Câu chuyện về CHÂU ĐÌNH AN: tả tơi, vực thẳm, ánh sáng…

15 Tháng Một, 2013 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Châu Đình An

 

Đối với một người bình thường thì câu chuyện tương tự được thuật trong bài viết này đã là một câu chuyện hấp dẫn. Đằng này, Châu Đình An là một nhạc sĩ có tiếng thì tính cách hấp dẫn của câu chuyện lại càng tăng thêm rất nhiều. Tất cả câu chuyện được gói ghém trong ba từ : “Tả Tơi”, “Vực Thẳm”, “Ánh Sáng”.

 

Châu Đình An đã ghi lại cuộc đời mình suốt 55 năm qua bằng 3 từ đó.  Không phải dưới hình thức hồi ký mà bằng âm nhạc, chứa đựng trong tập nhạc mang tựa đề  “Tình Ca Châu Đình An: Tả Tơi, Vực Thẳm, Ánh Sáng” gồm 100 ca khúc chọn lọc của tác giả Đêm Chôn Dầu Vượt Biển. Cùng một lúc, Châu Đình An cũng đã cho phát hành CD mới nhất của anh gồm 10 bài tình ca dưới tựa đề “Em Ở Lại, Sóng Trôi Đời Tôi” với chính giọng hát của mình…

 

Châu Đình Anh chào đời tại Quảng Bình năm 1950. Do những hoạt động chính trị dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà, thân phụ anh – người miền Trung – đã bị ám sát bởi phe đối lập khi anh mới lên 9. Bốn năm sau, thân mẫu anh – người miền Bắc –  cũng qua đời để lại chú bé họ Châu côi cút bên cạnh bầy em 4 đứa. Người bác anh, cũng là nạn nhân của những tranh chấp chính trị, bị lâm vào tình trạng khó khăn khi phải tìm cách mưu sinh với công việc đồng áng. Tuy nhiên ông cũng cố gắng nuôi anh em Châu Đình An trong một hoàn cảnh rất khốn khó và cơ cực ở Cam Ranh.

 

Đầu óc non nớt của một cậu bé 13 tuổi đã ghi đậm tình trạng này để hàng chục năm sau vẫn nhớ rõ mồn một, như lời anh kể  “… nhà bác thì nghèo, ở nhà quê làm ruộng cực lắm. Bác có 9 người con lại phải nuôi thêm 5 anh em mồ côi của mình là 14 người. Ông bà nữa là 16.  Rồi lại thêm ông bà nội nữa là 18! Nên  mỗi lần đến mùa chuối là những buồng chuối được giú  vào  thùng phuy gạo. Đến khi ăn uống xong, nguyên một bầy con, bầy cháu mỗi người chỉ được 1 khoanh chuối nhỏ bằng cái lóng tay gọi là ăn tráng miệng…”

 

Mặc dù còn nhỏ nhưng đã sớm có ý thức tự lập, Châu Đình An muốn cất bớt đi một gánh nặng cho gia đình người bác nên đã quyết định đi bụi đời một thời gian sau đó. Hơn nữa quyết định đó cũng đến từ tâm hồn nghệ sĩ phóng khoáng, nơi anh. Thế là chàng thiếu niên lãng tử khởi đầu những bước giang hồ  khi mới được 14 tuổi, bỏ lại bầy em để đứt ruột ra đi. Với một ý chí xây dựng được một cuộc sống ổn định sau này trở về lo cho tương lai những đứa em mồ côi đáng thương. Những bước chân non nớt của Châu Đình An đi vào đời bằng những nghề vất vả nhất như bán báo và đánh giầy ngoài Nha Trang.

 

Trong một dịp tình cờ, Châu Đình An gặp một người bạn của thân phụ anh làm Trưởng Ty Y Tế Cam Ranh nên được ông nuôi cho ăn học vì biết rõ thân thế gia đình anh. Đến năm đệ Nhị, anh được gửi lên Đà Lạt học tại trường Minh Đức. Chính tại thành phố sương mù đầy lãng mạn này, tâm hồn nghệ sĩ của Châu Đình An đã có cơ hội phát triển để bắt đầu tham gia vào những hoạt động văn nghệ, trong thời kỳ phong trào nhạc trẻ đang phát triển mạnh.

