Một năm trôi qua kể từ ngày 7/10/2024 và một tuần sau ngày tưởng niệm 1,200 người Do Thái bị giết và 250 người bị bắt làm con tin, chính sách của Chính phủ Lao động liên bang Úc vẫn không rõ ràng đối với hai nhóm khủng bố Hamas, Hezbollah và Do Thái.
Cuối tháng vừa qua, tại Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc, Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã kêu gọi Liên Hiệp quốc hãy ấn định một thời gian rõ ràng là khi nào sẽ nhìn nhận sự hiện hữu của hai nước Do Thái và Palestine, bởi vì chỉ có giải pháp hai quốc gia cùng tồn tại thì chiến tranh giữa hai dân tộc này mới chấm dứt.
Thủ tướng Anthony Albanese trước sau vẫn duy trì lập trường ủng hộ Do Thái nhưng không muốn thấy cảnh người Palestine chết nên tiếp tục yêu cầu cộng đồng quốc tế thúc dục một cuộc ngưng bắn ngay lập tức. Các bộ trưởng cao cấp khác của Chính phủ Albanese vẫn đi hàng hai trong cuộc xung đột Do Thái và khủng bố, yêu cầu ngưng bắn hay thúc đẩy sự nhìn nhận quốc gia Palestine.
Cho đến đúng ngày 7/10 khi tham dự buổi tưởng niệm do cộng đồng Do Thái tổ chức tại Sydney, Bộ trưởng Y tế Mark Butler đã nói rõ ràng quan điểm của ông khi nhắc lại lời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden là phản ứng quân sự phải cân xứng “nhưng không một quốc gia biết tự trọng nào mà không chịu bảo vệ chính mình nếu bị tấn công như kiểu Do Thái bị tấn công”. Phát biểu của một bộ trưởng có tổ tiên tới lập nghiệp ở Úc trên 150 năm là quá rõ ràng để “lấy điểm” lại cho chính sách không rõ ràng của Lao động nhưng qua ngày sau, trong phiên họp đầu tiên khi quốc hội trở lại, Thủ tướng Albanese một lần nữa bị chỉ trích đi hàng hai trong cuộc chiến ở Trung Đông hiện nay.
Vài ngày trước đó hai lãnh tụ đảng Lao động và Liên đảng đã nói chuyện với nhau về việc đưa ra nghị quyết về ngày 7/10 nhưng hai bên đã không đồng ý với nhau về những điểm trong nghị quyết đó. Và cuối cùng, kiến nghị được đưa ra trước Hạ viện ngày 8/10 đã bị Liên đảng chống, đảng Xanh bỏ phiếu trắng nhưng vẫn được thông qua nhờ sự hỗ trợ của các dân biểu độc lập “teal” và vài dân biểu độc lập như Đài Lê, một người gốc Việt tị nan.
Lý do đảng Xanh bỏ phiếu trắng vì nghị quyết đó không lên án Do Thái vi phạm tội ác chiến tranh. Liên đảng không ủng hộ mà còn chống vì chỉ muốn dùng ngày 7/10 là ngày Hamas gây ra tội ác với trên một ngàn người Do Thái để tưởng nhớ họ chứ không là về người Palestine đã chết lây khi Do Thái trả đũa Hamas. Hai vấn đề và hai ngày tưởng niệm phải khác nhau chứ không thể nhập làm một, bởi nếu không có ngày 7/10 thì sẽ không có trên 40,000 người Palestine chết trong một năm qua. Đó là lý luận rất có lô-gic chứ không thể đánh đồng Do Thái với khủng bố Hamas.
Chưa hết, chỉ trong ba ngày mà lập trường của những bộ trưởng cao cấp Lao động thay đổi như chong chóng. Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare cáo buộc Chính phủ Benjamin Netanyahu vi phạm tội ác chiến tranh vì “Tôi nghĩ dội bom trường học và bệnh viện là không tuân thủ luât pháp quốc tế”.
Ông Clare là dân biểu đơn vị Blaxland, là nơi có nhiều cử tri Hồi giáo hàng đầu nước Úc. Hóa ra vì có nhiều đơn vị của các bộ trưởng cao cấp Lao động có nhiều cử tri Hồi giáo mà họ không có lập trường rõ ràng đối với khủng bố?
Nhưng liệu các ghế do Lao động đang nắm giữ có đứng vững khi đảng Xanh và những ứng viên được các nhóm Hồi giáo đưa ra tranh cử sẽ chiếm trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới không?
(Trích xã luận etvts.com.au số 2205 phát hành Thứ Tư ngày 16/10/2024)