LTS: Cộng đồng Việt Nam tại Victoria đang chuẩn bị tưởng niệm 50 năm Tháng Tư Đen, 50 năm định cư và tự do… Biết bao nhiêu thay đổi sau 50 năm đổi đời ấy. Sinh hoạt văn nghệ của người Việt tại Melbourne hiện nay như thế nào, có lẽ mọi người đều biết? Nhưng 50 năm trước, hay nói rõ hơn sinh hoạt văn nghệ của 37 năm trước ra sao? Ai còn, ai mất, ai đã giã từ sân khấu? Và ai còn trụ đến hôm nay, dù chỉ là làm văn nghệ tài tử?
Bài “Những khuôn mặt làm văn nghệ tại Melbourne” được đăng trên số báo Giai Phẩm Xuân Mậu Thìn năm 1988 của TVTS có thể đưa độc giải trở lại cái thời đáng nhớ đó, khi người Việt mới có mặt tại Melbourne được khoảng một thập niên.
***
Phải nhìn nhận rằng một điều đáng buồn cho giới làm văn nghệ VN tại Úc là không có đấr “dụng võ”. Có rất nhiều người có khả năng trong lãnh vực ca nhạc, cải lương nhưng chỉ hành nghề một cách tài tử, đóng góp vào sinh hoạt văn nghệ tị nạn như là chỉ để phục vụ cộng đồng hoặc để thỏa mãn vái máu văn nghệ trong người.
Ngoại trừ ca sĩ Công Thành tại Sydney là một người sống bằng nghề ca hát, kỳ dư những ca nhạc sĩ khác còn lại khác đều xem xướng ca là thú tiêu khiển hoặc ngthề tay trái, dù có lúc việc ca hát cũng đem lại chút đỉnh lợi tức nhỏ.
Phương Dung
Cô ca sĩ thường mặc áo dài “Con nhạn trắng Gò Công” là một ca sĩ kỳ cựu của nền tân nhạc Việt Nam. Định cư khá lâu tại Melboune này. Phương Dung đã làm nhiều nghề chẳng dính dáng gì đến khả năng ca hát của mình cả, từ làm chủ nhà hàng Tự Do ở đường La Trobe đến điều khiển Trung Tâm Nhạc Tuyển Phương Dung ở Footscray, chuyên bán băng nhạc và cho thuê video.
Cả hai nghề này xem ra “phát tài” đối với dân tị nạn, nhưng chẳng hiểu sao Phương Dung cũng đã rút lui, không còn hoạt động nữa.
Về ca hát, thỉnh thoảng Phương Dung hát cho khách nghe (khi còn làm nhà hàng), trong một vài dịp hội hè của Cộng Đồng (xưa kia là Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do), trong những dịp Đại Nhạc Hội có ca sĩ từ Âu Mỹ sang mà Phương Dung là bà bầu của ban tổ chức.
Trong thời gian này, Phương Dung hoàn toàn im hơi lặng tiếng chẳng thấy xuất hiện ở đâu cả. “Con nhạn trắng Gò Công” này không còn là cô nữ sinh áo trắng hoặc là cô ca sĩ mi-nhon của thời “Những Đồi Hoa Sim” hay “Nỗi Buồn Gác Trọ” của thập niên 1960.
Chúng ta đang bước tới cuối thập niên 80, Phương Dung đã trở thành mẹ của 6, 7 đứa con, lớn có nhỏ có. Người ca sĩ chuyên nghiệp xưa kia không biết còn trở lại với sân khấu, ánh đèn màu chăng?
Cathy Huệ
Sau Phương Dung, Cathy Huệ là ca sĩ chuyên nghiệp thứ hai của Miền Nam và nay định cư tại Melbourne.
Cathy Huệ trước kia đã được báo chí Sài Gòn tặng cho tước hiệu “nữ hoàng nhạc trẻ” nhưng khi qua Úc thì gần như không còn ca hát nữa. Lý do: lấy chồng và theo chồng là một viên chức ngoại giao của tòa đại sứ Úc tại xứ Kim Tự Tháp.
