ANH TUẤN: đã đến lúc…

25 Tháng Ba, 2013 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Anh Tuấn

 

Lần đầu tôi biết đến Anh Tuấn khi  thấy anh xuất hiện trên chương trình video kỷ niệm 12 Năm Thành Lập Trung Tâm Kim Lợi cách đây hơn 3 năm.  Trong đó Anh Tuấn trình bầy nhạc phẩm Nắng Úa Tình Tôi của Ngọc Loan. Tuy chưa được tự nhiên trong phong cách diễn tả, nhưng giọng hát của anh có thể nói là đã tạo được một sự lôi cuốn nào đó.

 

Một thời gian sau, tôi gặp nữ nhạc sĩ Ngọc Loan ở San Jose và được chị cho biết  rất hài lòng với giọng hát của một khuôn mặt mới ở cùng thành phố với mình trong phần trình bầy tác phẩm của chị. Tôi nuôi ý định trong đầu để có dịp sẽ  giới thiệu tiếng hát này đến với người yêu nhạc.

 

Chưa kịp thực hiện thì vào năm 2006 tôi nhận được CD Cho Dòng Sông Cuốn Trôi do Diệu Hương gửi tặng.  Trong đó tôi thấy tên Anh Tuấn trình bầy nhạc phẩm Như Biển Đêm Nay. Và lời kết của CD đó cũng được diễn tả bằng giọng nói chất chứa nhiều tình cảm mà Diệu Hương rất khen ngợi.

 

Cũng chính vậy mà sau đó,  Anh Tuấn thỉnh thoảng vẫn được mời xuất hiện trong những chương trình nhạc do Diệu Hương thực hiện.  Tên tuổi Anh Tuấn cho đến nay đang là một tên tuổi  gây được chú ý cho người nghe sau một thời gian sinh họat văn nghệ tại thành phố anh cư ngụ là San Jose và một vài tiểu bang khác sau khi từ Việt Nam  một mình sang Mỹ mới từ năm 2001.

 

Nguyễn Anh Tuấn là tên thật của người nam ca sĩ còn trẻ này. Anh sinh năm 1968 tại Bình Dương và là người con thứ  5 trong một gia đình có 7 người con.  Bố mẹ anh di cư vào Nam năm 1954, vào sống ở Biên Hòa. Sau đó lại chuyển đi một vài nơi khác trước khi trở về sống ở Biên Hòa cho đến khi anh ra đi.

 

Bố mẹ và anh chị em của Anh Tuấn đã sang Mỹ từ trước nên anh được đi theo diện bảo lãnh.  Anh quyết định ở lại Việt Nam một mình vì lúc đó có công ăn việc làm, tưởng như là sẽ có được một tương lai tốt đẹp. Hơn nữa lúc đó còn trẻ nên thích vui bạn, vui bè.  Nhưng cuối cùng  mọi diễn tiến đã không xẩy ra như anh mong muốn, nên cuối cùng Anh Tuấn quyết định ra đi…

 

Trước đó, ngoài công việc chính là làm “saleman” cho một công ty Nhật ở Sài Gòn, nên hàng ngày anh vẫn đi đi về về giữa Sài Gòn và Biên Hòa. Do sự đòi hỏi của công việc, Anh Tuấn đã cố gắng tự học Anh Văn để lấy được bằng TOEFL, nhờ có khiếu về ngọai ngữ từ khi còn theo học trung học. Cũng nhờ vậy, cộng với sự học hỏi thêm nơi những bạn đồng nghiệp người Mỹ trong công ty, nên anh đã không gặp nhiều trở ngại về mặt giao tiếp khi sang tới Mỹ.

 

Cũng trong thời kỳ còn ở Việt Nam, Anh Tuấn đã từng tham gia văn nghệ trong vai trò một nhạc sĩ sử dụng bass trong ban nhạc, trình diễn tại các tụ điểm ca nhạc ở Biên Hòa sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông trường Nguyễn Trãi.

 

Thật ra, ngay từ  hồi còn là học sinh cấp 1 trường Hố Nai, Anh Tuấn  đã mê văn nghệ, với ước mơ trở thành một nghệ sĩ.  Nhưng nhớ về điều này anh cho đó chỉ là  giấc mơ của một đứa trẻ con. 

