NGỌC LOAN: sáng tạo hơn, mới mẻ hơn…

21 Tháng Năm, 2013 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

 

 

 

Ngọc Loan

 

Bây giờ viết nhạc là việc của mình rồi! Trước đó, tưởng chỉ là một việc part- time, nhưng không ngờ nó lại chiếm thì giờ của mình gần như  full- time!  Câu nói của Ngọc Loan đã bộc lộ niềm vui pha một chút hãnh diện của cô.  Sau 7, 8 năm đến với lãnh vực sáng tác, mà thoạt đầu chỉ muốn viết như một “hobby” khi cho rằng viết nhạc là việc của… người khác.  Nhưng bây giờ Ngọc Loan có thể được coi như một nhạc sĩ nhà nghề, xét trên khía cạnh nghệ thuật. Nhất là khi CD thứ  3 “Rồi Như Mây Bay” của cô phát hành vào cuối năm 2004, đã xác định thêm về khả năng của mình, hiện đã trở thành một tên tuổi được biết đến nhiều tại San Jose, nơi vợ chồng cô cư ngụ từ năm 1979.

 

Ngọc Loan luôn nhớ về khoảng thời gian cách nay hơn 10 năm, khi tâm hồn yêu nhạc và năng khiếu sẵn có của cô đã được đánh thức bằng những “notes” nhạc của Beethoven khi cô tình cờ nghe được trong một lúc đầu óc không vướng bận. Sau khi ngâm nga theo những “notes” nhạc mà Ngọc Loan cho là giản dị của một nhạc phẩm bất hủ đó, cô tự nhủ nếu được hướng thì cô cũng có thể viết thành một ca khúc một cách dễ dàng.

 

Trước đó đối với cô là một công việc rất khó khăn. Vốn dĩ có một đầu óc tưởng tượng phong phú đến từ thói quen thường liên tưởng đến nhiều sự việc trong những hoàn cảnh khác biệt, nên Ngọc Loan tin là mình có thể diễn tả được bằng âm nhạc thay vì những phương tiện khác. Ý tưởng sáng tác nhạc đến với Ngọc Loan từ đó, để vào năm 98 , cô bắt đầu theo học về nhạc lý và sáng tác nơi nhạc sĩ Phúc Trung ở San Jose, với một quan niệm rõ rệt: “vấn đề chính của mình là phải có một động lực.  Động lực  đó không gì khác là lòng đam mê”.

 

Lòng đam mê hình thành một ca khúc nơi Ngọc Loan đã được thể hiện vài tháng sau khi theo học nhạc với ca khúc đầu tay “Thoáng Mưa Xưa”, đánh dấu cho một thời điểm quan trọng với cô trên bước đường sáng tác.  Hơn nữa với chủ trương: “không phải là mình muốn có danh và nhất là không quan tâm đến vấn đề thương mại” đã khiến mọi người hiểu tất cả chỉ là niềm đam mê âm nhạc nơi Ngọc Loan, một chuyên viên trong nghành địa ốc từ gần 15 năm nay, vớí sự trợ giúp đắc lực của chồng.

 

Nhưng thật sự không phải đợi tới bây giờ những ca khúc của Ngọc Loan mới gây được chú ý, đặc biệt là nơi những tiếng hát tên tuổi tại hải ngoại.  Họ đã tìm đến với Ngọc Loan từ những ca khúc được thu thanh trong CD đầu tiên “Nhớ Gì Không Em” vào năm 2001.

 

Điển hình như ca khúc “Thiên Đàng Đã Mất” rất được Gia Huy và Tuấn Anh dành cho một sự  ưa thích đặc biệt. Gia Huy đã thu thanh nhạc phẩm này trên một CD của anh cùng với một vài sáng tác khác của Ngọc Loan soạn riêng cho anh. Không những chỉ thích thú với lời ca cũng như  giai điệu của ca khúc này, Tuấn Anh đã dùng “Thiên Đàng Đã Mất” để làm đề tựa cho CD mới nhất của anh, gồm 11 ca khúc anh gọi là những “Tuyệt Tác Ngọc Loan”, chọn lọc từ 3 CD của cô cùng vài sáng tác mới. 

