Với Tô Lâm, VN sẽ như thế nào sau khi “quá độ” từ Chủ tịch Nước lên Tổng Bí thư?

15 Tháng Tám, 2024 | Bình Luận
Ghế Chủ tịch Nước chỉ là “quá độ”. Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ. Ảnh: Lâm Hiển/NLĐ

Ngày 22/5/2024 Đại tướng Bộ trưởng Công an được bầu làm Chủ tịch Nước. Ngày 3/8 Chủ tịch Nước được bầu giữ thêm chức Tổng Bí thư. Vậy chỉ trong vòng 73 ngày, Tô Lâm đã giành được 2 chức vụ quan trọng nhất trong đảng và nhà nước. Trong khi đó, vào cuối năm 2012, Tổng Bí thư Tập Cận Bình phải mất 119 ngày để nắm thêm chức vụ Chủ tịch đến hôm nay với quyền uy tuyệt đối.

Từ khi Chủ tịch Nước Vương Đình Huệ bị buộc phải từ chức, TVTS cũng như một số người đoán Tô Lâm sẽ tạm thời giành chức Chủ tịch như là một điều kiện để ngồi lại Bộ Chính trị và sau đó tìm cách giành chức quan trọng nhất và có quyền nhất là Tổng Bí thư. Nhưng nhiều người cho rằng khó thực hiện vì có nhiều phe phái trong Trung ương đảng và Bộ Chính trị không ưa hay chống Tô Lâm.

Còn chuyện một lúc mà nắm hai ghế vào năm 2018 thì Nguyễn Phú Trọng cho rằng “do tình thế” (bởi vì Chủ tịch Nước Trần Đại Quang chết bất ngờ) mặc dù đó là ý muốn của Trọng vì ông mê quyền lực. Điều này chứng tỏ qua việc ông phá lệ ra ứng cứ Tổng Bí thư lần thứ hai theo quy định vì đã 72 tuổi và phá lệ một người chỉ làm tổng bí thư hai nhiệm kỳ.

Ghế Chủ tịch Nước chỉ là “quá độ”

Tô Lâm, hơn ai hết hiểu rõ quy luật đảng do đó đã từng bước củng cố sức mạnh nội bộ Công an để nắm hai chức vụ quan trọng nhất theo “quy trình”.

TVTS trong nhiều tháng trước đây sau khi Vương Đình Huệ bị Tô Lâm hạ bệ với những bằng chứng tham nhũng mà Bộ Công an đã nhá ra, đã tin rằng Tô Lâm sẽ nắm chức Chủ tịch Nước và giữ luôn ghế Bộ Công an.  Nhưng khi bị cản trở, ông đã đưa hai đàn em Thượng tướng Lương Tam Quang vào ghế Bộ trưởng Công an và Thượng tướng Trần Duy Ngọc giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương đảng. Thế là đúng quy trình.

TVTS trước đó cũng cho rằng Tô Lâm không phải đợi lâu đến năm 2026  mới ra ứng cử chức Tổng Bí thư mà  rất có thể ông ta sẽ có nhiều cơ hội sớm hơn, bởi Nguyễn Phú Trọng càng ngày càng yếu nên sẽ từ chức hay sẽ chết khi tại chức. TVTS đã nhiều lần cho rằng Nguyễn Phú Trọng rất tham quyền và muốn “lưu danh hậu thế” khi chết trên ghế Tổng Bí thư.  Điều đó xảy ra và đúng quy trình!

Khi ông Trọng chưa chết (hay đã chết như tin đồn) Trung ương đảng ra thông báo trao cho Tô Lâm tạm điều hành đảng. Nhiều ý kiến kể cả các chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc thường bàn luận về chính trị Việt Nam cho rằng phe của Thủ tướng Phạm Minh Chính (Thanh Hóa) và phe Nghệ Tĩnh còn mạnh nên con đường lên ghế Tổng Bí thư sẽ rất khó đoán vì còn nhiều cản trở.

Nhưng chỉ 15 ngày sau khi Trọng chết và 8 ngày sau khi chôn cất ông ta, Tô Lâm đã trở thành Tổng Bí thư. Chủ tịch Nước chỉ là cái chức tượng trưng hay nói theo kiểu cộng sản, chỉ là bước “quá độ”.

Người ta đặt câu hỏi, với đà đốt lò mà Tô Lâm là người đưa củi cho Nguyễn Phú Trọng đốt, liệu lò Tổng Lâm có tiếp tục nóng lên không và Việt Nam sẽ đi về đâu. Sẽ là một Trung Cộng của Tập hay Nga của Putin? Hay là một Liên Xô cuối thời Gorbachev?

Chuyện này thật khó đoán bởi Tô Lâm là một người có đầu óc thực tế dù là trùm cộng sản, trùm công an. Trừ phi quân đội làm cuộc đảo chánh để thay đổi như ở Liên Xô. Tô Lâm không phải là Yeltsin hay Gorbachev. Tô Lâm chỉ là Putin. Nên chuyện này rất khó xảy ra. Và dân đen vẫn tiếp tục khổ. Khổ và khổ!

(Trích xã luận www.etvts.com.au phát hành Thứ Tư 07/08/2024)