Thỉnh thoảng về lại Melbourne Cathy Huệ cũng có góp mặt trong những buổi đại nhạc hội của các ca sĩ từ Âu Mỹ sang, như dạo đại nhạc hội Elvis Phương qua Úc cách đây chừng hai năm. Giọng ca của Cathy Huệ vẫn còn xuất sắc như thuở nào, nhưng khán thính giả Melbourne vẫn hiếm khi nghe lại được giọng ca của “nữ hoàng nhạc trẻ” của một thời.
Ngoài Phương Dung và Cathy Huệ là hai ca sĩ chuyên nghiệp của thời trước năm 1975, đa số còn lại tại Melbourne là những người không chuyên nghiệp. Khi chúng tôi dùng chữ chuyên nghiệp là muốn nói người đó hoặc sống phần lớn bằng đồng lương (thù lao, lợi tức) do nghề nghiệp đem lại hoặc dùng phần lớn thời gian trong cuộc sống mình đem làm nghề đó, dù không có lợi tức.
Bích Ngọc
Cô ca sĩ trẻ tuổi, giọng ca khá nổi bật và xuất hiện nhiều ở sân khấu Melbourne này dù không được xếp hàng chuyên nghiệp, nhưng cũng phải nói là đã có máu văn nghệ trong người từ lúc còn nhỏ.
Bích Ngọc đã từng chơi văn nghệ khi còn ở trường học. Có khả năng, căn bản về âm nhạc, có giọng ca thiên phú, nhưng 7 năm trời sống tại Melbourne này, Bích Ngọc vẫn chưa tìm cho mình được một vị trí, một cuộc sống ổn định trong lãnh vực âm nhạc. Vì hoàn cảnh? Vì chưa gặp thời? Nhưng Bích Ngọc là người đầu tiên tại Melbourne (sau Phương Dung) đã cho ra một cuốn băng (Tị Nạn ca) do cô hát, trong đó có một số do Bích Ngọc sáng tác.
Tuy đã lập gia đình, Bích Ngọc vẫn còn ca hát khá nhiều trong sinh hoạt “văn nghệ lai rai” của xứ Melbourne này. Theo TVTS, mai này cuộc sống của người Việt tị nạn ổn định, khi dân số gia tăng và nhu cầu giải trí trở thành cần thiết, Bích Ngọc sẽ là một giọng ca chuyên nghiệp, có giá tại xứ Úc này.
Hiện tại sau khi đã từ giã Nice – Fashion, thôi bán xe honda, thời trang, Bích Ngọc nghe đâu đã chuyển qua ngành địa ốc.
Mộng Điệp
Mộng Điệp là người có giọng hát dễ thương, có lối trình diễn sống động, dễ thu hút khán thính giả trung niên.
Định cư tại Melbourne khá lâu, Mộng Điệp xuất hiện trong các sinh hoạt văn nghệ không thường xuyên. Có những dạo hơn cả một năm, Mộng Điệp không có mặt trên sân khấu tị nạn. Hỏi ra mới biết bận rộn chuyện gia đình, lo cho con cái. Mộng Điệp đã được ba con.
Ngoài ca hát trong cộng đồng tị nạn, Mộng Điệp còn xuất hiện trong một vài phim tập của các đài truyền hình Úc trong những vai phụ.
Với tính tình vui vẻ, nếu không phải là bận rộn quá đáng mà có ai mời Mộng Điệp giúp trong những công tác văn nghệ phục vụ cộng đồng thì chắc Mộng Điệp sẽ không từ chối. Hiện tại, như một số người làm văn nghệ “lão làng” tại Melbourne, Mộng Điệp ít khi xuất hiện trong các sinh hoạt văn nghệ địa phương.
Ca sĩ Đinh Hưng hát trong dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Trung tâm Sinh hoạt Cộng đồng NVTD-Vic ở Sunshine North năm 2024
Đinh Hưng
Phải nói rằng Đinh Hưng là một trong những giọng ca nam có giá tại Melbourne này. Chẳng thế mà có nhiều báo Việt Ngữ ở đây đã gọi anh là “Sĩ Phú Úc châu”.