 

Cũng với ca khúc này, Tuấn Anh đã tạo được nhiều chú ý nơi khán thính giả trong chương trình video “12th Anniversary Kim Lợi Cali”, phát hành vào đầu năm 2005. Cùng một chương trình, một ca khúc khác do Ngọc Loan sáng tác mang tựa đề “Nắng Úa Tình Tôi” cũng đã được diễn tả một cách trọn vẹn bởi tiếng hát trẻ Anh Tuấn.

 

Khởi đi từ CD  ”Nhớ Gì Không Em” năm 2001, tiếp nối với “Mong Manh” năm 2003 và mới đây là “Rồi Như Mây Bay”, Ngọc Loan đã có thể xác định chỗ đứng của mình trong thành phần những nhạc sĩ phái nữ  hiếm hoi tại hải ngoại hiện nay. Đà sáng tác của Ngọc Loan đang trong thời kỳ hăng say, với nguồn cảm hứng có thể nói là đến với cô – một tâm hồn rất nhậy cảm – một cách dồn dập. Cô hoà nhập tình cảm mình một cách say sưa trong việc sáng tác để quên bẵng đi cả thời gian, đối với cô “thực mà ảo, ảo mà thực”.

 

Nhiều khi hướng ý nghĩ  về con đường viết nhạc của mình, Ngọc Loan tưởng như đã đi vào một cái nghiệp hoặc coi đó là  số phận văn nghệ của cô đã được an bài.  Nhưng sau khi phân tách kỹ, cô nhận thấy chỉ là một sự vui thích với những gì có được, vì “có thể hôm nay mình còn, ngày mai mình mất phải không? Nên mình cứ enjoy với những  gì mình co thôi”.  Còn nếu coi viết nhạc như một bổn phận thì đối với cô quá nặng nề vì “đời mình đã có bổn phận cquá nhiêù rồi”.  Nên cô cần những gì phóng khoáng hơn để “tự nhiên mình có một cái ý tưởng gì thì OK  mình viết.  Hay là một đoạn nhạc nào đó  tới, nó come up với mình  thì mình viết liền.  Đó là một sự thú vị khi mình viết được những ý tưởng mới”. Nhưng dù thế nào thì Ngọc Loan cũng đã tạo cho mình được một dòng nhạc đa dạng, nhất là trong âm điệu và tiết tấu, được nhận thấy rõ trong CD “Rồi Như Mây Bay” của cô.

 

Nội dung của những ca khúc Ngọc Loan cũng có phần khác với thời kỳ đầu tiên. Trưởng thành hơn, già dặn hơn và có chiều sâu hơn khi cô đặt trọng tâm vào những suy tư, những cảm nhận từ tâm hồn đa cảm của mình, được viết ra một cách rất thành thật. Những xúc cảm nơi cô được đào sâu hơn, tinh tế hơn với một sự bàng bạc mầu sắc triết lý.

 

Khá nhiều năm từ khi sáng tác đến nay, Ngọc Loan đã tạo cho mình  một thói quen để có thể hoàn thành những ca khúc mà không cảm thấy khó khăn., ngoài yếu tố chính là khả năng và lòng đam mê. Nhờ ở phương tiện sáng tác là một cây keyboard, thay vì một cây guitar như trước, việc hoàn thành một ca khúc đối với Ngọc Loan đã ttở nên dễ dàng nhiều hơn trước.

 

Ngoài nhiều giọng ca tầm cỡ trong nước trình bày những ca khúc của Ngọc Loan trên 3 CD của cô như: Quang Dũng, Lê Hiếu, Mỹ Linh, Thu Phương, Bằng Kiều, Thanh Lam, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, vv… tại hải ngoại, có người từng đặt câu hỏi với Ngọc Loan là sao chỉ có những ca sĩ phái nam diễn tả những ca khúc đó. Phải chăng những ca khúc này chỉ thích hợp với những giọng ca nam. Về điểm này, Ngọc Loan cho biết chỉ là một sự ngẫu nhiên…

 

Tất cả đến từ sự thích hợp với người trình bày và nội dung ca khúc. Điển hình như ca khúc “Ngày Nào Tôi Mất Em” diễn tả một sự mất mát nào đó. Có thể là một mất mát về tình yêu, nhưng cũng có thể là một mất mát những gì quen thuộc. Như  một dòng sông kỷ niệm ngày nào ở miền Tây nơi Ngọc Loan sinh trưởng, nay cũng đã không còn tìm lại được những dấu vết quen thuộc xưa khi cô từng trở lại đôi lần…

