Miss USA, hoa hậu Rima Fakih bị gọi là Miss Hezbollah

24 Tháng 5, 2010 | Điện ảnh

 










Hoa hậu Mỹ Rima Fakih (giữa) và các á hậu Morgan Elizabeth Woolard (trái) và Jessica Hartman tại Las Vegas vào  tuần qua.Photo courtesy AP



 


Rima Fakih, 24 tuổi không phải là hoa hậu Mỹ đầu tiên bị tai tiếng về những bức hình chụp trong quá khứ xảy ra ngoài ý muốn hiện nay. Nhưng cô là hoa hậu Mỹ đầu tiên bị lôi cuốn vào vòng tranh luận liên quan đến Hồi giáo và những cáo buộc về sự liên hệ của gia đình cô với Hezbollah, một tổ chức Hồi giáo quá khích ở miền nam nước Li Băng.


 


Cô gái tốt nghiệp cử nhân kinh tế và đang có ý muốn học luật đã trở thành người Mỹ Hồi giáo đầu tiên đoạt danh hiệu Miss USA trong cuộc thi tuyển tại Las Vegas vào tuần qua.


 


Nhưng ngay khi vừa thắng giải, một người bạn thân của cô đã gởi cho báo chí bức hình chụp cô đang tập vũ trên bàn (table-dancing) và ngay lập tức có những đề nghị thu hồi danh hiệu và vương miện Miss USA của cô.


 


Những người bênh vực Fakih nói dẫu sao bức hình chụp đang tập luyện table-dancing với quần sọt và áo thun vẫn còn kín đáo hơn cảnh các thí sinh thi hoa hậu mặc áo tắm hai mảnh.


 









Rima Fakih. Photo courtesy timesonline.co.uk


 


Chưa hết, sau vụ table-dancing có thêm những cáo buộc rằng gia đình của Fakih  thuộc thành phần Hồi giáo cực đoan. Có một blogger đã đội cho nàng cái “vương miện” mới là…  “Miss Hezbollah”.


 


Lý do cha mẹ nàng là người miền nam Li Băng, theo giáo phái Shiite. Họ qua định dư ở Mỹ vào năm 1993.


 


Nam Li Băng là nơi từng có những xung đột lớn giữa các phần tử thuộc nhóm Hezbollah và quân đội Do Thái.


 


Cô Fakih bác bỏ những lời chỉ trích về nguồn gốc của cô, cho rằng nếu cô thua thì người ta nói vì cô là người đạo Hồi.  Nhưng thắng thì cô cũng bị gán cho là nhờ người Hồi giáo mới được như thế.


 


Một bỉnh bút của tờ The National ở thành phố Abu Dhabi ở Trung Đông nói ra vẻ phụ nữ Á Rập chỉ tạo nên những tin trang nhất nếu họ mặc áo phủ kín người hay hở nửa thân thể.


 


Một số người cực hữu cho rằng sở dĩ Fakih thắng là vì cái chính trị thời thượng (political correctness) của ban tổ chức nhưng những người khác lại cho rằng cô ta thắng vì cô đẹp, lịch thiệp và hùng biện.