Đinh Hưng không phải là một ca sĩ chuyên nghiệp và có lẽ chẳng bao giờ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp cả, bởi vì hiện tại anh là giáo viên trung học. Được cái job “thơm” và nhàn như thày giáo tại xứ Úc này thì còn mong gì nữa. Nhưng ông thày giáo này rất thích hát và hình như cũng chọn cả nơi để hát. Vài năm trước đây, người ta thường thấy Đinh Hưng xuất hiện trên sân khấu các đại nhạc hội có ca sĩ từ Âu Mỹ sang hoặc trong những buổi nhạc hội có tầm vóc lớn của cộng đồng ở đây.
Nguyễn Tâm
Nguyễn Tâm đến định cư tại Melbourne đâu chừng 6, 7 năm rồi. Thoạt đầu, Nguyễn Tâm thường xuất hiện trong mỗi buổi văn nghệ lớn nhỏ tại địa phương. Dạo đó, có đầy đủ những khuôn mặt (mà nay một số đã “mai danh ẩn tích”) như: Bích Ngọc, Mộng Điệp, Mai Hương, (…) Chủ, Nguyễn Đình Hy, Nguyễn Hồng Anh, Việt Thắng, Công Danh, (…) Khải, Hoàng Minh, (…) Thanh v.v…
Trong khi góp mặt trong sinh hoạt văn nghệ, Nguyễn Tâm vẫn tiếp tục công việc học hành và đã học xong ngành Mỹ Thuật (design) tại Úc và hiện đang làm việc cho một công ty trong công việc vẽ mẫu. Hình như Nguyễn Tâm cũng vẽ kiểu cho một số mẫu quần áo nữa.
Hiện nay, sau khi “an cư lạc nghiệp” xong Nguyễn Tâm có vẻ thừa thắng xông lên, sinh hoạt văn nghệ nhiều hơn. Hát cho các buổi dạ vũ, đại nhạc hội và còn tự tổ chức cả “pạc-ti” nhảy đầm nữa. Nguyễn Tâm là một trong những giọng ca nam nổi bật của Melbourne. Tuy tuổi còn trẻ và dáng dấp rất ư là thời trang nhạc trẻ, Nguyễn Tâm xem ra thích hợp với những bản nhạc tình ca nhẹ nhàng.
Nguyễn Đình Hy
Là em của Nguyễn Hồng Anh, Nguyễn Đình Hy đôi lúc sinh hoạt văn nghệ chung với người anh nhưng dành nhiều thời gian sinh hoạt với ban nhạc Wiltona (sau này đổi thành Trùng Dương) và nhóm Vào Đời.
Như nhiều ban nhạc và ca sĩ khác, thời gian gần đây Nguyễn Đình Hy ít xuất hiện trên sân khấu, có lẽ là vì bận việc gia đình (đã có một con). Tuy nhiên không phải vì thế mà không đóng góp vào lãnh vực văn nghệ.
Trong năm nay, Nguyễn Đình Hy và vài người bạn trong nhóm Vào Đời đã cùng thu băng vào đĩa single của ban nhạc Úc nổi tiếng tại Melbourne là ban Painters and Dockers trong bài ca “Đừng Đi”, hát bằng tiếng Anh và Việt.
Bài hát này sau đó đã được toàn ban trình diễn trên Đài Truyền Hình số 7 trong dịp quyên tiền cho bệnh viện Nhi Đồng.
Ngoài ra, Nguyễn Đình Hy cũng góp mặt trong cuốn băng “Đi Hoang Ngày Qua” của nhóm Vào Đời một cuốn băng “cây nhà lá vườn” thứ hai của làng văn nghệ tại Melbourne. Cuốn băng này đã được phát hành đợt hai, mục đích là dùng tiền lời đóng góp vào quỹ yểm trợ người vượt biển.