 

Khi mới qua San Jose, Anh Tuấn sau khi có bằng lái xe đã đi làm thu ngân viên cho siêu thị Target. Ba tháng sau anh phụ trách khâu bán phụ tùng xe hơi cùng phụ trách công việc văn phòng cho một công ty Mỹ trong 4 năm. Vì nhận thấy không thích hợp trong công việc này nên anh đã chuyển qua học về ngành thẩm mỹ và hiện là một nhà thiết kế kiểu tóc chuyên nghiệp từ tháng 4 năm 2007. Về lãnh vực âm nhạc, Anh Tuấn đã có cơ hội họat động ngay từ lúc mới đặt chân tới San Jose.  Tuy nhiên anh vẫn tỏ ra tiếc rẻ đã không qua bên này sớm…

 

Ban nhạc đầu tiên Anh Tuấn hợp tác là ban nhạc nổi tiếng tại thành phố San Jose có tên là The Tranz, mà Anh Tuấn coi là ban nhạc đã khám phá ra anh. Một lần đến chơi tại  nơi ban The Tranz làm việc. Vào giờ nghỉ giải lao, anh xin ban nhạc được lên sân khấu hát một bài. Sau khi nghe anh trình bầy nhạc phẩm Bây Giờ Tháng Mấy, trưởng ban nhạc này đã xuống gặp anh trò chuyện và tỏ ý khen ngợi giọng hát của anh.

 

Khi trở lại đây lần thứ nhì, anh được quản lý Casino Bay 101 mời cộng tác để cùng hát chung với ban nhạc The Tranz kể  từ tháng 4 năm 2001.  Anh hát tại đây liên tiếp khoảng 7 tháng cho đến khi sòng bài này không còn được phép trình diễn văn nghệ.

 

Thời gian sau đó Anh Tuấn giữ vai trò  nhạc công cho nhiều  ban nhạc khác ở đây, chủ yếu là ban nhạc của nhạc sĩ  Lê Huy.  Ngoài phần phụ họa cho các ca sĩ, thỉnh thoảng  anh cũng có dịp phô diễn giọng hát của mình qua những nhạc phẩm tiền chiến trong những “live show” hoặc tại những tiệc cưới.  Đến năm 2005, The Tranz nhận được giao kèo trình diễn cho một nhà hàng ở Milpitas, nên anh lại trở về hợp tác với ban nhạc  này cho đến khi nhà hàng ngưng họat động.

 

Tuy nhiên trước mắt mọi người, Anh Tuấn vẫn chưa được chính thức công nhận là một ca sĩ, mà chỉ là môt nhạc công thuần túy.  Chính vì điểm này, Anh Tuấn đi đến quyết định dứt khóat không chơi đàn nữa, để chỉ chú tâm vào việc hát từ 2 năm nay.

 

Quyết định của anh cũng đến từ sự góp ý của nhiều người từng có dịp nghe anh hát. Hơn nữa, anh còn nhận được rất nhiều sự khuyếh khích của 2 nữ nhạc sĩ Ngọc Loan và Diệu Hương là hai người để ý đến giọng hát của anh mà cả hai đều cho là truyền cảm và rất có hồn.

 

Nhưng vấn đề đặt ra là San Jose, nơi anh cư ngu, có phải là một môi trường thuận tiện để Anh Tuấn có thể phát triển về con đường ca hát của mình hay không.  Về điểm này anh đưa ra nhận xét như sau: “Mình là người ở đây, hát ở đây thì khán giả San Jose sẽ biết mình nhiều hơn. Và sẽ được nhiều người ở nơi nình sinh sống ủng hộ. Nhưng thực tế, thời gian đầu là như vậy. Nhưng nếu muốn đi hát kiếm tiền  thì còn có nhiếu khó khăn dù rằng đối với khán giả thì lúc nào cũng yêu mến và động viên mình. Nhưng  với các bầu show thì họ quan niệm mình là ca sĩ local. Vé bán được đâu phải vì nhờ tên của mình.  Vì vậy  họ cũng rất hạn chế gọi. Nếu có thì cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi. Cho nên không thể nói là một môi trường thuận lợi”.

 

Anh Tuấn vừa đưa ra một số nhận xét rất thực tế của anh. Anh cũng lại nhận thấy muốn giọng ca mình được phổ biến một cách rộng rãi hơn không gì hay hơn là có dịp xuất hiện trên các chưong trình  video của các trung tâm nhạc. Những nhà tổ chức luôn cho rằng giọng hát nào chưa được lên video thì chưa đạt được khả năng. Dù sự thật không phải đúng như vậy vì có biết bao nhiêu người có khả năng ca hát, nhưng chưa có dịp xuất hiện nên đành phải tự an ủi là chưa gặp dịp may hoặc chua gặp thời. Tuy nhiên thực tế cho thấy sự cần thiết có mặt trên các chương trình video đã trở thành một qui luật trong ngành “show business”.

 

Không những là một giọng hát hay, Anh Tuấn còn rất vững vàng về âm nhạc.  Đầu tiên anh theo học về guitar cổ điển t tại Nhà Văn Hóa Đồng Nai ở Biên Hòa. Sau đó lại học thêm nơi các thầy từ Nhạc Viện Sài Gòn về dạy. Sau một thòi gian, anh chuyển qua sử dụng bass để chơi trong ban nhạc.  Gần đây anh chú tâm đến việc hát nên nghĩ là sẽ phải lấy những lớp học hát để tạo cho mình mọt căn bản vững vàng hơn.

