Bé TUONG VI: tấm guong về ghệ thuật và văn hóa Việt

09 Tháng Mười, 2012 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Tường Vi

 

 

Khác với nhiều em thiếu nhi cùng lớp tuổi 12, 13, sinh ra và lớn lên tại hải ngoại, cô bé Tường Vi hầu như vẫn còn giữ nguyên được vẻ thuần túy Việt Nam. Trong khi không ít bạn bè đồng trang lứa với em đã bị ảnh hưởng khá nhiều bởi nền văn hóa Âu Mỹ. Qua cách trang phục cũng như qua lối sống và suy nghĩ trong đời sống thường ngày. Với bé Tường Vi, y phục của em không kiểu cách, ăn diện theo “fashion” mà còn rất giản dị, đơn sơ. Không những thế, trong những lần trình diễn trên sân khấu, Tường Vi còn thướt tha trong những chiếc áo dài xinh xắn thuần túy Việt Nam.

 

Đặc biệt hơn cả, nếu có dịp tiếp xúc với Tường Vi, người ta sẽ đễ dàng nhận thấy tâm hồn của cô bé sinh ngày 20 tháng 11 năm 1996 tại Mississauga này vẫn hoàn toàn còn là tâm hồn của một bé gái Việt Nam, còn duy trì được nền văn hóa dân tộc.  Mặc dù bé theo học chương trình của người bản xứ tại trường trung học Applewood ở Mississauga với một số điểm trung bình khá cao. Thêm vào đó, bé còn là một cô học trò chăm chỉ của một trường múa tại đây về môn  Ballet, cũng như là một nhạc sinh của môn đàn piano.

 

Dù giao tiếp thường xuyên với nền văn hóa Âu Mỹ qua việc học vấn và các bộ môn nghệ thuật, nhưng bé Tường Vi – dù có phần vượt trội hơn nhiều bạn bè trong bất cứ lãnh vực nào do sự hội nhập dễ dàng của mình – vẫn dành một chỗ đứng cao cho nền văn hóa dân tộc là điều bố mẹ bé luôn mong mỏi.

 

Đối với những sinh họat dành cho thiếu nhi mang tính cách cộng đồng, bé Tường Vi là một khuôn mặt sáng chói từ khoảng 4 năm nay tại Toronto, Mississauga và các vùng phụ cận. Nào là chương trình của hội Hoa Tình Thương, các chương trình đặc biệt Tết, Trung Thu hoặc các dịp như Phật Đản, Vu Lan cùng Lễ Bế Giảng của Trường Việt Ngữ Mississauga là nơi Tường Vi theo học từ 7 năm nay vào mỗi sáng Thứ Bảy.

 

Chất giọng ngọt ngào của bé với cách phát âm rõ ràng và lối diễn tả sống động qua những nhạc phẩm trình bầy đã gây nhiều thích thú cho cả thành phần khán giả lớn tuổi lẫn trẻ em.  Vào dịp Tết vừa qua, một lần nữa bé Tường Vi đã nhận được nhiều tràng pháo tay khích lệ từ hàng ngàn khán giả tham dự  “Hội Xuân Tha Hương Kỷ Sửu 2009” tại International Center trong tiết mục đơn ca Khúc Nhạc Ngày Xuân.  Không kể khả năng về múa của bé còn được thể hiện qua tiết mục Cô Gái Tóc Dài cùng với các bạn trong đội múa của trường múa Mai Khanh, là nơi bé theo học về Ballet từ năm 2006.

 

Do lòng mến chuộng văn hóa Việt Nam, bố mẹ Tường Vi đã rất khuyến khích bé trên con đường nghệ thuật cũng như vấn đề trau dồi tiếng Việt. Bố em, anh Khổng Văn Tài, quê ở Trà Vinh và mẹ, chị Nguyễn Thị Thủy, sinh trưởng ở Bến Tre là hai tỉnh giáp nhau thuộc vùng đồng bằng Cửu Long.  Cả hai bố mẹ em đều là những người có nhiều gắn bó với thôn xóm, lũy tre với tất cả tâm hồn chân chất và mộc mạc nên luôn muốn con cái họ duy trì được nền văn hóa đặc thù đã in sâu vào tâm thức họ.

 

Tất cả bắt nguồn từ khi bố mẹ Tường Vi nhận biết được khả năng ca hát của bé khi mới được khoảng 4 tuổi: “Em nhận ra khả năng của bé từ lúc bé 4 tuổi. Líc đó bé đã bắt đầu học hát theo những băng nhạc, chương trình Karaoke  thiếu nhi  của Việt Nam do em mua về.  Khi đó, bé chỉ nghe hát để hát theo thôi.  Vì lúc đó bé chưa biết đọc, chưa biết viết. Dự định của em lúc ấy  là cho cháu bắt đầu đi học tiếng Việt…”, như lời kể của anh Tài.  