Bốn ca sĩ từ trái: Dũng, Trinh, Hy và Paul Stewart (phía sau) trong nhóm Vào Đời
Mai Hương
Đến Melbourne định cư sau Bích Ngọc, Mai Hương đã mau chóng nổi tiếng nhờ khả năng ca hát của cô. Giọng hát cao một cách đặc biệt, Mai Hương có thể hát nhạc ngoại quốc lẫn đánh đàn. Cùng với Bích Ngọc, Mai Hương và các bạn gái khác đã thành lập ra ban nhạc Mây Hồng, một ban nhạc nữ duy nhất tại Melbourne, với lối trình diễn độc đáo, táo bạo đã làm “nức lòng” các thanh niên tại đây. Nhưng rất tiếc, ban nhạc này chỉ trình diễn một vài lần và lần chót là tại sân khấu ngoài trời của Hội Chợ Xuân Burnley Oval (đầu năm 1985). Rồi từ đó ban Mây Hồng im luôn dù Mai Hương và Bích Ngọc vẫn còn ca hát. Bích Ngọc và Mai Hương có lẽ là hai giọng ca đã được một số khán thính giả phòng trà ở Sydney biết đến.
Cách đây chừng 2 năm, Mai Hương cho ra đời một bé bi nên vắng mặt trên sân khấu một thời gian. Gần đây, từ Hội Chợ Xuân Đinh Mão, Mai Hương đã xuất hiện lại khá đều trong các sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng.
Nguyễn Hồng Anh
Đến Úc trước Bích Ngọc, Nguyễn Tâm đâu chừng một năm, sau nửa năm ở Nam Úc, trình diễn văn nghệ trong cộng đồng tại đó, ở các trường trung học Úc và đài phát thanh đại học, Nguyễn Hồng Anh đã “mu”về Melbourne để sống gần bạn bè quen biết từ hồi còn ở trại tị nạn.
Sở trường về trình diễn nhạc dân ca, Nguyễn Hồng Anh lại là người sáng tác nhạc. Anh sáng tác nhạc từ năm 1975, có một số bài được các ca sĩ bên Hoa Kỳ lấy từ tập “Thân Phận Ca” của anh phát hành tại trại tị nạn (1981) thu vào băng nhạc (Siêu Âm 1).
Tại Melbourne, cho đến khi điều hành tờ TiVi Tuần San, Nguyễn Hồng Anh là người hoạt động tích cực trong lãnh vực văn nghệ, văn hóa. Anh đã sưu tầm, chuyển ngữ để phát hành tập “50 bài ca Thiếu Nhi”, lập ra ban vũ “Việt Nhi” và là trưởng ban văn nghệ của các hội chợ xuân của cộng đồng.
Xem ra Nguyễn Hồng Anh rất chú trọng giới thiệu âm nhạc cũng như văn hóa Việt đến người Úc trong lãnh vực hoạt động của anh. Nguyễn Hồng Anh là người có thể hát trong bất cứ môi trường nào, từ cầm đàn đứng hát ngoài đường phố cho đến trên sân khấu có ánh đèn màu. Tuy vắng mặt hoàn toàn trong sinh hoạt văn nghệ cộng đồng trong một năm qua, Nguyễn Hồng Anh cho biết sẽ trở lại sinh hoạt nếu hoàn cảnh cho phép. Và ước mong của anh là phát hành được một cuốn băng nhạc do anh viết và hát.
Nguyễn Hồng Anh trình diễn dân ca tại Melbourne City Square
Phượng Hoàng
Khởi đầu công tác với ban nhạc Trùng Dương, hát trong những dịp lễ lạc, trong các bữa tiệc, khiêu vũ, Phượng Hoàng đã dấn thân xa hơn trong các buổi văn nghệ đấu tranh và nhất là các buổi biểu tình chống cộng.
Ngoài việc hát để phục vụ cộng đồng, Phượng Hoàng còn đi học, hết làm receptionist cho văn phòng bác sĩ ở Footscray đến làm thông dịch viên cho văn phòng luật sư ở Brunswick.
