Bắt đầu từ ngày 21/10/2024 Quốc hội của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam họp kéo dài cho đến ngày 30/11 trong đó có việc “hoàn thiện chức danh Chủ tịch Nước”, nói cách đơn giản hơn, chọn và bầu Chủ tịch Nước (CTN).
Nghe thì có vẻ dân chủ lắm nhưng thực tế Quốc hội của nước này chỉ là một cơ cấu bù nhìn của đảng CSVN trong đó các đại biểu do Mặt trận Tổ quốc, tổ chức ngoại vi của đảng đề cử, tức đảng cử dân bầu. Họ chỉ là những “nghị gật” nên ông CTN nào khi được bầu cũng đạt số phiếu suýt soát 100%.
Nếu Nguyễn Phú Trọng còn sống, Tô Lâm chỉ có thể leo lên tới chức CTN mà thôi. May là Tô Lâm đã hạ bệ được Vương Đình Huệ nên mới có cơ hội vào tứ trụ triều đình cộng sản để rồi sẽ được đặc cách miễn xét tuổi tác để trụ lại mà tranh chức Tổng Bí thư khi đại hội thứ 14 họp đầu năm 2026.
Nhưng may hơn nữa, Trọng chết sớm trước đại hội 14 cả năm rưỡi nên Tô Lâm có dịp vì “tình huống” như Trọng, kiêm nhiệm chức Tổng Bí thư.
Nguyễn Phú Trọng kiêm hai ghế cho đến khi đại hội 13 chọn Nguyễn Xuân Phúc làm CTN. Trọng ngồi lì ghế Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ thứ ba mà vẫn được đảng chấp nhận bởi trước mắt không có ai hơn ông ta. Tô Lâm được đảng bầu làm CTN với số phiếu tín nhiệm 100%. Nói như vậy, việc Quốc hội họp để “hoàn thiện” chức danh CTN là chỉ để che giấu chế độ phi dân chủ của đảng cộng sản.
Vấn đề được bàn nhiều trong thời gian qua ai sẽ là người nắm cái ghế CTN vào tháng 10 này? Một số chuyên gia về chính trị Việt Nam –ngoại quốc cũng như người Việt- đặt cược vào Thường trực Ban Bí thư Lương Cường.
Họ lý luận rằng đảng CSVN có truyền thống lãnh đạo tập thể, không để một người nắm quá nhiều quyền hành nên sẽ duy trì thế tứ trụ như đại hội 13 đã làm. Họ cũng cho rằng vẫn có một số người, phe cánh không muốn Tô Lâm có quyền tuyệt đối khi giữ hai ghế nên sẽ ủng hộ phe quân đội nắm ghế CTN để quân bình lực lượng và quyền lợi với phe công an của Tô Lâm.
Có người cho rằng việc Lương Cường qua Tàu gặp Tập Cận Bình khi Thủ tướng Lý Cường của Trung Cộng qua Việt Nam ký kết 10 văn kiện kinh tế là ý đồ của phe quân đội và của Tập Cận Bình, một tín hiệu nhắc nhở Tô Lâm chớ thừa thắng xông lên đi Mỹ đi Tây, đi lệch quỹ đạo của thiên triều. Do đó Bắc Kinh sẽ ủng hộ Lương Cường làm CTN để Tô Lâm bớt có dịp tiếp xúc với các lãnh đạo Tây phương như chính Tập đang làm, “một mông hai ghế” và có thể trọn đời!
Nhưng chỉ sau chuyến đi Tàu “cầu cứu và nhận lệnh thiên triều”, bàn cờ thay đổi rõ rệt. Tập muốn một chư hầu CSVN suốt kiếp làm chư hầu nên Tô Lâm đã nhanh chóng hành động sớm một ngày trước khi Lương Cường làm CTN bằng cách trao lon đại tướng cho đàn em Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.
Trong chương trình Thời sự Việt Nam tuần qua trên youtube của TiVi Tuần-san, bổn báo chủ bút đã cho rằng quyền hành và vị thế của Nguyễn Phú Trọng trên 12 năm không bằng Tô Lâm gầy dựng trong vài tháng về mặt đối nội, nhất là đối ngoại.
Nhưng quyền lực của Tô Lâm cũng chỉ đến ngày 21/10, cá nhân phụ trách đảng lãnh đạo. Còn đâu một Gorbachev hay một Putin? Cùng tranh giành quyền lực và vinh thân phì gia. Lỡ vận thì sẽ được hạ cánh an toàn.
Một chế độ mà chưa hết một nhiệm kỳ, có đến 4 ông làm chủ tịch nước! Kỷ nguyên mới của Tô Lâm là trở về thời kỳ cũ!
(Trích Xã luận etvts.com.au số 2006 phát hành ngày 23/10/2024)