộng đồng chúng ta được tiếng thơm hơn nữa. Mong thay!

(Trích xã luận báo giấy TVTS số 1514 phát hành ngày 1.4.2015)