Không biết vì bận làm việc, bận học hay bận cái gì gì nữa mà năm qua, người thiếu nữ có mái tóc dài độc đáo, một khuôn mặt quen thuộc của sinh hoạt văn nghệ cộng đồng đã không còn thấy xuất hiện?
Thu Hồng
Thu Hồng là ca sĩ của ban nhạc Mây Trắng, một ban nhạc xuất hiện khá lâu tại Melbourne và vẫn còn sinh hoạt đến ngày hôm nay.
Ngoài một vài lần hát trong các sinh hoạt cộng đồng, Thu Hồng chuyên hát trong các buổi dạ vũ, tiệc tùng và có khả năng trình diễn các loại nhạc trẻ và nhạc ngoại quốc.
Phùng Hưng
Mới xuất hiện trong sinh hoạt văn nghệ tại Melbourne trong vài năm gần đây, tên Phùng Hưng đã chóng quen thuộc với giới mộ điệu cũng như của cộng đồng ở đây.
Phùng Hưng hát trong những dịp lễ hội đoàn tổ chức cũng nhiều mà trong các buổi khiêu vũ cũng không ít. Có lẽ Phùng Hưng là một trong những giọng ca nam còn sinh hoạt đều nhất tại Melbourne. Còn trẻ tuổi, Phùng Hưng có lẽ sẽ tiến xa hơn nữa trong lãnh vực ca hát bán chuyên nghiệp này.
Ban vũ Việt Nhi của Cộng Đồng do Nguyễn Hồng Anh và Vũ Hà hướng dẫn tại Lễ hội Moomba ở Melbourne đầu thập niên 1980
Ngoài một số khuôn mặt vừa nêu trên, còn những khuôn mặt khác mà tài năng không phải là thua kém chi những người vừa được ghi ra. Nhưng có lẽ họ ít sinh hoạt hơn vì nhiều lý do và biết đâu cũng sẽ trở lại sinh hoạt nhiều hơn.
TVTS xin ghi ra một vài khuôn mặt điển hình trong lãnh vực trình diễn:
-Thanh Tiên: Cô thiếu nữ có khuôn mặt xinh và giọng hát dễ thương, chuyên xuất hiện trong các dịp tổ chức của cộng đồng, đoàn thể và tôn giáo.
-Thúy Hồng: Cũng như Thanh Tiên, Thúy Hồng chỉ hát cho các buổi tổ chức của cộng đồng và đoàn thể. Ngoài ra, Thúy Hồng còn là người hướng dẫn các ban vũ trong Gia đình Đại Bi Quan Âm.
-Việt Thắng: Giọng ca Việt Thắng được xem là một trong những giọng ca nam hay của Melbourne nhưng Việt Thắng ít khi xuất hiện trên sân khấu, mặc dù đến định cư tại Melbourne khá lâu. Thỉnh thoảng Việt Thắng vẫn còn hát trong ca đoàn kháng chiến hay trong các dịp tổ chức của nhà thờ.
-Đoan Trang: Giọng ca “mới” của Melbourne, người thiếu nữ trẻ này chỉ xuất hiện trên sân khấu do sinh viên, học sinh và các đoàn thể tổ chức.
-Thùy Linh: cũng như Đoan Trang, giọng ca trẻ Thùy Linh sở trường về nhạc quê hương và tình ca, nhưng chỉ đóng góp trong sinh hoạt văn nghệ do các hội đoàn tổ chức.
-Kim Dung: cô ca sĩ có vóc dáng dễ thương và là người đẹp đã vào được chung kết cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài Úc châu 1986 tại Melbourne một dạo đã hát thật nhiều dịp từ lễ lạc của các đoàn thể đến các dạ vũ. Nhưng hình như gần đây thấy ít xuất hiện.
-Thanh Nguyên: Hát thật nhiều, cho mỗi dịp lễ lạc, các dạ vũ tiệc tùng. Là ca sĩ chính của ban nhạc Trùng Dương nhưng từ ngày lấy chống (Keyboard của ban Trùng Dương) thì hình như cả ông nhạc sĩ chơi organ lẫn cô ca sĩ không còn thấy xuất hiện?