 

Sau khi cầm trong tay mảnh bằng Tú tài 1, thay vì học tiếp, Châu Đình An đã xin gia nhập khóa 6 Trần Bình Trọng tại trường Sĩ Quan Thủ Đức, thời kỳ này được huấn luyện tại trường Bộ Binh Long Thành.  Sau khi ra trường, anh xin về sư đoàn Nhảy Dù vào cuối năm 1973, đồn trú tại Tam Hiệp, Biên Hòa với cấp bậc chuẩn úy, đảm nhiệm chức vụ đại đội phó Đại Đội 54, thuộc Tiểu Đoàn 5.  Một thời gian sau, anh bị thương ở chân trong lần tham gia trận Thượng Đức tại Đà Nẵng nên được đưa về Khối Bổ Sung với cấp bậc thiếu úy khoá sinh thuộc khóa Vương Mộng Hồng.

 

Trong một lần đi phép, Châu Đình An quyết định trở về tìm các em, lúc đó ở với gia đình người bác tại làng Sông Mỹ, Phan Rang thuộc tỉnh Ninh Thuận. Một mối tình đã đến với chàng thiếu úy trẻ tuổi với người bạn của cô em gái, một nữ sinh trường Quảng Thuận. 17 ngày phép trôi qua thật nhanh với mối tình thơ mộng đó đã khiến Châu Đình An cố nấn ná thêm một tuần để trong một lần kiểm soát giấy tờ, anh bị lực lượng Quân Cảnh giữ lại ở tiểu khu Ninh Thuận và bị báo cáo đào ngũ. Anh bị đưa ra quân lao Nha Trang và bị toà án quân sự Vùng 2 Chiến Thuật xử  2 năm làm lao công đào binh chiến trường trong thời kỳ cuộc chiến càng ngày càng sôi sục vào những tháng cuối năm 74.  Châu Đình An cho biết trong thời gian ở quân lao anh cũng đã học được nhiều điều hay qua những tay giang hồ dọc ngang khét tiếng, nhưng đối với anh là những người dễ thương và coi trọng nghĩa khí…

 

Chín tháng sau khi lãnh án, Châu Đình An nằm tại quân lao chờ xe xúc ra chiến trường tải đạn và xác các quân nhân tử nạn. Nhưng đến 6 tháng 4 năm 75, Nha Trang thất thủ và trại quân lao cũng tan rã.  Anh không mong gì hơn là tìm về mái ấm gia đình bên cạnh các em, được ăn một bữa cơm gia đình đầm ấm với những người thân quây quần bên nhau.

 

Anh đã phải trốn chui, trốn nhủi và trải qua nhiều vất vả để đón được xe đò về tới ấp Sông Mỹ.  Nhưng khi đến nơi, người  bác anh đã dẫn các em anh đi di tản hết, trước khi xã ấp bị chiếm bởi quân đội Bắc Việt.  Do đó Châu Đình An bị kẹt tại đây giữa những trận bom của không lực VNCH và mũi dùi của quân đội Bắc Việt từ Ban Mê Thuột và Nha Trang đâm thọc vào…

 

Tình cảnh Châu Đình An lúc đó thật bơ vơ, không nơi nương tựa cùng với những cơn đói cào xé ruột gan. Sau khi lục lọi ít củ khoai, củ mì còn sót lại trong căn nhà người bác, anh lang thang đi tìm những người quen biết trong ấp. Chẳng may anh gặp một nhóm người đi dép râu, đội nón tai bèo chận bắt đưa về ủy ban xã. Đến nơi, anh được người bí thư xã  nhận ra là từng gặp anh sống ở đây và cho biết những người trong ấp tưởng anh đã chết ngoài mặt trận khi bị lãnh án làm lao công ngoài chiến trường.

