Quyết định 1334 được nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam ban hành ngày 10/11/2023 trước chuyến Úc du của Thủ tướng Phạm Minh Chính và việc nâng quan hệ giữa hai nước lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Quyết định này nhắm vào người Việt sống ở nước ngoài gồm người Việt di dân, đi công tác, lao động xuất cảng và dĩ nhiên cả người Việt được vào Úc theo diện tị cộng sản từ năm 1975.
Nhà cầm quyền CSVN gọi đây là đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”. Để thực hiện “đề án” này, CSVN huy động và vận hành 13 bộ và nhiều cơ quan của nhà nước, đứng đầu là Bộ Ngoại giao và Bộ Công an để nhắm vào tài năng, tài lực của mọi người Việt hải ngoại.
“Đề án” này được đưa ra dưới thời Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư và Tô Lâm làm Bộ trưởng Công an. Nay được đưa lên một tầm mức mới với Tô Lâm là tổng bí thư, tuyên bố của ông qua bài viết “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” và bài phát biểu mừng “50 năm giải phóng, thống nhất đất nước” trong đó Tô Lâm giải thích “ hòa hợp hòa giải dân tộc” qua câu nói “Với chủ trương khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai, toàn dân đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng ra sức phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hạnh phúc, giàu mạnh và phát triển”.
Đúng là “nói như Vẹm”, theo cách nói của người Việt thời kháng chiến chống Pháp hay “đừng nghe những gì cộng sản nói” của ông Nguyễn Văn Thiệu. Lối nói ở trên của Tô Lâm y hệt Hồ Chí Minh khi còn sống và Lê Duẩn ngày cưỡng chiếm Miền Nam năm 1975. Đã 50 năm rồi, không có gì thay đổi khi đảng CSVN độc quyền cai trị đất nước một cách hà khắc và làm giàu trên xương máu của đồng bào họ.
Câu hỏi đặt ra là Quyết định 1334 đã thực hiện chưa và đến đâu rồi?
Chưa đợi đến Quyết định 1334 và chưa cần CSVN mừng “50 năm ngày giải phóng Miền Nam và thống nhất cả nước”, không thiếu những người tị nạn cộng sản đã trở về hợp tác với nhà nước cộng sản, trở thành Việt kiều yêu nước hay thành viên Mặt trận Tổ quốc hoặc hoạt động giúp nhà nước cộng sản trên nhiều lãnh vực. Họ có thể là người dân bình thường như ngư phủ, nông gia hay văn nghệ sĩ, cựu công chức cao cấp VNCH, gồm cả người từng là nguyên thủ quốc gia của nước VNCH.
Không nói một số ít người lao động bình thường chạy thoát chế độ CSVN, dù có thể phải mất mạng trên đường vượt biên để được gọi hay tự nhận “tị nạn chính trị”, để được quốc gia đệ tam cho định cư, một vài cựu quân nhân từng chiến đấu chống CSVN xâm lăng, tự hào với màu cờ sắc áo của mình, bây giờ ủng hộ hay ca ngợi chế độ CSVN đã làm cho “dân giàu nước mạnh hơn, tự hào hơn”. Họ ghi nhận chế độ CSVN đã thay đổi và ủng hộ chủ trương bằng miệng “hoà hợp hòa giải” một chiều của chế độ độc tài. Chúng ta gọi những người “tị nạn” này là loại người gì? Có phải họ chạy theo tư bản để hưởng “bơ thừa sữa cặn” như CSVN thường mỉa mai không?
Chế độ CSVN đã thành công khi mở cửa đón những “Việt kiều yêu nước” loại này trong vài thập niên gần đây. Với Quyết định 1334, chúng sẽ khuynh đảo cộng đồng người tị nạn. Những sự việc như treo cờ, phá hoại cuộc biểu tình ở Canberra chỉ là bước đầu. Cộng đồng người Việt tị nạn phải đoàn kết hơn, đề cao cảnh giác để chặn đứng sự xâm nhập của một chế độ mà họ đã liều chết chạy trốn. Không lẽ thời gian làm người ta mất trí nhớ?
(Trích xã luận tuần san điện tử etvts.com.au số 2035 phát hành ngày 28/5/2025)