Quan hệ Úc-Tàu: nối lại hay bất cần?

13 Tháng Một, 2021 | Bình Luận
Cờ Úc trước Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh tháng 4/2016. Photo courtesy: Reuters

Tuần qua trong một hội nghị trực tuyến do cựu Thủ tướng Lao động Kevin, người nói tiếng Tàu như gió tổ chức, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Cộng ra vẻ đã chìa ra một cành ô-liu khi nói rằng ông muốn quan hệ Úc-Tàu trở lại như trước. Thủ tướng Scott Morrison trong một quyết tâm của đầu năm (new year resolution) cũng cảnh cáo rằng quan hệ Úc-Tàu sẽ không trở lại bình thường nếu Tập Cận Bình và các viên chức cao cấp Trung Cộng không trả lời những cú điện thoại của Canberra.

Thật vậy, nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục giữ thái độ thù nghịch và kẻ cả với các bộ trưởng và giới chức cao cấp của Úc thì làm sao có thể nối lại quan hệ giữa hai nước vốn dĩ đã xấu đi khi Canberra cấm không cho công ty viễn thông Hoa Vi được tham gia vào việc xây dựng mạng lưới 5G của Úc.

Thủ lãnh Đối lập Anthony Albanese và những chính trị gia Lao động đã nhiều lần yêu cầu Thủ tướng Morrison hãy tìm cách liên lạc, nói chuyện hay làm một chuyến công du sang Tàu để gặp Tập Cận Bình. Nhưng họ không thấy rằng lãnh tụ cộng sản Tàu là một ông trời con, một thiên tử của thế kỷ 21, muốn các nước láng giềng hay bạn hàng trở thành một loại chư hầu kiểu mới. Nói cách khác,  muốn có quan hệ hữu hảo với Tàu thì phải nghe theo lời và nhất là không được làm phật lòng họ.

Không chỉ lãnh đạo còn non tay nghề chính trị như Albanese mà cả những chính trị gia lão luyện, già tuổi nghề như cựu Thủ tướng Tự do John Howard và cựu Tổng trưởng Ngân khố Peter Costello cũng đề nghị hãy nối lại mối giao hảo với Tàu vì Tàu vẫn còn là nước quá quan trọng đối với Úc. Hai vị này không hoàn toàn sai bởi vì nước Úc dưới sự lãnh đạo đến 11 năm của họ đã phát triển và trở nên thịnh vượng hơn, kéo dài cả hai ba thập niên nhờ cung cấp dịch vụ giáo dục, du lịch, nông sản và khoáng sản cho khách hàng có đến 1.4 tỉ người. Nhưng thời đó đã qua rồi. Và đôi khi không trở lại vì lý do chủ quan lẫn khách quan.

Chính ông Howard cũng đã từng thừa nhận rằng Tập Cận Bình khác với những lãnh đạo trước đây như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào vì tính cách và chủ trương. Họ Tập là loại người quyết đoán, hiếu thắng và muốn làm bá chủ. Thế giới đã đổi thay kể từ khi Tập cầm quyền từ năm 2013. Tập chiếm Biển Đông, dọa chiếm Đài Loan bằng vũ lực, đàn áp tôn giáo, sắc tộc ở trong nước và bị nghi là kẻ chịu trách nhiệm gây ra nạn dịch lan tràn khắp thế giới, làm điêu đứng nhân loại.

Một nhà ngoại giao của Mỹ, đại sứ Arthur Culvahouse, người sắp rời Canberra vì mãn nhiệm đã không còn giữ thái độ ngoại giao mà thẳng thắn nói Úc phải coi chừng Tàu, mở rộng sự hợp tác với những quốc gia dân chủ để bảo vệ nền kinh tế của mình cũng như an ninh và sự vẹn toàn lãnh thổ trước mưu đồ và tham vọng của Trung Cộng.

Đại sứ Culvahouse nói Úc, Mỹ và những quốc gia dân chủ phải cùng nhau hợp tác để xây dựng cho họ một chuỗi cung ứng những sản phẩm thiết yếu như khoáng sản, dược phẩm và dụng cụ y tế để khỏi bị lệ thuộc vào Trung Cộng như hiện nay, chỉ vì sản phẩm của Trung Cộng rẻ. Trong chiến tranh mậu dịch giữa hai nước, Trung Cộng đã từng đe dọa sẽ ngưng xuất cảng đất hiếm (rare earths) với niềm tin sẽ gây thiệt hại cho kỹ nghệ tin học và hàng không quân sự của Mỹ. Bởi muốn chế tạo một chiến đấu cơ tàng hình F-35 phải cần đến 400 ký lô đất hiếm. Nhưng Úc là quốc gia có rất nhiều mỏ đất hiếm và đã ký một hợp đồng từ đầu năm nay để xây một nhà máy ở tiểu bang Texas nơi duy nhất phân loại và chế biến đất hiếm ở ngoài Trung Cộng.

Vị đại sứ Mỹ sắp trở về nước trước ngày 20 tháng Giêng nói quan hệ đồng minh giữa hai quốc gia sẽ mãi mãi bền vững và ông tin rằng Úc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc liên kết Ngũ Nhãn Quốc (5 nước nói tiếng Anh) và những quốc gia khu vực yêu chuộng dân chủ trong việc đối đầu với Trung Cộng. Ông ca ngợi sự thành công của Úc trong việc ngăn chận dịch Vũ Hán ở trong nước cũng như vận động quốc tế để buộc Trung Cộng chấp nhận một cuộc điều tra về nguồn gốc của coronavirus.

Úc sẽ chỉ nối lại quan hệ với Tàu trong tư thế ngang hàng chứ không phải là chư hầu hay nước lệ thuộc Tàu.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1815 phát hành ngày 15.01.2021)