Nhập nhằng chuyện Viện Bảo Tàng (Vietnamese Museum Australia)

07 Tháng 2, 2023 | Tin nước Úc,BÌNH LUẬN
Ngày 28.10.2022, ban tổ chức chờ đợi bà Bộ trưởng Đa văn Sự vụ Ros Spence của Chính phủ Victoria đến công bố tài trợ thêm $2.3 triệu đô la cho dự án Viện Bảo Tàng. Hình: TVTS

Cho đến nay, có bao nhiêu người trong cộng đồng Việt Nam  ở Úc biết rõ về cơ cấu và sự vận hành của cái gọi là “Viện Bảo tàng”?  Nó từ đâu đến, do ai gầy dựng, mang danh của ai mà có? Và bây giờ nó thuộc về ai?

Một cái viện bảo tàng dĩ nhiên là giấc mơ của các thuyền nhân, của những người tị nạn cộng sản Việt Nam, nhưng nó sẽ vận hành ra sao, chứa những thứ gì trong đó, lấy từ đâu? vv và vv…

Bởi từ buổi ban đầu, nó mang danh là của Cộng đồng Người Việt Tự do với cái tên Trung tâm Văn hóa Việt-Úc và Bảo tàng khi đi gây quỹ từ đồng bào tị nạn và xin tài trợ của chính phủ nhưng bây giờ nó được đổi tên và đổi chủ, và mục tiêu còn cho cộng đồng Úc và mọi sắc tộc được sử dụng.

Tại sao có chuyện kỳ lạ vậy?

Cho nên việc tái xét lại dự án này rất quan trọng. Không nên hấp tấp để xây cho xong vào dịp 30.4.2025. Bởi điều quan trọng: Nó phục vụ ai? Phục vụ như thế nào? Ai điều hành nó? Và người gốc Việt có quyền quyết định tối hậu trong việc điều hành không?

Nhà nước độc tài toàn trị VN cần xét lại

Nói đến hai chữ xét lại, người cộng sản, dù là Nga, Tàu hay Việt đều bị dị ứng nên nhiều đảng viên cộng sản cấp cao hay thấp đã phải nếm mùi tù tội, lưu đày hay bị hất hủi, bỏ quên hoặc cho đến sau khi chết mới được phục hồi danh dự. Nhưng nếu quả thực lý tưởng cộng sản là làm cho xã hội và đất nước tốt hơn, thì thử hỏi tại sao trong các nhiệm kỳ làm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn không làm cho các đảng viên của ông trở thành người tử tế, nói gì phục vụ đất nước, đồng bào. Biết bao nhiêu người đã vào tù, từ ông Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tới những ông bị sa thải khỏi chức vụ cao trọng như Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Nguyễn Xuân Phúc…

Người ta nói người cộng sản tàn ác nhưng không chỉ vậy thôi. Họ là những con người chai mặt, không biết hổ thẹn, chỉ từ bỏ quyền lực khi bị thất thế trước phe đối nghịch như Nguyễn Tấn Dũng hay chết như Trần Đại Quang. Nhưng liệu Nguyễn Phú Trọng có ngồi mãi trên ngai tổng bí thư không? Ông vẫn còn thì giờ để xét lại, không phải xét lại để duy trì quyền lực của đảng mà trao quyền lực lại cho nhân dân qua lá phiếu trong những cuộc bầu cử tự do thật sự trong đó mọi người dân đều có quyền ứng cử ở mọi cấp bậc chính quyền.  Chứ mở lò đốt củi như hiện nay thì hết củi này vẫn sẽ còn củi khác. Hơn năm triệu khúc củi lớn nhỏ, lò đâu mà đốt cho hết?

Cơ hội tốt cho Úc

Trong những ngày vừa qua người ta thấy những nước trong khu vực Nam Thái Bình Dương muốn tách xa Trung Cộng và muốn gần Úc hơn. Còn nhớ vào năm ngoái, Ngoại trưởng Vương nghị đã làm một chuyến công du nhiều ngày đến một số nước Nam Thái Bình Dương sau khi đã ký một hiệp ước an ninh với đảo quốc Solomon, bất chấp sự phản đối của Úc.

Chỉ trừ Solomon của Thủ tướng Manasseh Sogavare, các nước trong khu vực vẫn chờ xem. Cuối tháng vừa qua có tin vui cho Úc khi Thủ tướng vừa trúng cử của đảo quốc Fiji tuyên bố Úc là người bạn thân thiết và là đối tác an ninh đáng tin cậy nhất của Fiji. Sau 16 năm có quan hệ quá mật thiết với Bắc Kinh dưới chính phủ của Thủ tướng Frank Bainimarama, tân Thủ tướng Sitiveni Rabuka sau vài ngày nhậm chức đã cho giải tán các cố vấn Trung Cộng làm việc tại Sở Cảnh sát của Fiji vì lý do an ninh. Ông Rabuka đã thẳng thừng nói rằng ông sẽ có quan hệ tốt đẹp với mọi nước, tuy nhiên “Tôi tin tưởng rằng đi với những người mình biết nhiều hơn luôn luôn an toàn hơn. Bởi tôi biết người Úc nhiều hơn tôi biết nước Tàu”.

Đây là cú tát vào mặt tham vọng của Tập Cận Bình ở Nam Thái Bình Dương.

Bởi như ông Rabuka nói, nước Úc có nhiều điểm tương đồng với nước Fiji, đặc biệt là về hệ thống chính trị theo đại nghị Westminster của Anh. Vấn đề còn lại là Úc phải giúp đỡ Fiji nhiều hơn nữa về ngoại viện. Sắp tới đây, Úc sẽ xây dựng một tòa nhà cho Cao ủy Úc tại Solomon trị giá $120 triệu đô để điều hành việc viện trợ cho nước này và  giúp các nước tây phương cạnh tranh với Trung Cộng. Bắc Kinh sau một hồi diệu võ dương oai, nay bị khựng lại trước việc trở lại nắm chính quyền của cựu Thủ tướng Rabuka qua một cuộc bầu cử gay go, căng thẳng nhưng cuối cùng đã đánh bại Thủ tướng thân Tàu Bainimarama.

(Xã luận báo giấy TVTS số 1921 phát hành ngày 1.2.2023)