 

Dù được diễn tả dưới bất cứ góc cạnh nào, yếu tố quan trọng nhất như Ngọc Loan luôn quan niệm là cần phải viết thật. Bản tính thành thật của một Ngọc Loan ngoài đời và Ngọc Loan trong âm nhạc đã có một sự hoà đồng rõ rệt. Nhờ vậy ca khúc được viết ra mới có hồn, mới mang tính chân thật của cảm xúc. Cũng do cảm xúc và cách diễn tả nơi mỗi người mỗi khác nên Ngọc Loan quan niệm không nên so sánh nhạc sĩ này với nhạc sĩ kia. Mỗi người là một thế giới riêng tư với những cảm xúc khác biệt… Nhưng  quan trọng hơn hết vẫn là phải viết thật về những cảm xúc đó.  Viết thật về những gì mình đã trải qua hay từng chứng kiến.

 

Cô đưa ra thí dụ về nhạc phẩm Bên Cầu Biên Giới của Phạm Duy.  Nếu ông chưa từng đến đây, chắc chắn chúng ta đã không được thưởng thức nhạc phẩm bất hủ này. Ngô Thụy Miên cũng vậy.  Góc trời thân thuộc của anh đã được diễn tả  trọn vẹn và khéo léo trong Riêng Một Góc Trời với những tình cảm đã qua trong một không gian và thời gian nào đó…

 

Theo Ngọc Loan, nếu không hiện diện ở một khoảng không gian và thời gian  cụ thể trong quá khứ, nhưng ít ra cần phải có một ý tưởng, một đầu óc tưởng tượng dồi dào và phong phú để có thể cảm xúc viết thành một ca khúc.  Cảm xúc đó được diễn tả vừa bằng âm điệu vừa bằng lời ca như quan niệm của Ngọc Loan là đặt tầm quan trọng giữa nhạc và lời lên ngang nhau khi cần có người hát để diễn tả tình cảm của mình.

 

Dù được đánh giá là thành công với những ca khúc do cô viết, nhưng Ngọc Loan dù bận bịu với công việc riêng nhưng cũng không ngừng chú tâm đến việc nghiên cứu và học hỏi âm nhạc, dù là một cách gián tiếp. Còn hiện nay, lúc nào cô cũng luôn sẵn sàng sáng tác mỗi khi có ý tưởng hiện ra trong đầu, để   cứ có một ý tưởng mới là mình cầm bút viết ngay. Viết rồi để đó nên  nhiều khi một tuần viết khoảng 4, 5 bài  không có gì gọi là mệt nhọc lắm. Chỉ có điều là một khi đã viết thì phải  viết cho hết, không thể ngừng ở nửa chừng.  Sợ rằng lần sau quay trở lại sẽ không còn nhớ cái melody đó.”

 

Ngoài ra, Ngọc Loan vẫn thường xuyên trao đổi với người hướng dẫn âm nhạc cho cô về tất cả những gì liên quan đến việc sáng tác để những ca khúc mình viết ra có được một tầm mức nghệ thuật và kỹ thuật mới mẻ hơn. Ngọc Loan đang trong thời kỳ sung mãn trong việc sáng tác. Sự ham thích của cô có thể nói là mạnh mẽ hơn bao giờ hết dù luôn nhận mình là một người viết nhạc tài tử  vì “đời  sống mình cũng còn có những công ăn chuyện làm khác, những ràng buộc khác. Nên mình muốn lãnh vực văn nghệ của mình là một cái gì”free” hoàn toàn, tự do hoàn toàn. Mình không muốn bị ràng buộc nbư là tôi phải viết nhạc hay phải làm CD”. Không có vấn đề “phải”trong hobby của mình”

 

Nhưng chính vì quan niệm tự do trong sáng tác, không bị gò bó trong mọi khía cạnh liên quan đến nghệ thuật, Ngọc Loan đã cho thấy được một bản tính rất nghệ sĩ của cô. Mà trong nghệ thuật, một tâm hồn như vậy cần thiết hơn là việc chú tâm vào vấn đề chuyên nghiệp, vây quanh bởi thời gian, ràng buộc cũng như  bổn phận.

 

Trường Kỳ  (TVTS – 1008)