Trung Cộng tìm cách tiến vào sân sau của Úc

17 Tháng Hai, 2021 | Bình Luận
Photo courtesy: Reuters

Đầu tuần qua, tập đoàn quân phiệt Miến Điện đã làm một cuộc đảo chánh bắt giữ các nhà lãnh đạo của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) gồm Cố vấn Chính phủ Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint. Quân đội cáo buộc đảng NLD thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái là do gian lận. Nhưng việc lật đổ chế độ dân sự hợp pháp vào ngày 1.2.2021 hầu như có sự hỗ trợ và bật đèn xanh của Trung Cộng (TC) qua chuyến viếng thăm Miến Điện của Ngoại trưởng Vương Nghị vào trung tuần tháng Giêng. Ngoài lý do kinh tế, mậu dịch với láng giềng cùng chung hàng ngàn cây số đường biên giới, TC  muốn qua Miến Điện mở đường ra Ấn Độ dương qua Vịnh Bengal mà Miến Điện cùng chia sẻ với Ấn Độ, một đối thủ chiến lược.

Kể từ khi đưa ra Sáng kiến Một Vành đai và Một Con đường (BRI) lúc mới cầm quyền, Tập Cận Bình đã thiết lập được một vành đai chạy dài từ Tích Lan (Sri Lanka) ở phía nam Ấn Độ, qua Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam và ở đâu TC cũng để lại những công trình xây dựng vừa có tính cách kinh tế, hỗ trợ nước chủ nhà và cũng có trường hợp xiết cả hải cảng vì chủ nhà không trả nổi nợ như Tích Lan. Vành đai này còn kéo dài tới các nước ở vùng Biển Đông như Mã Lai, Nam Dương và Phi Luật Tân, dù ít dù nhiều họ cũng nhận sự tài trợ của TC để xây dựng các cơ sở hạ tầng.

Tham vọng bành trướng của TC không chỉ dừng lại đó mà còn vươn tới cả chục đảo quốc lớn nhỏ ở Thái Bình dương, những láng giềng truyền thống và được xem như là thành viên “đại gia đình” của Úc. Cái vòi bạch tuột Hán tộc đã bắt đầu bám vào Papa New Guinea (PNG), New Caledonia, Vanuatu, Solomon, Bougainville và những đảo quốc nhỏ xa xôi như  Tuvalu, Tonga v.v… Nhưng việc TC muốn xây dựng một thành phố rộng 100 cây số vuông cách lục địa Úc 200 cây số và cách các hòn đảo của Úc thuộc dãi Torres Strait vài cây số là một việc rất đáng quan tâm và lo ngại.

Tin cho hay công ty Tàu WYW Holding đăng bộ tại Hồng Kông đã nộp đơn lên Thủ tướng Marape của PNG đề nghị xây thành phố mới New Daru City trên hòn đảo Daru với kinh phí dự trù $39 tỉ Úc kim! Daru  là hòn đảo ở phía nam PNG, chỉ có khoảng 20,000 dân cư là một hòn đảo rất nghèo từng là trung tâm dịch bệnh lao. Theo dự án nộp cho chính phủ, WYW sẽ xây dựng thành phố mới này theo phương hướng BOT (Build Operate Transfer), có nghĩa sẽ được chuyển giao cho nước chủ nhà sau một thời gian WYW điều hành nhưng không biết kéo dài bao lâu. WYW cũng chính là công ty xây dựng thành phố mới New Yangon City cho Miến Điện. Nhiều nước đã nghe danh sáng kiến BRI là một cái bẫy nợ nhưng một số nước háo hức hay thận trọng nhận đề nghị của TC vì họ thấy không còn con đường nào khác để vươn lên. Nói như người Miền Nam, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.

Nhưng nếu PNG không thấy quan tài mà chỉ thấy Mao tệ quá hấp dẫn thì quả thật đấy là một thách đố đối với Úc. Trường hợp đảo Daru không còn là sân sau mà chính là cửa ngõ của Úc. Trước đó một công ty TC khác đã đề nghị xây một công viên Kỹ nghệ Ngư nghiệp trị giá $200 triệu Úc kim tại Tỉnh Western Province của PNG nhưng không thành công. Tỉnh trưởng Toboi Yoto chỉ trích phản ứng của Úc về công viên Kỹ nghệ Ngư nghiệp cũng như sự thất bại của Úc trong việc giúp PNG.  Ông nói ông không hài lòng vì Úc muốn cho dân của ông tiếp tục cuộc sống nghèo, không giúp PNG thử thời vận với dự án của TC mà chỉ tìm cách ngăn cản.

PNG độc lập khỏi Úc năm 1975 và giữ quan hệ tốt đẹp với Úc. Mặc dù được Trung Cộng ve vãn và hứa hẹn nhưng Úc vẫn là nước viện trợ nhiều nhất, bao gồm $20 triệu đô la khẩn cấp giúp nạn dịch bệnh lao ở đảo Daru. Úc là bạn hàng lớn nhất với giao dịch song phương $6.7 tỉ Úc kim và đầu tư vào PNG $17 tỉ trong năm 2018.

Dĩ nhiên Úc sẽ không vung tiền vào PNG để làm giàu cho giai cấp cai trị ở nước này nhưng phải giúp đỡ nước láng giềng để tránh cửa ngõ của mình là nơi đóng quân của TC. Do dịch Vũ Hán nên chính phủ Úc không có những chuyến đi PNG thường xuyên như trước đây nhưng thủ tướng Úc tin rằng thủ tướng PNG sẽ không nhận đề nghị nguy hiểm của TC. Mong thay!

 

(Trích từ báo in TVTS số 1820 phát hành ngày 10.02.2021)