Tuần qua, thế giới có dịp chiêm ngưỡng cuộc đời của một con người được nhiều người thương yêu, kính nể kể cả những cựu thù là cộng sản Việt Nam. Hơn một năm qua, Thượng nghị sĩ John McCain phải chiến đấu với bệnh ung thư não trong khi vẫn làm việc bình thường cho đến vài tháng gần đây. Một hai ngày sau khi gia đình ông tuyên bố ông không tiếp tục điều trị nữa để bước vào giai đoạn chót của đời người, ông chết vào ngày 25.8.2018 thiếu bốn ngày là đủ 82 tuổi.
Khắp nơi trên thế giới, các nhà lãnh đạo đã gởi lời chia buồn, đặc biệt là những quốc gia mà ông có quan hệ mật thiết. Ông McCain là người rất yêu mến nước Úc, một chính trị gia Mỹ thân thiết nhất của nước Úc, là người chủ trương có quan hệ quân sự gắn bó với nước Úc và bảo vệ nước Úc trước các mối đe dọa trong vùng. Mất ông là mất một người bạn đồng minh chí cốt của Úc.
Đồng thời, Thượng nghị sĩ McCain cũng được coi là người có nhiều đóng góp to lớn trong việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ nên không lạ gì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gởi điện chia buồn với gia đình ông và các nhà lãnh đạo Mỹ. Riêng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến tận tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội, tỏ lòng “tiếc thương vô hạn” và ký vào sổ tang dòng chữ: “Đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, ngài Thượng nghị sĩ John McCain luôn là biểu tượng cho thế hệ nghị sĩ – cựu binh chiến tranh Việt Nam, là người đi đầu và có nhiều đóng góp to lớn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Chúng tôi luôn trân trọng những nỗ lực của ngài Thượng nghị sĩ trong việc xây dựng và phát triển quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ trong những thập kỷ qua”.
Nhưng trước khi có những đóng góp to lớn cho nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ông McCain là tù binh bị người cộng sản Việt Nam hành hạ tàn bạo và dã man kéo dài hơn 5 năm. Nếu có dịp đọc Hồi ký Hỏa Lò của ông McCain mới thấy được sự thâm độc của Hà Nội khi biết rằng thiếu tá phi công Hải quân này chính là con của đương kim Đô đốc Tư lệnh Lực lượng Thái Bình dương của Hoa Kỳ. Người cộng sản mừng vì có trong tay người mà họ gọi là “thái tử” để mặc cả, áp lực Mỹ ngưng oanh tạc Miền Bắc hay buộc ông McCain phải tuyên truyền về “sự nhân đạo và khoan hồng” của Bắc Việt đối với tù binh chiến tranh. Nhưng ông McCain thà chịu bị hành hạ hơn là tiếp tay cho địch, phản bội đất nước của ông. Thậm chí ông còn từ chối được trả tự do sớm và chỉ chấp nhận rời nhà tù khi những người tù trước ông đã được thả.
Tư cách nhà binh này nằm trong máu dòng họ McCain bởi vì ông nội của ông cũng là một đô đốc (tướng hải quân 4 sao) tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình dương thời Đệ nhị Thế chiến. Nhưng hơn cả sự kiên cường của chiến binh, ông là một con người có lòng khoan dung và trái tim lớn. Mặc dù bị đối xử quá tàn bạo trong nhà tù, ông lại là người tiên phong giúp Hà Nội trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và bây giờ quan hệ này đã tiến tới mức không ngờ: đối tác toàn diện. Mỹ là cái phao để Hà Nội bám vào khi phải thoát Trung hay chống lại Bắc Kinh trong trường hợp có chiến tranh giành biển đảo.
Nhưng đối với người dân Miền Nam, các cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Thượng nghị sĩ McCain vừa là một cựu đồng minh và là một ân nhân. Ông đã giúp các cựu quân nhân bị cải tạo được đến định cư ở Mỹ, áp lực Hà Nội trả tự do cho các tù nhân lương tâm và trong một số trường hợp, giúp họ được đến định cư ở Mỹ. Vừa giúp dân Việt Nam có mức sống cao hơn và quân đội có thể có vũ khí tốt hơn để tự vệ, ông vẫn thường xuyên chỉ trích Hà Nội vi phạm nhân quyền.
Không một con người nào không có lầm lỗi, thiếu sót nhưng ông McCain là một tượng đài chính trị của nước Mỹ, quan tài được đặt ở trụ sở quốc hội là một trường hợp hiếm có bởi ông là một vị anh hùng của nước Mỹ. Nhưng với người Úc và người Việt Nam, ông là một người bạn, cho đến khi ông qua đời.
Cầu chúc ông an giấc nghìn thu.
(Xã Luận báo in TVTS số 1693 phát hành ngày 05.09.2018)