Xã luận: Công dân Úc phải trung thành với nước Úc

24 Tháng Bảy, 2024 | BÌNH LUẬN
Một hộ chiếu Úc mới có thời hạn 10 năm. Hình: TVTS

Không kể những người sinh ra ở Úc, đương nhiên có quốc tịch Úc. Họ chào đời ở lục địa có tên Australia nên dù muốn dù không họ là người Úc, công dân Úc. Trong lịch sử cận đại, có những công dân của một số nước phản bội đất nước họ trong thời chiến hay thời bình. Một số quốc gia thậm chí còn duy trì án tử hình đối với tội phản quốc.

Nước Úc có thể gọi là một nước hợp chủng như Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ (United States of America) nơi có nhiều tiểu bang hợp lại với nhau thành một nước và nước này có nhiều chủng tộc, màu da và tôn giáo trong đó Thiên Chúa giáo (Christianity) là tôn giáo lâu  đời và nổi bật nhất, nhưng là một đất nước thế tục; thần quyền và thế quyền tách biệt.

Cũng như Hoa Kỳ là nơi người Anh và Âu Châu tiên phong khai phá và đã lập nên một nước dân chủ vĩ đại của thế giới, Úc hình thành cũng nhờ di dân Anh và những tội nhân bị lưu đầy từ hàng trăm năm trước để có được một đất nước văn minh, giàu mạnh, dân chủ và vào cuối thập niên của thế kỷ 20 là nơi có chính sách đa văn, thừa nhận di sản và sự đóng góp của trên 250 sắc tộc nói trên 350 ngôn ngữ, theo Điều tra Dân số năm 2021.

Điều này khác với chính sách Nước Úc Da Trắng trước đây với Đạo luật Di trú 1901 ảnh hưởng đến những ai đến Úc cho tới năm 1951. Nhưng với Đạo luật Chống kỳ thị Chủng tộc 1975, hàng rào cản đối với người gốc Á Châu không còn nữa qua làn sóng tị nạn của thuyền nhân và di dân Việt Nam sau khi cộng sản Bắc Việt chiếm Miền Nam. Từ đó danh từ đa văn bắt đầu được nói đến. Năm 2011 Chính sách Đa văn của Úc (Australia’s Multicultural Policy) được công khai đưa ra và đến năm 2017, Chính phủ Liên bang Úc đưa ra một tuyên bố về đa văn có tên “Multicultural Australia – United, strong, successful”. Muốn hay không, Úc là quốc gia đa văn vì trên thực tế hiện nay trong tổng số trên 26 triệu người Úc có đến 29.5% người sinh đẻ ở ngoại quốc, chưa kể con cháu của những người này được sinh ra tại Úc.

Đa văn là một lợi thế cho Úc nhưng cũng là sự bất lợi cho sự kết hợp và đoàn kết quốc gia khi những sự xung đột từ các quốc gia gốc của di dân lại được mang vào quốc gia họ đến định cư.  Những ai nhập tịch còn nhớ lời hứa/thề này không: “Từ nay, tôi thề trung thành với nước Úc và nhân dân Úc với niềm tin vào dân chủ mà tôi chia sẻ, quyền và tự do mà tôi tôn trọng và luật pháp mà tôi tuân thủ và vâng theo”?

Vài thí dụ, đã có thời gian xung đột ở giữa người Serbia và Croatia, Kosovo hay Bosnia được mang vào Úc thập niên đầu thế kỷ 21 sau khi Liên bang Nam Tư cộng sản bị giải thể cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Sự xung đột này hiện đã lắng xuống.

Xung đột giữa người Do Thái, người ủng hộ Do Thái và người ủng hộ Palestine âm ỉ nhiều năm, nhưng chỉ bùng nổ mạnh sau khi có vụ 7/10 do khủng bố Hamas tấn công và bắt cóc người Do Thái làm con tin khiến Do Thái trả đũa, truy diệt trong một trận chiến đẫm máu kéo dài trên chín tháng. Có những kẻ đưa nước Úc vào cuộc xung đột này ngay chính trên đất nước họ xin đến trú ẩn và nhập tịch.

Những biểu hiệu của khá nhiều di dân cho thấy họ đã không giữ lời hứa khi nhập tịch. Điều này khiến Úc có thể sẽ thay đổi chính sách di trú và sẽ rất thiệt thòi cho những di dân thật sự yêu mến, trung thành và sẵn sàng bảo vệ đất nước dân chủ này.

(Trích xã luận của etvts số 1992 phát hành Thứ Tư 17/07/2024)