 

Châu Đình An được đề nghị ở lại giúp ủy ban xã làm biên bản về những vũ khí tịch thu được. Cùng trong thời gian này, đồng bào đi di tản đang lục đục trở về quê quán. Họ đã rất ngỡ ngàng khi thấy Châu Đình An chễm chệ ngồi nơi bàn làm việc ở xã, đầu đội nón tai bèo và đeo lủng lẳng một khẩu Colt 45, lại còn có cả mấy người lính thượng đứng gác! 

 

Ai cũng tưởng anh là một cán bộ cao cấp nằm vùng, đến lúc đó mới ra hoạt động. Ngoài ra anh còn được giao cho công tác dạy thêm văn hoá cho các cán bộ trong xã, kể cả người bí thư. Hoàn cảnh oái oăm này đã giúp anh có được một tình trạng khá nhàn hạ so với những đồng bào khác ở nơi ấp, xã nghèo nàn này.  Cho đến khi anh được một người bạn cũ phân tích lợi hại, cho rằng nếu cứ kéo dài tình trạng này, có ngày anh sẽ gặp nguy hiểm, đưa tới tình trạng mất mạng như chơi.

 

Châu Đình An nhận ra và cảm thấy hoảng sợ nên đã tìm đường đi trốn. Nhưng chỉ vài tháng sau, anh bị bắt lại ở Bình Tuy, rồi bị tống vào trại cải tạo Sông Cái cùng khoảng 800 người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hoà, với tội danh tình nghi tổ chức lực lượng Fulro! Thế là một lần nữa cuộc đời Châu Đình An rơi vào tình trạng tả tơi trong suốt 4 năm trong công tác lái máy cày hiệu Someca, nhắm vào việc sản xuất lương thực cho toàn trại! 

 

Tại đây cuộc đời Châu Đình An thật sự từ tình trạng tả tơi đã rơi xuống vực thẳm trong những công tác khắc nghiệt như làm vệ sinh hầm cầu để phải ngụp lặn trong hầm phân với dòi bọ và đám mây ruồi nhặng dầy đặc cùng nhữnhg mùi xú uế không thể tả xiết. Nhiều lúc anh tự hỏi mình còn là người hay đã trở thành một con vật. Lúc nào cũng tin tưởng ở Đấng Tối Cao nên anh cho biết tuy phải sống trong cái vực thẳm đen tối đó anh đã chịu đựng được nhiều gian khổ sau khi đã kề cận với cái chết do bệnh tật gây nên…

 

Vào đêm 25 tháng 12 năm 1978, trong chương trình văn nghệ kỷ niệm ngày thành lập Quân Đội của Bắc Việt, Châu Đình An đã tham gia với tư cách là phó ban văn nghệ sau khi từng được trưởng ban là trưởng ty kinh tế Phan Rang – một cựu sư huynh – hướng dẫn về nhạc.  Lợi dụng tình trạng ồn ào của đêm văn nghệ, Châu Đình An thực hiện kế hoạch trốn trại đã phác họa từ trước…

 

Trải qua nhiều vất vả cùng những kinh nghiệm chịu đựng học hỏi được trong khoảng thời gian bị giam cầm, nên tuy bị bủa vây nhiều ngả, nhưng nhờ trốn trên một  cây bằng lăng Châu Đình An đã may mắn không bị bắt lại. Nhưng cũng đã phải trải qua nhiều gian nan và hồi hộp, chàng “Papillon” Châu Đình An mới thoát hiểm vào tận Sài Gòn bằng phương tiện đường sắt…

 

Anh đặt chân  xuống nhà ga Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn vào khoảng 9 giờ sáng và đi về thẳng Long An là nơi được biết có một số người quen  ở quê cũ đang cư ngụ theo diện kinh tế mới… Tại đây, Châu Đình An đã xoay sở để  có được giấy tờ tùy thân giả với tên Trần Duy Tân.  Nhờ sự móc nối khéo léo, anh đã trở ra ngoài Phan Rang để sửa soạn kế hoạch vượt biên bằng cách chôn những can xăng dầu ngoài bãi biển làng Hội Diêm, gần quốc lộ 1. Hoàn cảnh này đã gợi ý cho Châu Đình An viết thành ca khúc Đêm Chôn Dầu Vượt Biển, rất quen thuộc với đồng bào tỵ nạn. 