 

Còn chị Thủy cho biết chi tiết hơn: “Em thường xoa lưng cho bé và hát để ru bé ngủ. Một bữa em hát bài vọng cổ là Lambada. Em hát đại chứ không có biết nhạc gì hết.  Lúc đó bé Tường Vi nới hơn 3 tuổi, bé nói mẹ đừng hát bài này nghe buồn lắm  rồi bé hát lại y hệt. Từ đó, mỗi lần em hát gì nó cũng lắng nghe và sau đó thuộc lòng để hát.”

 

Thế là bé Tường Vi được bố mẹ ghi tên theo học từ lớp mẫu giáo tại Trường Việt Ngữ Mississauga, liên tiếp cho đến nay đã được 7 năm, nhờ bé rất thích thú trong việc theo học tiếng mẹ đẻ.  Một điểm đặc biệt cần ghi nhận là từ lớp 1 của Trường Việt Ngữ đến nay, bé TườngVi liên tiếp chiếm được bằng Hạng Nhất với số điểm trung bình 98! Bé cũng hy vọng vào dịp Lễ Bế Giảng vào tháng 6 năm nay, bé sẽ nhận thêm được một bằng Hạng Nhất nữa!

 

Tuy bố mẹ Tường Vi đã khám phá ra năng khiếu bẩm sinh của bé về ca hát, nhưng tại các lớp mẫu giáo Việt Ngữ, bé chưa có dịp được phô diễn tài nghệ một mình, dù bố mẹ bé rất hãnh diện về cô con gái của mình.  Mãi đến khi lên tới lớp 4, bé mới được cô giáo phụ trách là Cẩm Tâm cho lên sân khấu hát đơn ca trong chương trình đặc biệt Tết của trường vào năm 2005. Với nhạc phẩm Đón Xuân, bé Tường Vi lúc đó mới 9 tuổi đã gây được bất ngờ và thích thú nơi các phụ huynh có mặt…

 

Nhớ lại lần trình diễn trước đông đảo khán giả đó, Tường Vi cho biết bé rất hồi hộp. Nhưng sau đó, một niềm vui to lớn đã đến với bé khi biết được mình đã gặt hái được thành công căn cứ vào những tràng pháo tay vang rền của khán giả.

 

Còn chị Thủy, mẹ của bé cũng không dấu được sự hãnh diện về đứa con nhỏ của chị trong ngày hôm đó.  Riêng anh Tài đã nhận thấy rõ ràng sự thích thú của con gái mình sau lần bước lên sân khấu lần đầu tiên. Và nhờ được sự khuyến khích của nhiều người nên anh đã tìm cách tìm thầy dạy nhạc cho con…

 

Qua năm 2006, anh Khổng Văn Tài  có được số điện thọai của nhạc sĩ Nguyễn Đức để gọi xin hẹn tại nhà, cùng với bé Tường Vi.  Tuy nhiên nhạc sĩ Nguyễn Đức – người từng đào tạo nhiều tiếng hát cho nền tân nhạc Việt Nam, trong số có bộ 3 Tam Phương thường xuất hiện gần đây trên những chương trình video của Asia – viện dẫn lý do sức khỏe không được khả quan nên từ chối thu nhận bé Tường Vi làm học trò của ông.

 

Nhưng trước sự tha thiết của hai bố con, nhạc sĩ Nguyễn Đức đã chấp nhận cho bé Tường Vi thử giọng.  Và người thầy dạy nhạc được đúng 80 tuổi vào cuối tháng 5/ 2009  tới đây đã không thể từ chối việc hướng dẫn cho cô bé học trò khi đó mới 10 tuổi bởi giọng hát cứng cỏi và cách phát âm tiếng Việt rành rọt của cô đã khiến ông rất hài lòng. 

 

Và như vậy, bé Tường Vi có thể coi như cô học trò cuối cùng của người thầy dạy nhạc đã 60 năm lăn lộn trong nghề.  Từ đó đến nay, bé Tường Vi chăm chỉ theo học nhạc nơi nhạc sĩ Nguyễn Đức 2 ngày trong một tuần, mỗi ngày 1 tiếng, khởi đầu với nhạc phẩm Em Bé Quê: “Lúc đầu tiên đi học thì thầy dạy cho cháu bài Em Bé Quê. Đầu tiên, thầy coi xem là cháu có đọc được không. Sau đó thầy in ra rồi bắt đầu dạy những notes nhạc. Rồi thầy cho con  bài về nhà để học để tuần sau vô trả bài cho thầy”.

 

Tuy thời khóa biểu của bé chật kín vì phải dành thì giờ cho nhiều môn học. Tuy nhận là khó, nhưng Tường Vi cảm thấy rất vui vì biết cách tổ chức thời gian một cách khéo léo.

Riêng trong lãnh vực ca hát, Tường Vi hiện đã thuộc khoảng 30 bài. Đa số là những ca khúc về quê hương hoặc về ơn cha, nghĩa mẹ như Tình Cha, Chiều Thu Nhớ Mẹ, Ca Vang Khúc Yêu Đời, Gót Phiêu Du, Chiều Tây Đô, Mưa Lạnh Trên Đèo, vv…

 

Sau nhiều năm theo học Việt Ngữ, gần như bé Tường Vi không còn cảm thấy khó khăn trước những từ tiếng Việt.  Nội dung của các ca khúc do bé hát, Tường Vi đều thấu hiểu được rõ ràng để diễn tả thật khéo léo ý tưởng của tác giả, như  khi con hát bái Tình Cha, con tưởng tượng đến cha của con đã lo cho con. Rồi cha con  đưa con đi học mỗi ngày Tình thân của cha con đối với con rất là quan trọng”.