Và cũng còn một vài tên tuổi khác mà TVTS vì lý do thì giờ eo hẹp đã không thể tìm hiểu cặn kẽ hơn để ghi ra. Họ có thể là một Trần Khương, tay sáo trúc độc đáo với bài ca Phượng Vũ từng xuất hiện 5, 6 năm về trước trên sân khấu Melbourne mà nay là một kỹ sư điện toán và vừa mới xuất hiện trong phim video “Tình Nào Cho Em” của nhóm Kịch Ảnh Tâm Phan.
Cũng có thể là một Liêm có thể chơi đủ loại nhạc cụ, đặc biệt đánh được cả đàn tranh, đàn bầu. Hoạt động rất tích cực 4, 5 năm về trước, nhưng nay anh bận coi sóc nhà hàng và nhất là chăm sóc hai đứa con. Và vì thế ít người biết tới.
Cũng có thể là một Minh Nhật đa tài, sáng tác, ca hát và chơi đủ loại nhạc cụ; tuy nhỏ con nhưng đã ôm cái kèn saxo thì cũng có thể làm cho bài hát hoặc buổi khiêu vũ trở nên sống động.
Minh Nhật là người Việt đầu tiên tại Melbourne thực hiện phòng thu âm và đã thu hai cuốn băng “Tị Nạn Ca” của Bích Ngọc và “Đi Hoang Ngày Qua” của nhóm Vào Đời. Nghe nói Minh Nhật đang tân trang lại phòng Studio của anh cho tối tân hơn để có thể theo kịp vơi các phòng studio thu âm của người Việt bên Mỹ. Xin giới thiệu bạn đọc phòng thu băng cây nhà lá vườn Minh Nhật Studio.
Minh Nhật đệm guitar cho Nguyễn Hồng Anh hát trong một buổi văn nghệ tại trại tị nạn Galang, Indonesia vào năm 1981
Về các ban nhạc, thật sự khó mà biết được ban nhạc nào còn “sống”, ban nhạc nào đã “chết”. Vì môi trường hoạt động quá bị giới hạn, các ban nhạc đôi lúc lập xong, trình diễn một vài lần, vài năm rồi tạm nghỉ, sau đó lại xuất hiện tiếp.
Nhiều ban nhạc lại là một sự tổng hợp của nhiều ban khác. Tay đàn này có thể vừa chơi cho ban nhạc này vừa hợp tác với ban kia. Hoặc có lúc ban nhạc này tạm nghỉ, họ qua chơi cho ban nhạc khác.
Nếu nói về thời gian thì ban nhạc Sao Đêm, Rolling Stones và Wiltona (sau này là Trùng Dương) là những ban nhạc lão làng nhất tại Melbourne. TVTS xin ghi nhận sự hiện diện của các ban nhạc Việt tại Melbourne, dù chỉ hiện diện một thời gian ngắn thôi như là trường hợp ban nhạc nữ Mây Hồng:
-Sao Đêm
-Rolling Stones
-Trùng Dương (Wiltona)
-Hồn Hoang
-Hải Đăng
-Mây Hồng
-Young Club
-Chiêu Anh
-Christal
-Kháng Chiến
-Hải Âu
-Hương Việt
Và gần đây nhất, cuối năm 1987, sự ra đời của ban nhạc mới tinh là Cat Eyes. Nhiều người trong các ban nhạc là dân chơi nhạc tài tử, nhiều người có trình độ cao hoặc là những học viên của các trường âm nhạc tại Melbourne.
Theo sự dò hỏi của TVTS thì các nhà tổ chức đại nhạc hội và khiêu vũ cho biết hiện có khoảng 4 ban nhạc còn hoạt động thường xuyên, hiểu theo khía cạnh thương mại, đó là: Sao Đêm, Mây Trắng, Christal, Hải Âu.