 

Từ đó anh ghi tên theo học những lớp về vocal  tại college.  Thêm vào đó là những giờ học riêng với một giáo sư  nhạc người Mỹ. Lại còn được chỉ dẫn thêm về thanh nhạc từ một cô giáo người Việt tên Hiền.

 

Tuy chưa có cơ hội xuất hiện trên những chương trình video là điều Anh Tuấn luôn mong muốn, ngoài một lần xuất hiện trên một chương trình của trung tâm Kim Lợi.  Nhưng Anh Tuấn may mắn là đã bắt đầu được khán thính giả tại một số thành phớ lớn biết tới như  Seattle, Houston, Dallas, Phoenix, Kansas City, Mississipi, vv…

 

Lần anh xuất hiện trong chương trình nhạc của Diệu Hương vào cuới năm 2007 vừa qua cũng đã gây được nhiều cảm mến nơi những người tham dự.  Do đó anh lại được mời xuất hiện trong chương trinh đại nhậc hội vào ngày 18 tháng 5 năm 2008 tới đây do tuần báo Thời Báo tổ chức tại Montreal, Canada cùng với trên 10 nghệ sĩ tên tuổi khác.

 

Trả lời câu hỏi vấn đề tài nghệ hay may mắn đối với một người ca sĩ, vấn đề nào quan trọng hơn. Anh Tuấn đưa ra nhận xét của mình như sau: “Theo suy nghĩ của em thì  cái chính vẫn phải là tài nghệ. Sau đó cộng thêm sự may mắn nữa thì mới được. Chứ Nếu chỉ có sự may mắn không  thì không giúp mình đi xa được.  Còn nếu có  được khả năng  mà cộng thêm với sự may mắn thì em nghĩ là sẽ  tốt hơn cho mình. Nhưng nếu thiếu sự may mắn thì cũng vứt đi luôn. Chẳng  được cái gì cả!”

 

Riêng về phần mình, anh nhận là có may mắn vì được khá nhiều ca sĩ chuyên nghiệp giới thiệu với các bầu show để đi hát.

 

Ngoài yếu tố may mắn có được, Anh Tuấn hiện rất chăm chú vào việc tập dượt và tập luyện, rút tỉa từ những gi đã thu thập được, cộng với cách suy nghĩ của riêng mình để chú tâm đến các điểm khó trong một nhạc phẩm, để dễ dàng kiểm soát được hơi thở hay để tăng cường độ tiếng vang hay độ cao cho thanh quản được mạnh hơn.

 

Anh Tuấn cho biết nếu có điều kiện được tự do chọn lựa theo ý thích mà không phải chiều theo thị hiếu của người nghe, anh sẽ rất thích trình bầy nhạc tiền chiến cũng như rất thoải mái khi diễn tả những ca khúc của Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, vv…

 

Dưới mắt nhìn của mình, Anh Tuấn đưa ra một số nhận xèt về dòng dòng nhạc trong nước và hải ngọai.  Về dòng nhạc trong nước, anh cho là  “Theo những gì  tham khảo,  những gì đọc được  trên báo chí thì em  thấy cái sự khác biệt với dòng nhạc hải ngoại. Theo em thấy bên Việt Nam họ sáng tác nhiều. Và khi nhiều quá thì có lẽ là   thời gian đầu tư vào đấy không đủ.  Thành ra chất lượng của nó  khôhg có bền lâu được.  Chỉ  rộ lên một lúc nào đó   theo phong trào thôi  chứ khôhg phải là một hiện tượng  gì.  Xong rồi nó lại chết lắng đi, chìm ngay vào quên lãng, không kéo dài được. Có lẽ thời giam đầu tư vào để sáng tác không kéo dài đâm ra thời gian nó cũng không kéo dài luôn”.

 

Trong khi đó ở hải ngoại, Anh Tuấn cho rằng “những người sáng tác không bị cuốn theo cái tốc độ. Người ta làm nó thảnh thơi theo  thời gian người ta có.  Và theo cái tâm hồn người ta có  trong cái bài hát. Chứ không phải đua theo phong trào. Ngưiời ta không bị ảnh hưởng như  vậy. Đâm ra họ  sáng tác cẩn thận hơn và mất nhiều thời gian hơn. Người ta phải xem xét kỹ lưỡng hơn thành  ra  có giá trị bền lâu”.

 

Với những gì Anh Tuấn có được  như một làn hơi truyền cảm, một giọng hát diễn tả sâu xa, một kỹ thuật vững vàng và một tính tình dễ mến, người ta tin rằng đã đến lúc Anh Tuấn sẽ thực hiện được những điều anh mong ước…

 

Trường Kỳ (TVTS số 1148)