 

Còn chẳng hạn với ca khúc Chiều Thu Nhớ Mẹ, Tường Vi khi trình bầy luôn nhớ đến mẹ của bé là người đã hết lòng lo lắng và chăm sóc cho mình.  Do đó bé luôn mang một hoài bão là cố gắng học giỏi để bố mẹ được vui lòng…

 

Tuy  mang ý tưởng sẽ trở thành một giọng ca chuyên nghiệp sau này nhờ sự tin tưởng vào khả năng của mình. Không tự tin sao được khi bé là người giỏi nhạc nhất trong số học sinh của 16 lớp 7 của trường văn hóa Anh nơi bé theo học, với số điểm 95! Hơn nữa, bé còn là một giọng hát nổi bật trong ban hợp ca của trường.  Tuy vậy, Tường Vi cho rằng việc chính yếu đối với bé vẫn luôn là học vấn.

 

Bé Tường Vi đã khéo léo khi đưa ra định nghĩa về danh từ “quê hương”: “Quê hương là nơi mình sinh ra. Quê hương của con là Canada, của bố mẹ con là Việt Nam. Khi con ở Canada con vẫn nhớ quê hương VN”.

 

Bé còn cho biết tâm trạng của mình cũng như tâm trạng của Phạm Quỳnh Anh khi diễn tả ca khúc Hello Vietnam mà bé sẽ hát trong chương trình “Ơn Nghĩa Sinh Thành” diễn ra vào ngày 21 tháng 3 tới đây tại Capitol Banquet Center (Mississauga) nhân dịp ra mắt CD đầu tiên mang cùng tựa đề của mình, vì “Chị ấy muốn nói rằng là  dù có xa quê hương Việt Nam, sanh ở một nơi khác. Nhưng chị ấy cũng có thể về thăm quê hương Việt Nam. Con rất thích về VN chơi.  Lần trước về có 2 tuần rồi lại phải trở về đi học  nên sau này con  rất muốn về để chơi một khoảng thời gian dài”.

 

Còn về sống luôn thì sao? “Còn về sống luôn thì con nghĩ không đâu! Tại vì con cũng nhớ quê hương con bên đây”, Tường Vi trả lời một cách rất tự nhiên.

 

Đến nay đã được gần 4 năm kể từ khi bé Tường Vi bước lên sân khấu trước một số khán giả đông đảo. Với tinh thần biết ghi nhận và một óc quan sát bén nhậy, Tường Vi đã rút tỉa được một số kinh nghiệm để áp dụng vào những lần xuất hiện kế tiếp: “như là khi mình hát  mà về cuối nếu mà mình chậm lại  thì mình phải dơ tay cho ban nhạc biết  biết là mình muốn chậm lại  bài hát đó để dứt lời”.

 

Cô bé cao 1 thước 58 và nặng đúng 100 lbs này là một người sống rất gần gũi với bố mẹ cũng như người anh hơn cô 4 tuổi.  Cách sinh họat trong gia đình của bé Tường Vi là điển hình cho sinh họat của một gia đình còn giữ được phong cách thuần túy Việt Nam với sự trên kính, dưới nhường, lễ độ và vâng lời. “Chất” Việt Nam còn tồn tại nơi bé một cách rõ ràng hơn nữa khi những món “fast foods” của Mac Donald’s hoặc Burgers King không có chỗ đứng trước những món thịt kho, canh chua, canh mướp, canh chua bắp chuối và phở tái.

 

Bố mẹ của bé Tường Vi hiện đang sống trong những giây phút hồi hộp và rộn ràng nhất khi ngày ra mắt CD của đứa con gái cưng gần kề. Đó là ngày 21 tháng 3/2009 khi bé diễn trên cùng một sân khấu với các tên tuổi lớn như: Việt Thảo, Nguyễn Hồng Nhung, Quốc Anh, Huỳnh Gia Tuấn, Hồng Loan, vv… Và dĩ nhiên còn có sự hiện diện của người hướng dẫn bé là nhạc sĩ Nguyễn Đức. 

 

Hồi hộp và rộn ràng vì bố mẹ Tường Vi muốn coi đây là một dịp chính thức giới thiệu bé đến với mọi người khi bé đã tương đối chững chạc hơn  trong tiếng hát cũng như trong đời sống dù mới ở tuổi 13. Nhưng quan trọng hơn cả, Tường Vi có thể được coi như một tấm gương về nghệ thuật và văn hóa Việt Nam cho những bé thiếu nhi, không riêng gì tại nơi gia đình bé cư ngụ…

 

Trường Kỳ (TVTS – số 1199)