Nhìn lại một khoảng thời gian dài, đã có khoảng 14 ban nhạc ra đời tại Melbourne, nhưng mức sinh hoạt đã không được liên tục. Người ta có cảm tưởng rằng văn nghệ VN ở hải ngoại và tại Melbourne nói riêng đang đi vào ngõ bí, không vươn lên được. Ít ai trong giới đàn ca nghĩ là sẽ chọn văn nghệ làm một nghề dễ sinh sống, nếu có vướng vào thì coi như là cái nghiệp chướng.
***
Nói đến ca hát, văn nghệ thì cũng không thể quên những người, có thể chẳng biết đàn ca một tí ti ông cụ nào hết, nhưng lại là những người rất quan trọng trong các buổi văn nghệ nhờ cái tiếng khéo miệng của họ, đó là các người xướng ngôn kiêm hoạt náo sân khấu.
MC Nguyễn Hữu Thiện giới thiệu Nguyễn Hồng Anh và Ban Vũ Việt Nhi trong một chương trình văn nghệ tại Melbourne
Trước hết và trước tiên khi dân Melbourne bắt đầu “biết” tổ chức văn nghệ, đại nhạc hội cho một nhóm nhỏ người tị nạn tại đây thì đã có linh mục Bùi Đức Tiến.
Linh mục Bùi Đức Tiến là người xướng ngôn đầu tiên cho một đại nhạc hội ngoài trời của người Việt thời đó gọi là Ngày Việt Nam. Hình như khi đó giữa ban tổ chức Ngày Việt Nam và CĐNVTD-Vic chưa có sự dẫm chân lên nhau và “tranh giành” nhau về việc tổ chức Tết cho đồng bào. Linh mục Bùi Đức Tiến dù chỉ làm xướng ngôn một vài lần (kể cả các buổi văn nghệ trong phạm vi nhà thờ) cũng đã nổi tiếng là người ăn nói hay, hoạt bát, “đứng” sân khấu vững.
Tiếp đến là anh Nguyễn Tân Hải. Anh Nguyễn Tân Hải là người đã có tiếng giỏi làm xướng ngôn viên (luật sư mà!) khi còn ở bên trại tị nạn Galang. Qua đến Úc, anh Hải làm xướng ngôn viên cho các chương trình văn nghệ một thời gian rồi ngưng hẳn khi làm chủ tịch cộng đồng Người Việt Tự Do Victoria.
Sau anh Hải là anh Nguyễn Hữu Thiện. Người làm xướng ngôn lâu dài nhất và nổi tiếng nhất tại Melbourne có thể nói là anh Nguyễn Hữu Thiện. Cộng đồng mời anh đã đành mà các nhà tổ chức đại nhạc hội thời đó cũng phải tìm cách mời cho được anh. Ngoài âm thanh của giọng nói hay, anh Thiện còn có biệt tài ăn nói, ứng đối rất khéo léo, hợp tình hợp cảnh trên sân khấu. Không có “temps mort”, không khí bị loãng khi anh cầm mi-cro. Một thời gian sau, anh Thiện chỉ làm xướng ngôn cho các đoàn thể và cộng đồng mà thôi. Và đến Đại Hội Nhạc Trẻ và Hoa Hậu Áo Dài năm 1986, người ta không còn thấy anh Nguyễn Hữu Thiện xuất hiện trên sân khấu nữa. Tiếc thay một tài năng chẳng thua gì Ngọc Phu ngày trước!
Anh Nguyễn Hữu Thiện không còn hoạt động kể như Melbourne thiếu đi một xướng ngôn viên “chuyên nghiệp” của các sân khấu. Nếu quan niệm người xướng ngôn viên sân khấu chỉ đọc hay giới thiệu tên bản nhạc, người hát, người đàn thì ai cũng có thể làm được. Bích Ngọc cũng từng là người giới thiệu chương trình cho nhiều buổi văn nghệ, đại nhạc hội, nhưng vai trò xướng ngôn viên của cô chỉ thành công giới hạn. Không hiểu tại sao vai trò xướng ngôn viên hoạt náo luôn luôn thành công đối với nam giới, dù rằng họ chẳng đẹp trai? Cả những tay hoạt náo gạo cội của các show trên tivi Úc cũng là đàn ông nốt?