 

Nhưng cuối cùng Châu Đình An đã không vượt biển rời quê hương ở nơi anh cùng những đồng bào khác đã chôn một số lượng xăng dầu lớn lao vì kế hoạch không thành. Cũng tại Phan Rang, Châu Đình An đã có thêm một mối tình với một thiếu nữ tên Cúc từ Nha Trang ra đây với cùng ý định vượt biển như anh. Nhưng sau đó Cúc trở ra Nha Trang để tham gia vào một tổ chức vượt biên khác. Trước khi về lại Nha Trang, Cúc có dặn anh khi nào nhận được điện tín với dòng chữ “Có đám cưới, về gấp” thì biết đó là tín hiệu cho biết việc tổ chức suôn sẻ, chờ anh về để tầu sẵn sàng ra khơi.

 

Châu Đình An tức tốc về Nha Trang để gặp lại người yêu và hy vọng được đi cùng với cả gia đình cô.  Nhưng mong mỏi được đi cùng với gia đình người yêu của Châu Đình An đã không thành tựu vì lý do an ninh nên tầu phải khởi hành sớm hơn dự định, trong khi Cúc phải ở lại vì gia đình cô lúc đó chưa ra tới bãi. Chỉ có mình anh đi cùng với cậu em trai của người yêu vào tháng 5 năm 1979, sau khi đã nếm mùi thất bại 5 lần. Chiếc tầu mong manh có Châu Đình An trên đó đã được một tầu của Tây Đức cứu và đưa vào Hồng Kông làm thủ tục định cư ở một quốc gia thứ ba, nếu không muốn cư ngụ tại Đức.

 

Sau hơn 3 tháng ở trại tỵ nạn Hồng Kông, Châu Đình An đặt chân tới tiểu bang Wisconsin.  Khoảng một năm sau, bước chân tang bồng hồ hải của chàng thanh niên tên Châu Đình An, lúc đó mới ngoài 30 bắt đầu vẫy vùng, để như một bánh xe lãng tử lăn qua rất nhiều nơi trên đất Mỹ trong suốt 7 năm trời.

 

Trong thời gian này anh không hề có một công việc làm ăn nào chính thức, tuy nhiên rất được bạn bè ở mọi nơi thương mến nên “rồi mình cũng lại sống qua ngày được” trong sự đùm bọc của bạn bè. Nhưng rồi cũng đến lúc  những bước chân giang hồ của Châu Đình An thấm mệt khi sắp sửa bước vào lớp tuổi bốn mươi sau khi tích tụ được một số sáng tác trong 7  năm trời ròng rã. 

 

Anh đã chọn miền nắng ấm California để dừng chân. Và cũng chính tại đây cuộc sống tình cảm của anh đã có một chuyển biến lớn khi gặp “một mối tình để đưa đến một mái ấm gia đình cho đến ngày hôm nay”.  Mối tình đó là Duyên Hằng, lúc đó đã gây dựng được một cơ sở thương mại vững vàng ở Hungtinton Beach. 

 

Còn Châu đình An sau một thời gian ngắn về đây cũng đã gầy dựng được một cơ sở ấn loát có uy tín cùng một cơ sở sản xuất những sản phẩm về mỹ phẩm.  Ngoài ra anh còn sáng tác nhạc, phụ giúp phần thu thanh với Tùng Giang và làm chủ trương biên tập hay bỉnh bút cho nhiều tờ báo ở nam California vào những năm cuối thập niên 80. Riêng về lãnh vực âm nhạc, ngay sau khi đặt chân lên Mỹ, Châu Đình An đã có nhiều hoạt động với những sáng tác và giọng hát của mình.