***
Nói về tân nhạc thì cũng nên nói đến cổ nhạc cho đồng đều, vì cổ nhạc, cải lương cũng là văn nghệ vậy.
Trước đây, khi ban tổ chức Ngày Việt Nam còn hoạt động, gia đình ông Mai Văn Khuông là nhóm chủ lực của những buổi văn nghệ.
Gia đình Mai Văn Khuông là một đại gia đình, anh em con cháu đều biết làm văn nghệ, nhất là sở trường về vọng cổ và cải lương. Chính lợi điểm này đã giúp ông Khuông có khả năng để tổ chức Ngày Việt Nam được trong 4, 5 năm liền. Nhận thức được vai trò của Cộng Đồng NVTD trong sinh hoạt cộng đồng, ông Mai Văn Khuông đã sát nhập Ngày Việt Nam vào với Hội Chợ Xuân của Cộng Đồng NVTD và sau đó giải tán luôn việc tổ chức Ngày Việt Nam. Từ đây ngày Tết ở Melbourne mọi người đều vui vẻ cả làng, nhưng hoạt động văn nghệ của ông Mai Văn Khuông không còn được như trước.
Bên cạnh một Mai Văn Khuông có tài về cổ nhạc, cải lương còn có hai người khác có khả năng về lãnh vực này, đó là ông Bửu Lân và Nguyễn Văn Tôn, hai nghệ sĩ lão thành làm giám đốc và nhà dìu dắt đoàn cải lương “Tiếng Hát Tình Thương”.
Song song với việc bảo tồn và phát huy văn hóa, đoàn cải lương Tiếng Hát Tình Thương chuyên trình diễn để gây quỹ trong các công tác từ thiện hoặc giúp đỡ đồng bào tại các trại tị nạn.
Và cuối cùng, bước sang lãnh vực kịch ảnh. Sự ra đời của nhóm Kịch Ảnh Tâm Phan đã đem lại một sinh khí mới cho sinh hoạt văn nghệ tại đây, đặc biệt là việc ra mắt cuốn video “Tình Nào Cho Em”.
Ở Việt Nam trước kia, nhiều người biết đến tên tuổi của kịch sĩ Tâm Phan, một diễn viên nổi tiếng của các đài phát thanh và truyền hình.
Qua Úc được hai năm, anh Tâm Phan đã rời Sydney xuống Melbourne và anh sống luôn tại đây. Gặp nhóm TD & Video, anh Tâm Phan đã hợp tác để thực hiện cuốn phim video Tình Nào Cho Em mà nội dung, các diễn viên cũng như những lời phê bình nhận xét của quan khách trong ngày ra mắt cuốn video đã được TVTS tường thuật trong một số báo trước đây.
***
Nhìn lại đoạn đường 7, 8 năm qua khi sinh hoạt văn nghệ Melbourne bắt đầu ló dạng và trổ sắc, sau những năm tháng bị cấm cản tại quê nhà và những ngày đầu còn xa lạ tại xứ người, thực sự sinh hoạt văn nghệ Melbourne vẫn còn những lúng túng, những ngõ bí chưa thể thoát ra được.
Có người nói rằng vì đa số những nghệ sĩ chuyên nghiệp trước kia đều định cư ở Mỹ cả, kẻ khác lại nói rằng tại vì môi trường văn nghệ tại Úc không thích hợp để các tài năng phát triển.
Dù nói gì đi nữa thì viễn ảnh của một nền văn nghệ tị nạn, một nền văn nghệ sắc tộc VN trong một xã hội Úc đa văn hóa có phát triển tốt đẹp, có đơm hoa rực rỡ như khi Chúa Xuân đến không vẫn tùy thuộc vào thái độ, sự cố gắng của người nghe lẫn người trình diễn, tức là khán thính giả và nghệ sĩ.
Ký Cóp Nhặt
(Trích Giai phẩm Xuân Mậu Thìn 1988 của TiVi Tuần-san)