 

Tưởng rằng cuộc sống ở California cứ thế trôi qua với đà đi lên về phương diện sáng tác cũng như làm ăn, nhưng sau khi lập gia đình với Duyên Hằng vào năm 92, hai vợ chồng anh quyết định về Orlando sinh sống để “hồn say nắng và lòng nở hoa”, được anh diễn tả trong một ca khúc của mình. Có thể nói từ đó, Châu Đình An đi lại từ đầu trong niềm phấn khởi và sự binh an trong tâm hồn để chú tâm vào việc sáng tác cũng như say mê theo học ngành thu thanh cho đến khi tốt nghiệp trường Fullsail vào năm 98. 

 

Nếu trước kia sống về tình bằng hữu, “ra khỏi nhà nhờ bạn” thì nay  :ở nhà nhờ vợ”.  Châu Đình An đã tâm sự như vậy khi cho biết Duyên Hằng là người luôn khuyến khích anh đi theo những gì anh say mê, trong đó có âm nhạc và làm báo.  Do đó ngay từ khi về Orlando anh đã  chủ trường nguyệt san  Sài Gòn Mới. Cách đây hơn 3 năm anh lại cho ra đời một nguyệt san khác lấy tên là Văn Nghệ Thời Báo.

 

Về âm nhạc, sau một thời gian dài vắng tiếng, Châu Đình An đã có thêm được nhiều tự tin để quyết định tung ra một số ca khúc của anh, được đưa vào 4 CD thực hiện vào những năm 2002, 2003. Cũng trong thời gian đó, vợ chồng Châu Đình An-Duyên Hằng đã trở thành những nhà tổ chức show nhiều uy tím tại những thành phố lớn ở Florida. Sau khi đã trải qua những tình trạng tả tơi, đã vùi đầu trrong vực thẳm, thời gian sau này trong cuộc đời Châu Đình An là thời gian anh đã ngoi lên tới vùng ánh sáng với những thành công đáng kể. Châu Đình An đã rất thành thật khi tâm sự chính nhờ ở những khó khăn, nhọc nhằn anh đã trải qua trong thời niên thiếu mà anh đã cố gắng vươn lên để thấy được ánh sáng của cuộc đời.

 

Hiện được coi là một người thành công, với một cuộc sống ổn định, nhưng Châu Đình An không bao giờ quên đươc Ơn Trên cũng như tin tưởng nơi sự phù hộ của song thân, đã vĩnh viễn ra đi khi anh còn là một cậu bé con.

 

Tuy Châu Đình An đã mãn nguyện về cuộc sống hiện tại với những tả tơi đã được vá lại, với một vực thẳm chỉ còn trong quá khứ.  Nhưng anh cho rằng không có điều mãn nguyện nào bằng tập nhạc anh mới phát hành, trong đó là những mảnh đời thật của anh được diễn tả bằng những dòng nhạc trải dài qua nhiều năm tháng để có thể nói âm nhạc là cuộc đời anh, đã theo anh từ hố sâu tăm tối đến ánh sáng chói loà…

 

Và Châu Đình An cho biết nếu có thu được lợi nhuận từ tập nhạc và CD mới phát hành, anh sẽ dùng vào những công tác từ thiện đối với những trẻ em mồ côi, mang một thân phận như anh nhưng không được may mắn…

 

Câu chuyện về Châu Đình An quả là thú vị và hấp dẫn. Chắc bạn đọc cũng mang cùng nhận xét như vậy?

 

Theo dự trù, tập nhạc “Tình Ca Châu Đình An: Tả Tơi, Vực Thẳm, Ánh Sáng” và CD  “Em Ở Lại Sóng Trôi Đời Tôi” sẽ được ra mắt tại Houston vào ngày 6 tháng 8 với phần trình bày của Như Quỳnh, Chí Tài và ban nhạc CBC.  Sau đó tại San Jose vào ngày 8 tháng 10 năm 2005 với Như Quỳnh, Quang Lê và ban nhạc The Tranz. Dĩ nhiên Châu Đình An sẽ cất tiếng hát về những tâm tư, về thân phận chính mình qua những ca khúc tiêu biểu cho những chặng đường đời buồn như ngày hôm qua, vui như ngày hôm nay…

 

(Trường Kỳ  TVTS – 1009)